Các lệnh trừng phạt Nga tưởng chừng là đòn đau từ phương Tây lại trở thành “cú sốc ngược” với chính EU. Khối này đang gấp rút yêu cầu Mỹ tìm cách giảm nhẹ lệnh trừng phạt nhằm cứu vãn an ninh năng lượng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Mọi chuyện bắt đầu khi Mỹ áp lệnh trừng phạt Gazprombank — ngân hàng chủ chốt trong các giao dịch khí đốt tự nhiên của Nga. Động thái này được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) mô tả là “bước tiến lớn khác trong việc hạn chế Nga sử dụng hệ thống tài chính quốc tế để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.”
Tuy nhiên, chính sách này khiến châu Âu chao đảo khi các nước thành viên phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga. Một số quốc gia như Ba Lan và Bulgaria từng bị cắt hoàn toàn khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng rúp qua Gazprombank. Slovakia và Hungary hiện vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung này, đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nếu lệnh trừng phạt không được nới lỏng.
Trước áp lực lớn, EU buộc phải thương lượng với Mỹ để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đảm bảo rằng “các khoản thanh toán mua khí đốt có thể thực hiện thông qua công ty con của Gazprombank ở Luxembourg hoặc các kênh thay thế.” Các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng khó khăn về mặt pháp lý và logistics vẫn chồng chất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây hủy bỏ yêu cầu thanh toán khí đốt độc quyền qua Gazprombank, cho phép người mua sử dụng các ngân hàng khác để chuyển tiền sang rúp trước khi thanh toán. Tuy nhiên, “Gazprombank vẫn là tổ chức duy nhất được ủy quyền để xử lý các khoản thanh toán này,” khiến EU không thể dễ dàng thoát khỏi cái bẫy năng lượng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Hungary phải trực tiếp kiến nghị Mỹ miễn trừ lệnh trừng phạt, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ — một thành viên NATO — đang đàm phán với Nga về việc tiếp tục sử dụng dịch vụ của Gazprombank để tránh tổn thất lớn từ các hợp đồng năng lượng.
Dù đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga từ năm 2021, EU vẫn phải nhập tới 15% lượng khí đốt qua đường ống và LNG từ Nga. Na Uy và Mỹ hiện là nhà cung cấp chính của khối, nhưng tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông lạnh giá vẫn là một nỗi ám ảnh.
Rõ ràng, trong cuộc chiến trừng phạt kinh tế, “gậy ông đập lưng ông” không chỉ là một phép ẩn dụ mà đang là thực tế nghiệt ngã đối với EU. Liệu Mỹ có sẵn sàng nhượng bộ để cứu các đồng minh hay sẽ tiếp tục siết chặt gọng kìm trừng phạt? Tất cả vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết.