Site icon Tin360

Các đồng minh của Mỹ – NATO thi nhau ‘nổi loạn’

Trái: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Sau Ả rập Xê út, thêm 2 đồng minh chủ chốt của Mỹ đều bắt tay liên kết với Nga, và đây được cho là đòn giáng mạnh vào Washington và Brussel, phá vỡ thế đơn cực và mở ra một trật tự thế giới đa cực mới.

Pháp chỉ trích Mỹ bán khí đốt cho châu Âu với giá cao kỷ lục

Lại thêm một tin xấu nữa đến với chính quyền Joe Biden, khi đồng minh Pháp cáo buộc các chính sách thương mại và năng lượng của Mỹ đã tạo ra một “tiêu chuẩn kép”, trong đó châu Âu phải trả giá cao hơn nhiều khi mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ, theo bloomberg.

Tổng thống Emmanuel Macron giải thích tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 21/10 như sau: “Nền kinh tế Bắc Mỹ đang đưa ra những lựa chọn vì mục tiêu hấp dẫn, điều mà tôi tôn trọng, nhưng chúng tạo ra một tiêu chuẩn kép”. 

Tổng thống Pháp cũng đề cập đến cả Mỹ và Na Uy đang gặt hái“ siêu lợi nhuận thực sự” và hưởng lợi từ chiến tranh.

Ngoài ra, Pháp cũng vừa tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng, khi Tổng thống  Macron nêu rõ quyết định này là phù hợp với quan điểm của chính phủ Pháp. Sự kiện này tiếp tục giáng một đòn đau vào kế hoạch Năng lượng Xanh của chính quyền Biden.

Từ một quốc gia xuất khẩu ròng năng lượng vào năm ngoái, Pháp đã trở thành nhà nhập khẩu năng lượng ròng trong năm nay, sau khi dần đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân để chuyển sang thực hiện các chính sách chống Biến đổi khí hậu toàn cầu theo yêu cầu của Mỹ. 

Để bù đắp cho tổn thất do đóng cửa nhà máy điện hạt nhân, và việc Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt tự nhiên vào nước này, Pháp đã chuyển sang mua LNG của Mỹ. Tuy nhiên Tổng thống Macron tỏ thái độ bất bình khi nước Pháp đang phải trả giá quá đắt. 

Theo đó, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang Pháp tăng 421% trong 8 tháng đầu năm 2022 – nhưng giá trị LNG đó đã tăng 1094% chỉ trong tháng 8 do giá LNG cao hơn, theo oilprice.

Trong khi ấy, đồng minh Đức cũng ngày càng tỏ ra bất mãn với Mỹ, khi cho rằng chính quyền Biden đã bán khí đốt với giá cao hơn rất nhiều trên thị trường năng lượng châu  Âu, theo cnbc.

Có thể nói, với lá bài năng lượng, Tổng thống Putin đã khiến nước Anh lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính tồi tệ nhất trong vài thập niên trở lại đây, cùng với hàng loạt các đồng minh ‘quay xe’, phản lại Mỹ để liên kết với Nga. 

Mỹ, NATO, EU đau đầu trước đồng minh ‘bất trị’ Thổ Nhĩ Kỳ

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành cái gai nhức nhối đối với cả Washington và Brussel, khi nước này có mối quan hệ với Nga nồng ấm hơn nhiều so với những gì Mỹ mong muốn. 

Tuy nhiên, có khá nhiều lý do khiến chính quyền Biden đang cố gắng hạ thấp sự “nổi loạn” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một vài trong số đó là do Mỹ đang quá bận rộn trên các mặt trận trừng phạt khác nhau, như Mỹ đang tìm cách hạn chế nguồn chip cao cấp xuất khẩu sang Trung Quốc, tìm cách làm tổn thương Ả Rập Xê-út vì dám thách thức Mỹ bằng cách cắt giảm sản lượng dầu, hay lên kế hoạch trừng phạt Iran vì đã bán UAV cho Nga, và gần đây nhất là vận động các quốc gia giới hạn giá dầu thô của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã tham gia một hiệp ước kinh tế với Nga, bao gồm cả việc thúc đẩy du lịch, bằng cách yêu cầu các ngân hàng của nước này chấp nhận thẻ MIR của Nga, dự kiến sẽ áp dụng vào mùa du lịch 2023.

Tuy nhiên, Mỹ đã đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ nếu chấp nhận sử dụng thẻ MIR, và nước này có thể mất hàng tỷ đô la doanh thu nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, theo russia-briefing. 

Bất chấp quan điểm của Mỹ, rằng một thành viên NATO không nên kết giao với một kẻ thù của khối, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục ký kết nhiều thỏa thuận hơn với Nga, trong đó nổi trội là kế hoạch đặt một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa với việc ‘ngụy trang’ khí đốt có xuất xứ từ Nga. 

Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng không lùi bước với Mỹ ngay cả sau sự cố thẻ MIR. 

Thổ Nhĩ Kỳ công khai thách thức Mỹ

Ngày 19/10 vừa qua, Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, khi một phái đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ – bà Elizabeth Rosenberg dẫn đầu đã gặp các quan chức của Bộ Tài chính và Kho bạc Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong đó, bà Rosenberg “đã đề cập đến một loạt các chủ đề, bao gồm các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do một liên minh rộng lớn hơn 30 quốc gia áp đặt lên Nga”, theo Bloomberg.

Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý làm theo bất cứ yêu cầu gì của Mỹ, mà đơn giản nước này coi cuộc họp vừa qua với quan chức Mỹ là loại cuộc họp kiểu mang tính “thuyết trình”, và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu ngồi lắng nghe hơn là thực hiện.

Sau nhiều nỗ lực đe dọa trừng phạt của Mỹ để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại ‘quỹ đạo thực tế’, nhiều tin tức xuất hiện cho thấy nước này tiếp tục công khai thách thức Mỹ. 

Đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Nga giúp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin vào tuần trước tại thủ đô Kazakhstan, theo ekathimerini.

Điều đáng nói là nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang vận động mạnh mẽ các đồng minh mua ít năng lượng hơn từ Nga, và đây không khác gì thách thức phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. 

Trong khi thời hạn áp đặt mức trần giá dầu Nga của nhóm G7 đang đến gần, dự kiến vào ngày 5/12, cùng với lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu của Nga, thì Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ sẵn sàng giúp Nga chống lại các lệnh trừng phạt. 

Cách đây 2 ngày, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không đồng tình với việc Mỹ gia tăng áp lực với Ả rập Xê út trong việc cắt giảm sản lượng dầu. 

Như vậy có thể thấy, với sự ‘nổi loạn’ của các đồng minh chủ chốt như Ả Rập Xê Út, Qatar, và Thổ Nhĩ Kỳ, có vẻ như kế hoạch của Mỹ nhằm thành lập một liên minh quốc tế hỗ trợ việc đưa ra mức giá trần dầu Nga đang sụp đổ. 

Mỹ khó có thể trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ

Tất nhiên chính quyền Biden đang tìm cách trừng phạt Ả Rập Xê Út vì vương quốc này phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ, tuy nhiên lại khó có thể trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nước này có vị trí chiến lược quan trọng nhất của NATO. 

Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nằm dọc phía Nam Biển Đen, có vị trí như một cây cầu kết nối châu  u và châu Á, giáp với Trung Đông ở phía Nam, Trung Á ở phía Đông và khu vực Kavkaz ở phía Bắc. Trong số những quốc gia giáp Biển Đen, các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường duy nhất dẫn tới biển Aegean, Địa Trung Hải và các đại dương khác.

Về mặt chính trị, Thổ Nhĩ kỳ là quốc gia Hồi giáo lớn nhất NATO và có thể là nhân tố đối thoại hữu ích giữa thế giới Ả rập và Ba Tư. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Ankara với nhiều đối tác chủ chốt trên thế giới đã mang đến cho nước này ảnh hưởng chính trị, mà một trong số đó là vai trò trung gian cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine mới đạt được gần đây.

Về mặt quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân đội lớn thứ hai NATO với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn, và là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như các trang thiết bị phòng thủ quan trọng của cả NATO và Washington.

Điều trớ trêu là, Tổng thống Erdogan cũng là lãnh đạo duy nhất của một nước NATO vẫn giữ mối quan hệ gắn bó với Tổng thống Putin. Ông cũng là lãnh đạo duy nhất của một nước NATO mua hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 của Nga, thay vì các thiết bị của phương Tây, vốn có khả năng tích hợp với mạng lưới phòng không NATO.

Ông cũng là nhà lãnh đạo NATO duy nhất đe dọa một đồng minh trong chính liên minh bằng vũ lực, với một loạt thông báo trên twitter hồi đầu tháng 9 về những căng thẳng với Hy Lạp. 

Tất nhiên NATO và châu Âu cũng thường xuyên phớt lờ và bác bỏ nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách từ chối đơn gia nhập EU của nước này.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải dạng vừa, khi không ít lần gây áp lực với châu Âu bằng cách mở cửa biên giới cho dòng người tị nạn Syria tìm đường vào châu Âu, theo apnews.

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những đồng minh “nổi loạn” khó chịu nhất của Mỹ/NATO hiện nay. Đó cũng là hệ quả của việc Mỹ và EU đã xử lý ‘quá tay’ trong việc chống Nga trên quá nhiều mặt trận, mà Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập xê út hay Qatar là một minh chứng cho những  tính toán sai lầm nghiêm trọng của chính quyền Joe Biden.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của Tin360.

Có thể bạn quan tâm: