Thông báo một cách công khai trên truyền hình về cuộc rút lui tại Kherson của lực lượng Nga ẩn chứa khá nhiều điều kỳ lạ.
Rời khỏi hữu ngạn của sông Dnepr để thiết lập một tuyến phòng thủ ở tả ngạn có thể tạo ra ý nghĩa quân sự tổng thể. Bản thân Tướng Sergei Surovikin, ngay sau khi nhận chức Tổng Tư lệnh chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine đã ám chỉ điều này từ hồi đầu tháng 10.
Giờ đây, điều này đã trùng khớp với lời tướng Surovikin nói. Tất cả cư dân của Kherson, bao gồm 115.000 người đã được sơ tán đến các địa điểm an toàn hơn ở tả ngạn sông Dnepr, trong bối cảnh một trận lụt khủng khiếp sẽ xảy ra nếu Đập Kakhovka bị Ukraine tấn công.
Về mặt chính trị và truyền thông, cuộc rút lui ở Kherson là một thảm họa đối với người Nga. Kherson là một thành phố của Nga và người Nga đã mất nó ngay cả khi nó chỉ là tạm thời.
Đây được coi là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu sáp nhập lãnh thổ Ukraine của Tổng thống Putin. Ngoài ra, việc Ukraine chiếm lại trung tâm Kherson đã đặt bán đảo Crimea vào tầm ngắm của các hệ thống tên lửa HIMMAR do Mỹ và NATO cung cấp
Xét cho cùng, động thái này tương đương với việc từ bỏ lãnh thổ Nga, và làm thế nào Nga sẽ phải chinh phục lại Kherson một lần nữa, thông qua các cuộc tấn công bằng hỏa lực pháo binh hay ném bom rải thảm?
Tuy nhiên có khá nhiều tình tiết kỳ lạ, ẩn khuất trong việc rút quân này của Nga. Một loạt các loại thông tin từ các nhà phân tích, chuyên gia quân sự đến các tướng lĩnh đã nghỉ hưu, đều nghi ngờ về động thái này của Nga, đặc biệt là của tướng Surovikin. Họ coi đó là một cái bẫy phức tạp cho Ukraine.
Ngay cả chính quyền Tổng thống Zelensky cũng tỏ ra thận trọng, nghi ngờ trước quyết định rút lui của phía Nga. Hàng loạt các kênh truyền thông dòng chính lớn phương Tây cũng nhìn nhận như vậy.
Nếu đúng như vậy, phải chăng Tướng Surovikin đang áp dụng Binh pháp Tôn Tử cổ điển. Đó là cố tình mở một con đường cho Ukraine dễ dàng tiếp quản, rồi sau đó dụ dỗ họ vào một trận địa pháo binh và khai hỏa.
Tuy nhiên, rất có thể đằng sau hậu trường có một thỏa thuận ngầm đang được thực hiện giữa Mỹ và Nga. Nó đang được tiến hành từng bước trước thời điểm Hôi nghị Thượng định G20 sắp diễn ra vào tuần tới ở Bali (Indonesia).
Hé lộ mật đàm
Ngày 7/11, tờ Wall Street Journal đã đưa tin rằng, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã có cuộc hội đàm bí mật với phụ tá của Tổng thống Putin là Yuri Ushakov. Trước đó, Tổng thống Biden cần một chiến thắng ở Kherson trước khi bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra.
Rõ ràng việc Nga công khai rút lui tại Kherson đã khiến chiến thắng này được cho là như cố tình dọn sẵn cho Ukraine hay chính xác hơn là cho chính quyền Joe Biden. Điều thú vị là, nó diễn ra vào đúng thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ chưa có kết quả ngã ngũ.
Thêm một tình tiết đáng chú ý, đó là Điện Kremlin vẫn giữ im lặng trước những sự kiện đang diễn ra nhanh chóng xung quanh Kherson, ngoại trừ việc nói rằng họ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Kherson.
Có điều gì kỳ lạ đằng sau động thái của cả Nga và Mỹ?
Tổng thống Biden chấp nhận thỏa hiệp ở Ukraine?
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ chứng kiến các cuộc chạy đua sít sao khi quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện của hai đảng đang ở thế cân bằng và có phần nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Nhưng điều đó không ngăn cản Tổng thống Biden sốt sắng tổ chức cuộc họp báo vào hôm 10/11 để tuyên bố rằng “làn sóng đỏ” đã không xảy ra.
Tổng thống Biden nói: “Đảng Dân chủ đã có một đêm mạnh mẽ. Và chúng ta đã mất ít ghế trong Hạ viện hơn bất kỳ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Dân chủ trong 40 năm qua. Và chúng tôi đã có những nhiệm kỳ giữa nhiệm kỳ tốt nhất cho các thống đốc kể từ năm 1986”.
Tuy nhiên, ông Biden đã né tránh những lời hùng biện về khả năng chiến thắng của Đảng Cộng hòa. Những bình luận của Tổng thống Biden liên quan đến chủ đề Ukraine có lẽ là phân đoạn được nhiều người chờ đợi nhất.
Nói một cách ngắn gọn, Tổng thống Biden đã né tránh việc thừa nhận khả năng lớn là đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ khó lòng hợp tác với chính quyền của ông.
Tổng thống Biden nói: “Tôi chuẩn bị làm việc với các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của mình. Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đã nói rõ rằng họ mong đợi những người Cộng hòa cũng sẵn sàng làm việc với tôi. Trong chính sách đối ngoại, tôi hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục cách tiếp cận lưỡng đảng này nhằm đối đầu với sự xâm lược của Nga ở Ukraine”.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine có bị gián đoạn hay không, ông Biden chỉ trả lời ngắn gọn: “Đó là kỳ vọng của tôi”, theo Yahoo.
Tổng thống Biden đã có một số bình luận thú vị liên quan đến việc rút quân của Nga tại thành phố Kherson và cho biết động thái này của Nga đang diễn ra đúng kỳ vọng của ông.
Ông Biden cũng tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu cuộc rút lui của Nga có mang lại cho chính quyền Kiev đòn bẩy để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow hay không. Thay vào đó, ông Biden nói rằng “ít nhất, việc rút lui sẽ dẫn đến các bên có thời gian để điều chỉnh lại vị trí của họ trong thời điểm mùa đông. Và vẫn còn phải xem liệu Ukraine có sẵn sàng thỏa hiệp với Nga hay không”.
Điều gây chú ý nhất là Tổng thống Biden đã nhắc đến “sự thỏa hiệp”.
Lưu ý là, trong suốt cuộc chiến, chính quyền Biden đã nhiều lần khẳng định “đây chưa phải là thời điểm để hội đàm”, và không khuyến khích Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Nga khi một thỏa thuận đã đạt được giữa Ukraine và Nga tại thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng Ba.
Nhưng hiện tại dường như có một sự thay đổi trong cách tiếp cận của phương Tây, với việc Mỹ ít nhất đang tìm kiếm một con đường ngoại giao.
Giờ đây, Tổng thống Biden đã công khai quan điểm rằng, thời điểm đàm phán với Nga phụ thuộc vào Ukraine, khi ông nói: “Không có gì về Ukraine nếu thiếu Ukraine”.
Đáng nói là hôm 8/11, Tổng thống Zelensky cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Nga theo điều kiện của Ukraine. Lưu ý là trước đó, Tổng thống Zelensky đã ký một sắc lệnh loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nếu Putin còn là tổng thống, nhưng dường như bây giờ ông Zelensky cũng đã từ bỏ yêu cầu này.
Việc Tổng thống Zelensky bỗng dưng tuyên bố quay trở lại đàm phán với Nga sau nhiều lần từ chối đàm phán, hiển nhiên không phải tự ý chính quyền Kiev quyết định. Rõ ràng, Mỹ đang tính đến một con đường ngoại giao cứu cánh cho sự bế tắc trên chiến trường Ukraine.
Lưu ý là, Tổng thống Biden cho biết thêm là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali trong 2 ngày 15-16 / 11, có thể Mỹ sẽ có các cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù Tổng thống Putin sẽ không tham dự.
Thật vậy, có một số loại thông điệp ngoại giao đang diễn ra rất trùng hợp, nhịp nhàng giữa Nga và Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng TASS hôm 10/11 rằng, Nga sẽ cử đại diện là ngoại trưởng Sergey Lavrov tới tham dự tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Có thể nói, sự hiện diện của Ngoại trưởng Lavrov ở Bali lần này sẽ có tầm quan trọng then chốt.
Không chỉ có Tổng thống Biden nhắc đến “sự thỏa hiệp”, mà ngay cả Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – tướng Mark Milley cũng đột nhiên nhắc về khả năng hòa bình giữa Ukraine và Nga.
Tại cuộc thảo luận với Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 10/11, tướng Mark Milley thúc giục:“Khi có cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể đạt được, hãy nắm bắt lấy nó. Nắm bắt cơ hội.”.
Tổng hợp lại một chuỗi những tuyên bố dồn dập này, từ cả phía Nga, Mỹ và Ukraine cho thấy có một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên với thông tin sốt dẻo từ kênh NBC News hôm 9/11. Rằng trong chuyến thăm không báo trước của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến thủ đô Kiev vào tuần trước, ông Sullivan đang tìm hiểu các lựa chọn để chấm dứt xung đột và cơ hội bắt đầu cuộc đàm phán, đồng thời nêu ra nhu cầu dàn xếp ngoại giao trong các cuộc gặp với chính quyền Ukraine.
NBC News cũng cho biết, một số quan chức Mỹ và phương Tây tin rằng mùa đông này sẽ tạo cơ hội ngoại giao giữa Nga và Ukraine, vì cho rằng không bên nào có thể đạt được hoàn toàn mục tiêu của mình trong cuộc chiến. Báo cáo cũng cho biết các quan chức quân sự phương Tây không tin rằng Ukraine có thể đẩy lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm được.
Liệu việc Nga công khai tuyên bố rút quân có phải là nằm trong kế hoạch thỏa thuận ngầm giữa Nga và Mỹ?
Điều thú vị là kênh truyền thông RT của Nga cũng hồi đáp lại kênh NBC News của Mỹ, khi cùng ngày 9/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận: “Chúng tôi vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán, chúng tôi chưa bao giờ từ chối họ, chúng tôi sẵn sàng tiến hành đàm phán, tất nhiên, có tính đến thực tế đang được thiết lập vào lúc này.”
Trong khi ấy, giới quân sự Nga tiếp tục khẳng định rằng việc sơ tán lực lượng của họ ở Kherson hoàn toàn không phải do cân nhắc về an ninh. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, tướng Sergey Surovikin tuyên bố việc rút lui khỏi Kherson sẽ tạo ra các tuyến phòng thủ vững chắc hơn cho quân đội và sẽ cứu mạng sống của binh lính và dân thường, theo thehill.
Một chuỗi những sự kiện và tuyên bố kỳ lạ của giới chức trách Nga và Mỹ cho thấy, cuộc rút lui của Nga hoàn toàn không phải là một thất bại của Nga, mà có thể là một thỏa thuận ngầm giữa 2 ông lớn.
Cần lưu ý, nếu cuộc rút lui là một thất bại quân sự nhục nhã của Nga thì vì sao nó lại được công bố công khai trên toàn bộ các kênh truyền thông quốc gia Nga?
Thêm nữa, trong bối cảnh cường quốc quân sự Nga bị mất mặt tại Kherson như vậy, tại sao ngoại trưởng Lavrov vẫn niềm nở đón tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tới thăm Nga, theo aljazeera.
Điều đó cũng khá kỳ lạ khi Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev có thể lên máy bay đến Iran vào thời điểm nước sôi lửa bỏng khi lực lượng Nga thông báo về Cuộc rút lui tại Kherson. Ông Patrushev đã khá thoải mái khi đề cập đến mối quan hệ đối tác chiến lược với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran Ali Shamkhani.
Thỏa thuận ngầm này càng tồn tại rõ ràng hơn khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán”.
Có thể bạn quan tâm: