Nhiếp ảnh gia Caspar Siebel ghi hình chuyến săn khác thường của báo hoa mai trong khu bảo tồn thiên nhiên Sabi Sand, Nam Phi.
Theo Latest Sightings được báo VnExpress đăng tải, Siebel cùng bố và hướng dẫn viên đang tham quan khu bảo tồn bằng xe thì phát hiện báo hoa mai đi dọc theo con đường mòn. Nhận thấy con vật đang trong trạng thái đi săn, nhóm tham quan quyết định bám theo. Sau khoảng nửa tiếng, họ thấy báo hoa mai đến gần hang của lợn bướu.
“Báo hoa mai đi quanh hang và gây náo động ở lối thoát hang phía đối diện chúng tôi. Nó cố gắng dụ lợn bướu chạy ra lối thoát gần phía chúng tôi nhất, và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Lợn bướu bố chui ra đầu tiên rồi phóng đi nhanh nhất có thể về phía những bụi rậm”, Siebel kể lại.
Bầy lợn bướu con cố gắng chạy theo bố nhưng không kịp. Khi con non đầu tiên chui ra, báo hoa mai đã ở đó và nhanh chóng vồ lấy. Con non thứ hai cũng lao ra nhưng khi thấy kẻ săn mồi đang ngoạm anh chị em của mình trong miệng, có vẻ nó đông cứng vì sợ hãi, Siebel nhận định.
Báo hoa mai thường không muốn mạo hiểm để mất con mồi và sẽ tha chúng lên cây ngay khi bắt được. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện không diễn ra như vậy. Báo hoa mai thả con mồi đầu tiên xuống vì biết nó bị thương quá nặng, không thể đi đâu, sau đó nhanh chóng tóm lấy con non thứ hai.
Tiếp đó, lợn bướu mẹ cũng chọn sai thời điểm để chui ra từ lối phía sau. Báo hoa mai lúc này đã hạ gục cả hai con non và ngay khi nghe thấy tiếng lợn bướu mẹ, kẻ đi săn bỏ con non thứ hai lại rồi nhanh chóng lao tới vồ con mồi cuối cùng.
Sau khi xem video một cư dân mạng đã để lại bình luận giải thích về sự việc tại sao lợn bố lại bỏ chạy như vậy:
“Mọi người đừng vội đánh giá người bố vô tâm. Đây là kỹ năng, chiến thuật của loài này. Thật ra nó lao ra để dụ con báo đi chỗ khác. Nó phải lao đi thật nhanh, vì nó biết chỉ cần chậm một chân thôi là sẽ chết. Nhưng tiếc là nó không thể nói được, cho nên bầy lợn con lao theo, rồi tới lợn mẹ đều bị bắt”.
Bên cạnh đó có bình luận giải thích khác: “Trong nhiều trường hợp, lợn bướu dù bị sư tử hay báo hoa mai áp sát, nhưng vẫn có thể thoát chết nhờ sức bền và khả năng bứt tốc đáng kinh ngạc của chúng. Chỉ khi lợn bướu bị lùa vào ‘chân tường’, nó mới tính đến giải pháp sử dụng những chiếc răng nanh mọc ngược của mình để tự vệ.
Đặc biệt là nếu lợn mẹ đang nuôi con, chúng sẽ trở nên vô cùng hung hăng để bảo vệ đàn con nhỏ. Đôi khi, lợn mẹ sẵn sàng rượt đuổi và thậm chí làm bị thương những kẻ săn mồi lớn, thế nhưng trường hợp trên thật khó”.