Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng có thể giữ ghế Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước thêm một nhiệm kỳ thứ 3, bất chấp các cuộc khủng hoảng từ cả trong và ngoài nước.
Chỉ còn 2 tháng nữa là tới Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này sẽ quyết định liệu ông Tập có thể giữ ghế thêm 5 năm tiếp theo hay không.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Trung Quốc đang “đối mặt với các vấn đề ngày càng gia tăng trong và ngoài nước”. Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị cắt giảm, số ca nhiễm Covid tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, trong khi đó Mỹ và các nước phương Tây liên tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.
“Mỗi tuần dường như lại mang đến một cuộc khủng hoảng mới” cho lãnh đạo Trung Quốc, theo Bloomberg. Bài báo cho rằng: “Điều đó khiến ông Tập Cận Bình phải tập trung vào việc đề phòng rủi ro và cố gắng tạo ra sự ổn định, thay vì quảng bá thành tích của mình và tiến tới đăng quang”.
Ông Craig Botham, Giám đốc kinh tế Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, cho biết chính quyền Tập Cận Bình đang cố gắng ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Họ đang tìm cách “hợp lý hóa chính sách Zero Covid”, vốn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và khiến hàng triệu người dân bất mãn.
Ông Botham nói: “Sẽ có áp lực để giữ cho tình hình không trở nên sôi sục… Sự ổn định thực sự là mục tiêu vì nó giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì quyền lực.”
Sự suy yếu về kinh tế Trung Quốc là một thực tế phổ biến, một phần là do chính sách Zero Covid của ông Tập. Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều chậm lại trong tháng trước. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức kỷ lục 20%.
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất bất ngờ và việc chính quyền địa phương được phép bán 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ (228 tỷ USD) trái phiếu báo hiệu mối quan ngại ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách. Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy sự suy giảm niềm tin và sự suy giảm mong muốn đi vay trong các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc.
Theo Bloomberg, mặc dù ông Tập không phải đối mặt với sự phản đối rõ ràng. Nhưng tình trạng yếu kém có thể ảnh hưởng đến các quyết định nhân sự chủ chốt trong Đại hội Đảng sắp tới.
Các ngân hàng đầu tư lớn bao gồm Goldman Sachs Group Inc. đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của Trung Quốc trong năm này xuống còn 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của chính phủ là khoảng 5,5%.
“Đó là một tình huống khó khăn”, nhà kinh tế trưởng Hui Shan của Goldman Sachs cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV hôm nay (18/8).
Những điều đó làm tăng thêm nguy cơ bất ổn xã hội. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải vật lộn với các cuộc biểu tình tại hơn 100 thành phố.
Ông Tập cũng đang phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Mỹ trong quan hệ với Đài Loan. Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi diễn ra khi ông Tập gặp gỡ các trưởng lão trong đảng vào đầu tháng này, khiến quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo, bao gồm cả hoạt động bắn tên lửa bay qua Đài Bắc.
Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group Ltd., nhận định: “Tiên lượng về mối quan hệ Mỹ-Trung đang tối dần, nếu ông Tập tiếp tục đánh giá rằng Hoa Kỳ đang suy thoái và Trung Quốc sẽ thành công trong việc đạt được thành tích kinh tế ngày càng lớn và khả năng tự lực về công nghệ, thì ông ấy sẽ khó có thể điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Trung Quốc về cơ bản”.
Giới quan sát cho rằng bề ngoài Trung Quốc tỏ ra là bình thản và vững mạnh, nhưng thực chất bên trong đang khủng hoảng tứ bề. Ông Botham từ Pantheon Macroeconomics cho biết Trung Quốc cần phải “chữa cháy” rất nhiều. Ông Botham cho rằng Trung Quốc tựa như con thiên nga: “bình tĩnh và thanh bình trên mặt nước, nhưng chèo lái gần chết dưới mặt nước.”