Một chuỗi các sự cố tồi tệ toàn cầu đã xảy ra trong ma trận của cái gọi là “Lương thực – Phân bón – Nhiên liệu”. Trong ma trận này, Nga nắm trong tay con át chủ bài cả ba mặt hàng trên. Chính quyền Biden đang cố cô lập một cường quốc thế giới về mặt địa chính trị là điều bất khả thi.
An ninh năng lượng chính là chìa khóa cho sự độc lập và tự chủ chiến lược của một quốc gia. Những bước đi sai lầm của Mỹ và châu Âu trên mặt trận này với Nga đã khiến nền kinh tế phương Tây suy thoái và gây ra các bất ổn chính trị.
Video: Mỹ – Âu trong cơn nguy khốn – Tin360 News.
Thị trường chứng khoán Mỹ – Âu đỏ rực
Tổng thống Putin đã thổi bùng “cơn sốt trừng phạt” đang diễn ra ở phương Tây, trong bài phát biểu hôm 7/9 tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok của nước Nga.
Một điều đặc biệt mà Tổng thống Putin nhấn mạnh là đất nước của ông ‘chẳng mất gì’ khi khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Ông nói: “Chúng tôi không mất gì và sẽ không mất gì”; “Về những gì chúng tôi đã đạt được, tôi có thể nói rằng lợi ích chính là việc củng cố chủ quyền của chúng tôi”.
Chỉ 2 ngày sau khi Nord Stream 1 ngừng vô thời hạn để trả đũa cho quyết định áp giá trần dầu Nga của nhóm G7, Ủy ban châu Âu đã buộc phải áp dụng các quy định khẩn cấp cho nền kinh tế thời chiến kể từ sau Thế chiến Thứ hai.
Không có gì ngạc nhiên khi chỉ số EuroStoxx 600 giảm, nhóm cổ phiếu ngành ô tô lao dốc 4,8%. Chỉ số DAX của Đức mất 2,22%, CAC của Pháp sụt 1,2%. Thị trường chứng khoán tại các quốc gia EU đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong khi đó thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 5/9 nhân dịp Ngày Lao động. GIờ đây, “cơn sốt trừng phạt” đã được cảm nhận rõ từ châu Âu đã lan sang nước Mỹ.
Những kỳ vọng của chính quyền Biden về nền kinh tế Mỹ sớm phục hồi trong 2 tháng bản lề trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, đã bị tiêu tan khi thị trường tài chính Mỹ mở cửa hôm 6/9.
Nối gót châu Âu, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/9 dao động mạnh rồi cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 173 điểm. S&P 500 giảm 0,41% còn 3.908 điểm. Nasdaq sụt 0,71% xuống còn gần 11.545 điểm, đánh dấu 7 ngày giảm liên tiếp và cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2016.
Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn được coi là phát súng chí tử vào trái tim châu Âu. Khi châu Âu lên cơn sốt thì Mỹ cũng có phần ho hắng. Thêm nữa OPEC + cũng cắt giảm sản lượng 100.000 thùng / ngày. Iran cũng vậy, khi nói không với thỏa thuận hạt nhân đổi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt để xuất khẩu dầu ra thế giới.
Một bầu không khí hoảng loạn đang bắt đầu lan rộng.
Nga và OPEC+ ra đòn phủ đầu
Cuộc họp của OPEC + tại Vienna hôm 5/9 diễn ra trong bối cảnh có hai sự kiện ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Thứ nhất, là nhóm Bộ trưởng tài chính G7 quyết định tán thành đề xuất của Mỹ, về giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12.
Thứ hai, là thông báo của Gazprom về việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu vô thời hạn.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng đầy rẫy những bất ổn, tuyên bố của OPEC+ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ: Rằng nhóm này không những không tăng sản lượng dầu, mà còn cắt giảm 100.000 thùng/ngày.
Sau quyết định OPEC+, giá dầu tại châu Âu đã tăng vọt 30%; Dầu thô Mỹ tăng 3,3% lên 89,79 USD/thùng, trong khi dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 3,7% lên 96,50 USD.
Điều này đã làm phá sản những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy OPEC và OPEC + tăng thêm sản lượng để giảm giá dầu.
Vấn đề là ở chỗ, đây là lần cắt giảm nguồn cung dầu đầu tiên của OPEC + trong hơn một năm qua. Điều này cho thấy OPEC + sẽ không ngần ngại tung ra các hành động phủ đầu. Lưu ý Nga là thành viên có tiếng nói nhất trong nhóm OPEC +.
Động thái của OPEC + được coi là một lời nhắc nhở gửi đến chính quyền Biden, trong thời điểm lạm phát gia tăng và lệnh trừng phạt của G7 đối với ngành năng lượng của Nga.
Quyết định của OPEC + được đưa ra chưa đầy hai tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Xê-út hồi tháng 7, khi ông Biden dự kiến vương quốc này sẽ thực hiện “các bước tiếp theo” để tăng nguồn cung dầu trong “những tuần tới”.
Rõ ràng, mọi thứ đang diễn biến theo hướng đáp trả quyết định của G7 khi áp đặt giới hạn giá dầu của Nga. Các tín hiệu từ thị trường năng lượng cho thấy nguồn cung vẫn eo hẹp, và các quốc gia trong nhóm OPEC đang sản xuất dưới mức mục tiêu, ngay cả khi các lệnh trừng phạt mới của G7 đang đe dọa xuất khẩu dầu của Nga.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao OPEC và OPEC+ biểu thị sự ủng hộ đối với Nga trước quyết định trừng phạt của G7?
Có một yếu tố bất thành văn là, động thái của G7 đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, và là nguyên nhân gây lo ngại cho tất cả các thành viên OPEC.
Hôm nay, G7 giáng đòn roi vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, thì ngày mai cũng có thể xảy ra với Ả rập xê út hay bất cứ thành viên nào trong khối OPEC vì “thiếu dân chủ” ở các quốc gia vùng Vịnh.
Nói một cách đơn giản, Mỹ và châu Âu đang phải trả giá cho chính quyết định của mình, khi lạc vào một sân chơi OPEC mà họ không có cửa để vào.
Thông điệp rất rõ ràng: Ả Rập Xê-út và Nga, hai thành viên chủ chốt của OPEC và OPEC + đang phối hợp với nhau rất nhịp nhàng trong việc định hình thị trường dầu mỏ thế giới.
Sau quyết định của OPEC +, Tổng thống Biden cam kết tăng cường cung cấp thêm năng lượng vào thị trường để giảm giá dầu, hòng giảm lạm phát và chặn đà suy thoái kinh tế.
Nhưng trớ trêu là, ngoài việc hối hả yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh tăng cường sản xuất, Mỹ và châu Âu không có đòn bẩy trong vấn đề năng lượng khi chỉ có mỗi biện pháp giải phóng dầu thô từ các kho dự trữ khẩn cấp quốc gia.
Tuy nhiên mọi thứ dường như cũng đã tới giới hạn của Mỹ.
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ sắp cạn kiệt
Để cứu châu Âu trong cơn hoảng loạn năng lượng và cho chính cả nước Mỹ khi đang phải đối mặt với lạm phát và giá xăng tăng cao, chính quyền Joe Biden đã rút hàng triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), vốn được dùng trong các trường hợp khẩn cấp, để tung ra thị trường nước ngoài nhằm mục đích làm dịu giá.
Theo Reuters, chỉ riêng trong tháng 8, chính quyền Biden đã rút 20 triệu thùng dầu thô và Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của Mỹ hiện chỉ ở mức 475,5 triệu thùng, ở mức báo động thấp nhất trong gần 40 năm qua.
Lưu ý là dưới thời chính quyền Donald Trump, nước Mỹ có khoảng 644,8 triệu thùng dầu tính đến tháng 9 năm 2019.
Trớ trêu thay, chính quyền Biden đang khai thác vô tội vạ dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp, với hy vọng ngăn đà tăng giá của khí đốt, bất chấp an ninh rủi ro cho nước Mỹ.
Thực tế, Tổng thống Biden đã bán bớt gần 1/4 trữ lượng dầu chỉ trong năm nay. Phải chăng chính quyền Biden đang cố tình làm suy yếu nước Mỹ và tạo ra một cuộc khủng hoảng để châm ngòi cho cuộc Tái lập Vĩ đại của Chủ nghĩa Toàn cầu?
Mỹ đã đổ lỗi cho Nga làm tăng giá thị trường khí đốt. Đó là lời nói dối, vì một gallon chỉ có giá 2,28 đô la vào thời điểm tháng 12 năm 2020.
Một năm sau, khi ông Biden lên nắm quyền và thực hiện các chính sách Năng lượng Xanh tai hại, giá một gallon đã tăng lên 3,40 đô la trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine hồi tháng năm 2022.
Khi giá xăng chạm ngưỡng 5 đô la/gallon vào tháng 6 vừa qua. Tổng thống Joe Biden đã hoảng sợ. Nhưng nhà Trắng không có bất cứ giải pháp nào xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng mà chỉ liên tục kêu gọi các nhà sản xuất xăng dầu tại Mỹ tăng sản lượng và giảm giá.
Tổng thống Biden viết: “Thông điệp của tôi tới các tập đoàn điều hành và định mức giá tại các trạm xăng rất đơn giản: đây là thời chiến, là hiểm họa toàn cầu”.
“Hãy giảm giá xuống mức phản ánh đúng chi phí quý vị đang bỏ ra. Hãy làm điều đó ngay bây giờ”.
Bất chấp lời khẩn cầu thảm thiết của Tổng thống Mỹ, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ đã bỏ ngoài tai. Đối với, doanh thu và lợi nhuận mới là thứ họ quan tâm, khi giá năng lượng càng cao thì họ càng kiếm nhiều lợi nhuận.
Có điều ông Biden quên mất rằng, chính ông đã ký lệnh khai tử đường ống dẫn dầu Keystone II để theo đuổi Chính sách Xanh phục vụ cho chương trình nghị sự Biến đổi Khí hậu của Chủ nghĩa toàn cầu. Và chính các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và đồng mình đã đẩy giá dầu trên thế giới tăng phi mã.
Không có cách nào khác, chính quyền Biden bắt đầu rút dầu từ các kho dự trữ chiến lược và Nhà Trắng biện minh rằng, giá dầu có thể cao hơn nếu không xả dầu từ Kho chiến lược.
Câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra với giá dầu thế giới, khi Mỹ không còn có thể bán dầu, trong bối cảnh lo ngại về cạn kiệt nguồn dầu trong kho dự trữ chiến lược?
Và Mỹ có biện pháp gì tiếp theo để giảm giá năng lượng, khi khí đốt đã tăng kỷ lục 30% sau quyết định áp giá trần dầu Nga của G7?
Đáng buồn cho Mỹ và cả EU là Ấn Độ và Trung Quốc vừa dội gáo nước lạnh lên những cái đầu nóng trong nhóm G7.
Bất chấp lời kêu gọi của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo hôm 5/9, rằng “Chúng tôi hy vọng các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia liên minh giới hạn giá, hoặc tận dụng lợi thế của liên minh giới hạn giá, để giảm số tiền mà Nga kiếm được từ xuất khẩu dầu”, cùng ngày hôm đó, Moscow và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận dầu mỏ mới được định giá bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp thay vì đồng đô la.
Một ngày sau, ngày 6/9, Ấn Độ đập vỡ nốt tia hy vọng cuối cùng của Mỹ khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu … Tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với người dân tiêu dùng của mình”.
Rõ ràng quyết định giới hạn giá dầu là động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ và EU trong cuộc chiến kinh tế kéo dài nhiều tháng với Nga. Tổng thống Joe Biden từng thề rằng sẽ nỗ lực cô lập nền kinh tế Nga bằng hàng nghìn trừng phạt lệnh.
Tuy nhiên phần lớn các lệnh trừng phạt cho đến nay đã phản tác dụng. Thay vì khiến người Nga phải hiểu thế nào là “lệnh trừng phạt đến từ địa ngục”, thì chính người dân châu Âu và Mỹ đang phải cảm nhận nỗi cay đắng thế nào là đói, là lạnh, là nghèo túng sau nhiều năm được hưởng giá khí đốt ‘thiên đường’ của Nga.
Nhưng mọi thứ chưa dừng tại đó.
Ngành công nghiệp sụp đổ trên khắp châu Âu và Mỹ
Trong một thông báo thể hiện sự tuyệt vọng vào thời điểm đen tối này, nhà sản xuất thép ArcelorMittal của Đức, một trong những cơ sở sản xuất thép lớn nhất ở châu Âu, đã phải ngừng hoạt động do giá năng lượng cao.
Sự kiện nhà máy thép lớn nhất châu Âu này đóng cửa đã gây động toàn lục địa, và nối dài thêm danh sách hàng loạt các nhà máy luyện nhôm, luyện đồng và nhà máy sản xuất amoniac đóng cửa trong vài tuần qua. Nên nhớ amoniac là thành phần chủ chốt để sản xuất phân bón.
Cần nhắc lại là Nga đang nắm trong tay con át chủ bài trên cả ba mặt hàng trọng yếu: “Lương thực – Phân bón – Nhiên liệu”. Với thép và các kim loại công nghiệp khác cũng vậy, người ta tự hỏi nền kinh tế châu Âu sẽ vận hành ra sao trong 6 tháng tới của mùa đông.
Không có thép sẽ không có ngành xây dựng và vô số ngành nghề liên quan sẽ bị khai tử.
Không có phân bón đồng nghĩa với không có lương thực, thực phẩm hay thậm chí thức ăn cho gia súc.
Không có khí đốt cũng đồng nghĩa châu Âu chìm trong bóng tối lạnh lẽo vì thiếu điện hoặc thiếu nhiệt.
Về bản chất, ba trong số những trụ cột cho phép một xã hội hiện đại vận hành, đang bị tê liệt nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và giá năng lượng cao chót vót trên khắp châu Âu.
Và đây chỉ là tuần đầu tiên của tháng 9 khi Mùa đông lạnh giá còn chưa tới.
Bất kể các nhà lãnh đạo châu Âu đang chạy đua giành giật lượng khí đốt đắt đỏ từ các nguồn cung như Mỹ hay Trung Quốc để đủ lượng dự trữ cho mùa đông, người dân châu Âu vẫn đang phải đối mặt với chi phí năng lượng cao ngất trời, và sự khan hiếm ở mức độ chưa từng có kể từ Thế chiến Thứ hai.
Đơn giản là EU không có đủ năng lượng để cung cấp cho các thành phố châu Âu, sưởi ấm cho tất cả các tòa nhà, hộ gia đình vào mùa đông này, và cũng không có đủ thực phẩm để cung cấp cho người dân vào năm 2023.
Còn tại Mỹ, khủng hoảng điện có thể bắt đầu từ hôm nay, tại tiểu bang quan trọng bậc nhất của ngành công nghệ Mỹ: Đó là California.
Tờ San Francisco Chronicle hôm 6/9 đưa tin rằng, mất điện hoàn toàn có thể bắt đầu ở California vào tối nay. Đơn giản là không có đủ điện để đáp ứng nhu cầu, vì vậy hàng chục nghìn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh sẽ bị ngắt kết nối khỏi lưới điện.
Chính quyền bang California yêu cầu các chủ sở hữu xe điện tránh sạc điện từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra nếu có thêm hàng triệu người dân California mua xe điện và cắm sạc điện trong bối cảnh chính quyền Biden đặt mục tiêu cắt giảm 50% doanh số bán xe chạy bằng khí đốt thay thế bằng xe điện vào năm 2030?
Nhà Trắng cũng dành hàng tỷ đô la cho các điều khoản về khí hậu trong Đạo luật Giảm lạm phát để buộc chính nước Mỹ phải cắt giảm lượng khí thải, và khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện dùng năng lượng Mặt trời.
Điều đáng nói là, nhu cầu về lithium, một kim loại quan trọng đối với pin trong ôtô điện và các thiết bị điện tử máy tính, dự kiến tăng gấp 40 lần trong 20 năm tới khi năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn. Đáng tiếc là nguồn cung cấp lithium lại ở bên ngoài nước Mỹ.
Các nhà khai lithium cảnh báo rằng, Mỹ không có đủ nguồn tài nguyên lithium để đáp ứng một số mục tiêu Năng lượng Xanh tham vọng của Đảng Dân chủ.
Hẩm hiu thay cho chính quyền Biden, Trung Quốc và Nga đã nhanh chân hơn khi nắm được toàn quyền khai thác lithium ngay ở sân sau của nước Mỹ, bao gồm các mỏ lithium lớn nhất hiện nay nằm ở Chile, Argentina và Bolivia.
Như vậy con đường tự chủ bằng Năng lượng Xanh của nước Mỹ cũng đã bị Nga và Trung Quốc chặn đứng.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng tại đó.
Tiếp viện hàng tỷ đô la cho Ukraine khi nước Mỹ đang sụp đổ
Trong khi Mỹ liên tục gửi hàng tỷ đô la vào cuộc chiến chưa có hồi kết ở Ukraine, thì nhiều thành phố lớn của Mỹ như Pennsylvania, California, Ohio… đang ngày càng trở nên nhếch nhác bởi rác rưởi và bạo lực tràn lan do dân di cư lậu và tội phạm ma túy hoành hành.
Trong khi giới tinh hoa Washington đang mải mê bảo vệ biên giới Ukraine thay vì biên giới của nước Mỹ, họ cũng biện minh với người dân Mỹ rằng, họ phải “thúc đẩy dân chủ” ở một số vùng đất xa xôi. Và bất kỳ ai phản đối những điều này đều bị coi là liên minh với “kẻ thù Putin”.
Thực tế cho thấy nước Mỹ đang ở vào một thời điểm cực kỳ nguy hiểm, và đang tiến gần đến sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn với các dữ liệu sau:
- Gần 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã vượt qua biên giới trong thời gian Tổng thống Biden lãnh đạo nước Mỹ.
- Cục điều tra dân số Mỹ cho biết: 3,8 triệu người thuê nhà có thể sẽ bị đuổi ra khỏi nhà trong vòng 2 tháng tới.
- Tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Mỹ có thể là hơn 24%.
- Hơn 50% trong số công ty tại Mỹ có kế hoạch sa thải nhân viên trong vòng 12 tháng tới.
- Khoảng 20 triệu hộ gia đình Mỹ hiện không đủ khả năng thanh toán hóa đơn điện nước đúng hạn.
- Chỉ số Dow Jones đã giảm trong 3 tuần liên tiếp, một dấu hiệu tương tự trước khi xảy ra Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
- Và cuối cùng, hàng nghìn giám đốc điều hành đã bán tháo cổ phiếu của chính công ty mình chỉ trong tháng 8. Đây là điều cực kỳ bất thường, cho thấy “mức độ không chắc chắn cao về tương lai của nước Mỹ”, theo đánh giá của chiến lược gia toàn cầu của LPL Financial, Quincy Krosby.
Ngày 24/8, Tổng thống Biden thông báo Mỹ đang gửi gói viện trợ vũ khí lớn nhất từ trước tới nay cho Ukraine, trị giá 2,98 tỷ USD.
Đây là gói vũ khí thứ 19 được chuyển đến Ukraine trong vòng 6 tháng qua. Các chính trị gia Hoa Kỳ ủng hộ cuộc chiến ủy nhiệm có thể ăn mừng vì số tiền viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên thực tế là nó không phải dành hết cho Ukraine.
Với sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát, hầu hết số tiền này sẽ được chi cho các nhà tài phiệt sản xuất vũ khí.
Ngân sách Mỹ đang thâm hụt hơn 1.000 tỷ đô la. Nhưng các chính trị gia cánh tả yêu thích chiến tranh theo Chủ nghĩa toàn cầu không hề lo lắng, miễn sao giúp cho các tổ hợp công nghiệp quân sự nhận được nhiều hợp đồng hơn.
Chỉ ngay trong tuần đầu giao tranh tại Ukraine vào tháng 3, người ta chứng kiến sự tăng giá của 33 loại cổ phiếu về quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ, với việc các nhà đầu tư hưởng lợi tới 49 tỷ đô la.
Cổ phiếu của cả 3 ông lớn Mỹ sản xuất vũ khí là Tập đoàn Northrop Grumman, Lockheed Martin, và Kratos Defense & Security Solutions đều có mức tăng giá ngoạn mục.
Chỉ cần nhìn vào một loạt các quốc gia châu Âu để thấy sự lãnh đạo kém cỏi của các chính trị gia không quan tâm đến lợi ích dân chúng, đã dẫn đến sự hoảng loạn kinh tế không thể tránh khỏi, và giờ đây là nước Mỹ.
Vẫn chưa hết, Mỹ và châu Âu lại thêm phần lo lắng khi Tổng thống Putin đe dọa từ bỏ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Hôm 7/9, Tổng thống Putin cho biết chỉ có 2 trong số 87 tàu chở 60.000 tấn lương thực là đến tay các nước nghèo, số còn lại đích tới là châu Âu.
Ông Putin nói: “Những gì chúng tôi thấy là một sự lừa dối trơ trẽn … một sự lừa dối cộng đồng quốc tế bao gồm các đối tác của chúng tôi ở châu Phi và các quốc gia khác đang rất cần lương thực. Đó chỉ là một trò lừa đảo”.
Nếu Nga thực sự rút lui hoặc đàm phán lại thỏa thuận ngũ cốc, vốn đòi hỏi phải có sự đồng ý của cả phía Ukraine và Nga, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, thì điều này sẽ đánh dấu sự sụp đổ của ‘điểm sáng’ duy nhất trong các cuộc đàm phán suốt 6 tháng qua.
Phải chăng nó báo hiệu một điềm chẳng lành cho những tai ương kinh tế và bất ổn xã hội sắp xảy ra trên toàn cầu?
Xem thêm Sự thật chiến tranh: Cựu tướng Mỹ khuyên “Ukraine nên đàm phán ngay bây giờ”