Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhật Việt (JVE – đơn vị tham gia dự án làm sạch sông Tô Lịch) gửi công văn tới lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử -Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Theo báo Lao Động, nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng. Việc này ban đầu sẽ rất tốt, nhưng sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất. Sông sẽ trở thành một kênh nổi, không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. Các đơn vị chỉ có thể kè đoạn một chứ không nên kè hết.
“Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này”, ông Trung nhận định.
Tiếp đó, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải – nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: “Cải tạo là tốt, phát triển du lịch là tốt nhưng theo tôi đặt chữ tâm linh vào tên dự án không được thật cho lắm, giống như để thổi phồng dự án”.
Theo ông Khải, lý thuyết là thế, tuy nhiên thực tế thực hiện như thế nào thì đơn vị đấu thầu cần công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể và rộng rãi cho người dân được biết. Từ đó người dân cũng như giới khoa học sẽ có những góp ý về tính khả thi.
Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch thì cần phải hiểu rõ nguồn gốc của nó. Đề xuất thì hay, tuy nhiên có làm được như tên nhà thầu đặt hay không lại là vấn đề khác.
Trước đó, theo VietNamNet, ngày 15/9, JVE đã gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử – Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch” từ nguồn vốn phía Nhật Bản.
Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo tới các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch…