Mục điểm tin kinh tế thế giới tuần qua (25/04/2020 – 02/05/2020) có những nội dung sau
(Thời báo kinh tế Sài gòn) – Hai tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc lỗ hơn 5 tỷ đô la
Hai tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc là Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) ghi nhận mức lỗ tổng cộng lên tới 5 tỷ đô la trong quý 1/2020 do giá dầu sụt giảm mạnh và lượng cầu giảm mạnh vì dịch Covid-19.
Hôm 29/4, PetroChina cho biết trong quý 1, tập đoàn này lỗ ròng 16,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 2,3 tỷ đô la Mỹ), trái ngược hẳn với mức lãi 10,2 tỷ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tập đoàn Sinopec ghi nhận mức lỗ ròng 19,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,7 tỷ đô la Mỹ) trong quí 1/2020, trong khi vào quý I/2019 đã kiếm được 15,4 tỷ nhân dân tệ.
Vào năm 2017 Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung quốc không muốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nên đã buộc các công ty dầu khí Trung Quốc gia tăng sản lượng dầu nội địa từ tháng 8/2018 để bảo đảm an ninh năng lượng trong nước. Tuy nhiên giá dầu giảm mạnh như hiện nay cũng đồng nghĩa với việc các tập đoàn dầu khí Trung Quốc cũng phải giảm giá bán và điều này đã dẫn đến việc thua lỗ lớn trong kinh doanh.
(Báo tin tức) – Kinh tế thế giới lao đao bởi ‘cơn ác mộng trên thị trường dầu mỏ’
Thị trường thế giới chứng kiến hiện tượng giá dầu diễn ra một cách khó tin là giá dầu thô giao tháng 5/2020 giảm xuống mức dưới 0 USD/thùng đồng nghĩa mới việc người bán hàng cho không dầu mà còn phải cho thêm tiền người mua.
Về mặt kinh tế, xem xét kỹ thì việc giá dầu giảm xuống mức âm có nhiều lý do. Đó là cung hiện cao hơn nhiều so với cầu trên thị trường dầu. Các kho dự trữ dầu đã đầy, sẽ không còn chỗ để chứa thêm dầu trong khi đã đến thời điểm thực hiện hợp đồng và nhà đầu cơ buộc phải bán tháo dầu trên thị trường.
Sự sụp đổ lịch sử của giá dầu này là một cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang suy yếu, tiếp tục gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn đối với một số nước khai thác dầu vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong thời gian qua, từ Ả rập xê út cho tới Canada.
Dù giá nhiên liệu rẻ thường giống như một hình thức giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, song với thực tế các hoạt động kinh tế – xã hội đang ngừng trệ do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sự mất giá này lại là yếu tố gây hại hơn cho nền kinh tế toàn cầu.
(Thời báo kinh tế Sài gòn) – Doanh nghiệp Nhật ‘hốt bạc’ nhờ sản xuất tấm chắn nhựa
Lượng lớn đơn hàng mua các tấm nhựa nhiệt dẻo và tấm chắn nhựa ngăn cách nơi làm việc tại Nhật Bản đang đến với các công ty sản xuất nhựa nhiệt của Nhật.
Theo tờ Nikkei Asian Review, các nhà bán lẻ, ngân hàng và các chính quyền địa phương, những tổ chức được xem là có nhiều giao dịch với khách hàng trong thời kỳ dịch Covid-19, đang tích cực tìm mua các tấm chắn ngăn cách bằng nhựa để lắp đặt ở các quầy giao dịch, thu ngân và văn phòng làm việc.
Các tấm chắn này có tác dụng ngăn cản những giọt bắn của từ cơn ho hay hắt hơi của những người tiếp xúc gần gũi, giúp hạn chế rủi ro lây nhiễm Covid-19.
Đây là nguồn thu lớn đối với các công ty sản xuất các loại nhựa nhiệt dẻo như vinyl chloride và acrylic ở Nhật Bản, vốn đang bị tổn thương do lượng đơn hàng từ ngành công nghiệp xây dựng giảm mạnh.
(Thời báo Kinh tế Sài gòn) – Ngành bia hơi Mỹ thất thu nặng trong thời giãn cách xã hội
Do các nhà hàng, quán bar, các sân vận động, các sự kiện hòa nhạc, lễ hội bia… phải ngưng hoạt động để tuân thủ các quy định giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 dẫn đến một lượng bia hơi khổng lồ trên thế giới có nguy cơ phải đổ bỏ do hết hạn sử dụng
Ông Craig Purser, Giám đốc điều hành Hiệp hội bia quốc gia Mỹ cho biết: “Đây chắc chắn là thời kỳ tồi tệ nhất đối với ngành sản xuất bia hơi. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng gián đoạn tiêu thụ bia như thế này”.
Theo ước tính của Hiệp hội bia quốc gia Mỹ, các khó khăn của ngành bia hơi Mỹ bắt đầu gia tăng vào tháng 3/2020 khi gần 38 triệu lít bia bị tồn đọng tại các địa điểm tiêu thụ như nhà hàng, quán bar. Con số này tương đương gần một triệu thùng bia. Thậm chí, số bia hơi bị kẹt tại kho của các nhà máy bia, các nhà phân phối bia hoặc đang trên đường vận chuyển đến các nước khác còn lớn hơn. Hiệp hội này ước tính số bia không tiêu thụ được và đang hết hạn này có thể khiến ngành bia của Mỹ tổn thất 1 tỷ đô la Mỹ.
Đổ bỏ số bia này không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Các quy định bảo vệ môi trường ở Mỹ không cho phép đổ một lượng bia lớn xuống các cống thoát nước hay sông suối vì điều này có thể làm mất cân bằng nồng độ PH và làm giảm oxy trong nguồn nước, cũng như sản sinh ra những vi khuẩn có hại. Hiện có một giải pháp nhỏ đó là đưa những thùng bia hơi hết hạn hoặc không thể phân phối đến một nhà máy chưng cất rượu để xử lý chúng thành dung dịch rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên giải pháp này không là cứu cánh cho ngành bia bởi số lượng sử dụng nhỏ so với lượng tồn bia quá lớn. Ngành công nghiệp bia Mỹ đang đau đầu với tình trạng thừa ế này.
(Báo tin tức) – Hàng không Argentina ngưng hoạt động tới tháng 9 vì Covid-19
Argentina đã ban hành lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất trên thế giới, đó là cấm bán vé máy bay thương mại cho đến tháng 9 vì Covid-19.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Cục hàng không dân dụng Argentina đã ban hành lệnh cấm mua bán vé máy bay thương mại nội địa và ra vào nước ngoài trong khi biên giới của Argentina đã đóng cửa từ tháng 3. Lệnh cấm này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các hãng hàng không của Argentina, đặc biệt là những hãng hàng không giá rẻ. Việc này sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động trong ngành hàng không Argentina.
Được biết, Argentina thi hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ 20/3 và chính phủ nước này quyết định kéo dài thời gian đến 10/5. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 9 giờ sáng ngày 3/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Argentina là 4.681 trường hợp, trong đó có 244 người tử vong.