Trà xanh Thái Nguyên, với hương thơm thanh tao và vị ngọt hậu; là sản phẩm đặc trưng của vùng đất ôn hòa, màu mỡ, nổi bật trong văn hóa trà Việt.
Giới thiệu chung về trà xanh thái nguyên
Trà xanh Thái Nguyên từ lâu đã được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam; nổi bật với hương thơm cốm non, vị chát dịu, hậu ngọt sâu. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù; Thái Nguyên trở thành vùng đất lý tưởng cho cây chè sinh trưởng và phát triển.
Đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng
• Khí hậu: Thái Nguyên có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 20 – 25°C, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm giúp tích tụ hương vị trong búp chè. Đặc biệt; sương mù vào sáng sớm và lượng mưa dồi dào giúp lá chè giữ được độ mềm và tinh chất quý giá.
• Thổ nhưỡng: Đất feralit giàu dinh dưỡng, có độ tơi xốp cao, thoát nước tốt, độ pH từ 5.5 – 6.5 là môi trường lý tưởng để cây chè phát triển, hấp thụ khoáng chất tạo nên hương vị đặc trưng.
Giống cây chè và kỹ thuật trồng trọt
Các giống chè phổ biến:
• Chè Trung Du: Giống chè bản địa, có khả năng chịu hạn tốt, cho lá chè dày, vị đậm.
• Chè Lai (LDP1, PH1, Keo Am Tích, Kim Tuyên,…): Giống mới cho năng suất cao, búp non, hương thơm dịu.
• Chè Bát Tiên: Được biết đến với hương thơm thanh khiết, vị hậu ngọt, lá chè xanh sẫm.
• Chè Long Vân: Nổi bật với lá chè nhỏ, búp mảnh, hương thơm tinh tế, thường được dùng trong các dòng trà cao cấp.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
• Chọn giống tốt: Giống chè phải đảm bảo khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh.
• Chuẩn bị đất: Cày bừa kỹ, xử lý nấm bệnh, bổ sung phân hữu cơ.
• Khoảng cách trồng: Hàng cách hàng 1 – 1.2m, cây cách cây 40 – 50cm để tạo không gian thông thoáng.
• Bón phân: Kết hợp phân hữu cơ vi sinh và phân vô cơ hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
• Tưới nước: Đặc biệt quan trọng vào mùa khô, có thể áp dụng tưới nhỏ giọt hoặc phun sương.
• Kiểm soát sâu bệnh: Áp dụng phương pháp sinh học như dùng thiên địch, bẫy pheromone để hạn chế hóa chất độc hại.
Quá trình thu hái và chế biến
Thu hái:
• Trà Đinh: Chỉ hái búp non nhất (tôm) có kích thước nhỏ như đầu đinh, đòi hỏi kỹ thuật hái tỉ mỉ.
• Trà Tôm Nõn: Hái những búp non nhất, có lớp lông tơ trắng, đảm bảo độ tinh khiết cao.
• Trà Móc Câu: Hái một tôm hai lá, đảm bảo sự cân bằng giữa hương và vị.
• Trà Mạn, Trà Tấm, Trà Bồm: Hái lá trưởng thành hơn để phù hợp với từng phương thức chế biến.
Chế biến theo kỹ thuật nghệ nhân:
- Làm héo nhẹ: Lá chè được trải mỏng trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để giảm bớt lượng nước.
- Diệt men (Sao chè): Đây là bước quan trọng giúp giữ màu xanh tự nhiên và ngăn chặn quá trình oxy hóa. Sao chè được thực hiện thủ công trên chảo gang nóng hoặc bằng hệ thống máy sao hiện đại.
- Vò chè: Giúp chè cuộn xoăn lại, tạo hình dáng đẹp, giữ chặt hương vị bên trong búp.
- Sấy khô: Sấy bằng nhiệt độ chuẩn, không quá cao để không làm mất đi hương vị tự nhiên.
- Ủ hương: Một số nghệ nhân thực hiện bước ủ chè để giúp hương vị hài hòa, đậm đà hơn.
Các loại trà xanh thái nguyên
• Trà Đinh: Cao cấp nhất, búp non li ti như đầu đinh, hương thơm thanh tao, vị chát nhẹ, hậu ngọt sâu.
• Trà Tôm Nõn: Chỉ gồm những búp non nhất, hương cốm non, vị chát nhẹ, ngọt dịu.
• Trà Móc Câu: Loại phổ biến nhất, búp xoăn như móc câu, vị chát đậm, hậu ngọt dài.
• Trà Mạn: Lá lớn hơn, vị đậm hơn, phù hợp pha ấm lớn.
• Trà Tấm: Mảnh chè nhỏ, chủ yếu dùng pha trà đá.
• Trà Bồm: Chè già, dùng phổ biến ở nông thôn.
Vùng trồng trà nổi tiếng
Tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích chè lớn; với tổng diện tích khoảng 22.200 ha, trong đó 21.100 ha cho sản phẩm; sản lượng đạt gần 270.000 tấn/năm với các địa danh nổi tiếng như Tân Cương (thuộc thành phố Thái Nguyên); La Bằng (huyện Đại Từ), Khe Cốc (huyện Phú Lương) và Trại Cài (huyện Đồng Hỷ).
Về sản xuất chè đạt tiêu chuẩn an toàn và hữu cơ; tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể:
• Chứng nhận VietGAP và hữu cơ: Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh đã hoàn thành 120 ha trồng mới và thay thế chè, hướng tới mục tiêu 415 ha trong năm 2023 theo kế hoạch đề ra.
• Sản lượng chè đạt tiêu chuẩn: Sản lượng chè búp tươi đạt tiêu chuẩn an toàn và hữu cơ chiếm khoảng 16% tổng sản lượng chè của tỉnh, với giá trị sản xuất cao hơn 15-25% so với sản xuất thông thường.
Hướng dẫn pha trà
Nguyên liệu:
- Trà búp khô: 5-7g (khoảng 1 thìa canh hoặc theo sở thích đậm/nhạt).
- Nước nóng: 500ml (tùy lượng trà, bạn có thể tăng giảm nước).
Lưu ý: Lượng trà 5-7g thường phù hợp để pha cho 2-3 người uống nếu mỗi người thưởng thức khoảng 2-3 tách trà nhỏ (khoảng 30-50ml mỗi tách). Nếu muốn pha cho nhóm đông hơn, bạn có thể tăng lượng trà và nước lên theo tỷ lệ.
Ví dụ:
• 4-6 người: 10-12g trà, 1-1.2 lít nước.
• 7-10 người: 15-20g trà, 1.5-2 lít nước.
Khi pha trà cho nhóm lớn, vẫn nên pha thành nhiều lượt (không đổ đầy ấm ngay từ đầu) để mỗi lần rót ra đều giữ được hương vị tươi mới.
Các bước pha:
1. Rửa sạch dụng cụ:
Tráng qua ấm pha và chén bằng nước sôi để làm nóng dụng cụ; giúp hương trà lưu giữ tốt hơn.
2. Làm sạch trà (đánh thức trà):
Cho trà búp khô vào ấm.
Rót một ít nước nóng (~80°C) vào ấm, xoay nhẹ để tráng sạch bụi trà, sau đó đổ nước đi.
3. Pha trà:
Lần 1: Rót nước nóng khoảng 80-85°C vào ấm. Đợi khoảng 30 giây rồi rót trà ra tách.
Lần 2 và các lần sau: Thêm nước nóng (80-85°C) vào ấm, ngâm trà khoảng 30-50 giây tùy lần để đạt hương vị mong muốn.
Lưu ý: Mỗi lần rót trà, nên để lại một lượng nhỏ trong ấm để những lần châm thêm nước sau, trà vẫn có vị đậm đà. Sau mỗi lần rót trà, nên mở kênh nắp ấp để trà không bị nồng, hoặc bị đỏ nước.
4. Thưởng trà:
Rót trà ra từng tách nhỏ để thưởng thức dần. Uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận trọn vẹn vị trà.
Cách thưởng trà đúng điệu
Bạn có thể thưởng trà theo nhiều cách: rót nước 1, nước 2, nước 3 ra tống rồi mới uống; hoặc uống ngay sau mỗi lần châm nước. Tuy nhiên, nếu có tống, nên rót vào tống trước để nước trà đều nhau. Nếu không có tống, hãy rót luân phiên từng chút nhỏ để đảm bảo độ đậm nhạt trong các chén là như nhau.
Nhiệt độ nước: Không dùng nước quá nóng (trên 90°C) vì dễ làm trà bị chát.
Tỷ lệ trà và nước: Điều chỉnh theo khẩu vị cá nhân – nhiều trà hơn cho vị đậm, ít trà cho vị thanh.
Số lần pha: Trà búp khô thường pha được 3-4 lần.
Trà xanh thái nguyên – tinh hoa từ thiên nhiên
Vùng đất Thái Nguyên, với những ngọn đồi xanh mướt và khí hậu ôn hòa, là nơi thiên nhiên ban tặng sản vật tinh túy, đặc sắc – trong đó; trà xanh là minh chứng rõ nét. Được nuôi dưỡng từ đất mẹ, mỗi tán chè nơi đây mang trong mình sự kết hợp hoàn hảo giữa đất, trời và con người, tạo nên hương vị trà không thể nhầm lẫn. Trà xanh Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông sản mà còn là sự hòa quyện của tinh hoa thiên nhiên, kể câu chuyện về sự tỉ mỉ trong từng khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến.
Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ cùng những cơn mưa thuận lợi; Thái Nguyên là vùng đất lý tưởng để cây chè phát triển mạnh mẽ. Chính sự giao hòa giữa thiên nhiên, đất trời và bàn tay khéo léo của những người trồng chè đã tạo nên trà xanh Thái Nguyên với hương vị thanh tao, dịu nhẹ mà sâu sắc. Mỗi giống chè như Móc Câu, Tôm Nõn hay Đinh đều có nét riêng biệt; nhưng tựu trung vẫn toát lên sự thanh khiết, trong lành của vùng đất này. Vì thế, trà Thái Nguyên không chỉ là một thức uống mà còn là một phần của thiên nhiên, một tác phẩm nghệ thuật tinh tế được tạo nên từ đất, nước và thời gian.