Cách bờ biển Cửa Lò (Nghệ An) khoảng 22 km, đảo Mắt hiện lên giữa mênh mông sóng nước như một “con mắt thần” hướng về đất liền. Với vị trí chiến lược trọng yếu, hòn đảo không chỉ là điểm tựa vững chắc cho quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung Bộ, mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió.
- Mỹ tồn đọng 11,3 triệu hồ sơ nhập cư – Mức cao nhất lịch sử
- Du lịch vườn vải – Đừng chỉ bán vải, hãy bán cả trải nghiệm
- Ngành học lương 100 triệu: Lối đi vững chắc cho người trẻ đam mê công nghệ
Hành trình ra đảo Mắt – trải nghiệm giữa mùa nắng gắt
Chuyến tàu rời bến Cửa Lò lúc 6 giờ sáng, mang theo nhu yếu phẩm; bộ đội và cả nỗi háo hức của chúng tôi về phía hòn đảo đá đầy huyền thoại. Dưới ánh bình minh đỏ rực, Thiếu tá Dương Đức Dũng, người có gần 30 năm gắn bó với biển đảo chia sẻ: “Hôm nay trời quang, biển lặng, nhưng nắng sẽ rất gắt. Đi sớm để tránh gió Nam nổi buổi trưa.”
Sau gần 1 giờ 35 phút rẽ sóng, đảo Mắt dần hiện ra; giống như hai hòn đá lớn nối liền, tựa như đôi mắt giữa biển khơi. Không gian nơi đây hoang sơ, hùng vĩ với những khối đá chênh vênh và âm thanh sóng vỗ miên man. Truyền thuyết kể rằng đảo từng có tên là Quỳnh Nhai; gắn với chuyện tình buồn của nàng Tố Nương; người phụ nữ xứ Nghệ ngóng chồng giữa biển khơi, hóa thân thành đảo Mắt.
Đảo Mắt – pháo đài sống giữa biển Đông
Không chỉ mang màu sắc huyền thoại, đảo Mắt còn có vai trò chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh, được ví như “căn cứ tiền tiêu” canh giữ vùng biển Bắc Trung Bộ. Đường lên Cổng Trời – vị trí cao nhất của đảo (hơn 200 m so với mực nước biển) là một thử thách không nhỏ. Từ đây, toàn cảnh biển đảo mở ra dưới tầm mắt; những vọng gác lặng lẽ giữa nắng gió vẫn ngày đêm dõi theo từng con sóng.
Trên đảo, dấu ấn của bộ đội hiện diện khắp nơi: từ những bậc thang dốc dựng đứng, đến những khẩu hiệu; bản đồ vẽ bằng đá đầy sáng tạo. Những tảng đá tưởng như vô tri được biến thành biểu tượng sống động của tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước.
Cuộc sống nơi đầu sóng – “giữ đảo bằng từng giọt nước”
Giữa mùa hè cao điểm nắng nóng; vấn đề thiếu nước sinh hoạt luôn là mối quan tâm hàng đầu trên đảo Mắt. Mỗi giọt nước đều được chắt chiu; tận dụng tối đa từ mạch ngầm trong đá hay nước mưa hiếm hoi được tích trữ trong bể chứa.
Tại đây, bộ đội đã tìm mọi cách tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Trung đội bộ binh 3 nổi tiếng là “nhà giàu” với vườn rau xanh tốt nhờ vị trí gần nguồn nước, đất bằng và ít gió. Các chiến sĩ còn sáng tạo làm “ao rau muống” bằng bạt nylon; thêm chất mùn tự nhiên giúp rau phát triển tốt hơn dù giữa nắng cháy.
Chiến sĩ Nguyễn Công Trang hào hứng kể về công việc chăm rau: “Phải nhổ cỏ, tưới nước đều đặn, bón phân rừng, che mát, tránh dế cắn hạt giống. Đất ở đây toàn cát nên càng phải chăm kỹ.” Có lẽ, ở nơi khắc nghiệt như đảo Mắt; việc giữ gìn từng luống rau cũng là cách thể hiện trách nhiệm và tình yêu với mảnh đất đang bảo vệ.
Bảo vệ đảo Mắt – giữ yên bình cho đất liền
Đêm trên đảo Mắt, giữa không gian tĩnh mịch vẫn luôn có ánh đèn tuần tra le lói; tiếng chó sủa cảnh giác và bước chân người lính quen thuộc từng ngóc ngách. Dù mùa hè thiếu nước, mùa đông gió bão, điện dùng tiết kiệm bằng máy phát; nhưng những người lính đảo vẫn âm thầm canh giữ chủ quyền biển đảo không quản ngại gian khổ.
Họ là những “con mắt thần” thực sự, luôn thức giữa đêm để đất liền được bình yên. Dẫu bao khó khăn bủa vây, đảo Mắt vẫn vững vàng như một biểu tượng bất khuất giữa biển khơi.
Theo: Báo Nhân dân