Thực tế, trong cuộc cân não với Nga, NATO cho thấy là một tổ chức nội nhu ngoại cương, bề ngoài luôn tỏ ra cứng rắn nhưng thực chất lại e sợ đối đầu với Nga.
Nghệ thuật che đậy đỉnh cao
Khi một người nông dân Ba Lan chụp những bức ảnh về mảnh vỡ tên lửa – sau này được xác định là thuộc về tổ hợp tên lửa S-300 của Ukraine, thế giới tưởng chừng như sắp phải đối mặt với Thế chiến thứ III sắp xảy ra. Rất may mọi việc đã không tiến triển xa như vậy bởi sự phản ứng tức thời của cả Mỹ, NATO và Ba Lan khi chỉ đích danh Ukraine là bên đã bắn tên lửa thay vì Nga.
Rõ ràng, phương Tây đã thật sự hoảng loạn khi Tổng thống Zelensky viện dẫn điều 5 yêu cầu NATO phản ứng, khi nhanh chóng đáp trả bằng bản tin đính chính của hãng AP hôm 17/11, rằng “các tên lửa này do Nga sản xuất và rất có thể được Ukraine bắn để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga”.
Xa hơn nữa, 5 ngày sau sự cố tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, hãng tin AP đã quyết định sa thải phóng viên James LaPorta – người đã báo cáo trong bản tin đầu tiên của AP rằng, “thông qua nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan”.
Điều này chỉ ra rằng thực tế, trong cuộc cân não với Nga, NATO cho thấy là một tổ chức nội nhu ngoại cương, bề ngoài luôn tỏ ra cứng rắn nhưng thực chất lại e sợ đối đầu với Nga.
Minh chứng rõ nhất chính là cuộc trò chuyện sảy miệng của Tổng thống Ba Lan với 2 danh hài người Nga, cùng việc phủ nhận nhanh chóng tuyên bố của Tổng thống Zelensky cũng như đính chính bản tin đầu tiên của hãng AP ngay sau khi sự cố tên lửa xảy ra.
Có khá nhiều lý do lý giải việc NATO e ngại đối đầu trực tiếp với Nga ở Ukraine. Một trong số đó chính là việc tập thể tình báo phương Tây có lẽ nắm được thông tin Nga có thể mở chiến dịch mùa đông, khi kế hoạch chiêu mộ 300.000 quân đã hoàn tất. Trong đó, đích thân Tổng thống Putin đã tới thăm doanh trại huấn luyện các tân binh, cho thấy Điện Kremlin hoàn toàn nghiêm túc trong việc huy động quân lần này.
Ngoài ra, việc đánh sập cơ sở hạ tầng lưới điện của Ukraine được cho là một động thái dọn đường cho lực lượng Nga tiến công tại Ukraine.
Lưu ý là thời điểm Nga tấn công Ukraine hôm 24/2, phía Nga chỉ sử dụng 100.000 quân chủ yếu là dân quân Donetsk và Luhan, lính biệt kích của công ty tư nhân Wagner và đội quân Chechnya dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov.
Nhìn chung, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga cũng phản ánh thực trạng của việc thiếu nguồn lực, khi lực lượng Nga ở Ukraine được cho là quá mỏng để có thể dàn trải trên một chiến tuyến kéo dài tới 1.500 km. Để dễ hình dung, khoảng cách này tương đương từ thủ đô Kiev đến thủ đô Berlin của nước Đức.
Đồng thời Nga cũng phải đối phó với quân đội Ukraine có quân số đông hơn nhiều, có lẽ lên tới 1 triệu người lại không bị áp lực về tổn thất nhân mạng, cũng như được trang bị nguồn vũ khí dồi dào từ phương Tây.
Khách quan nhìn nhận nếu đúng Ukraine có cả triệu quân tham chiến như vậy, thì phía Nga đã thực hiện khá tốt trên chiến trường khi hầu như chỉ tung ra đội hình có rất ít lính chính quy. Cần lưu ý là, quy tắc cơ bản trong chiến tranh là lực lượng tấn công luôn phải đông gấp ba lần lực lượng phòng thủ.
Trong khi ấy, lực lượng Nga mở màn Chiến dịch quân sự đặc biệt chỉ chiếm một phần nhỏ của quy tắc đó. Điều đáng nói là Lực lượng Vũ trang Nga được cho là có quân số thường trực lên tới hơn 1 triệu quân, theo tờ dw của Đức xác nhận.
Nhưng giờ đây có vẻ Chiến dịch Quân sự Đặc biệt đã qua lâu rồi, khi một loạt các cuộc tấn công liều lĩnh nhắm vào đường ống Nord Streams, Cầu Crimea, Hạm đội Biển Đen đã chứng minh tính tất yếu của việc vượt ra ngoài khuôn khổ một “chiến dịch quân sự” quy mô nhỏ.
Và điều đó đưa Nga đến một cuộc chiến điện năng toàn diện hơn.
Đòn quyết định
Cuộc tấn công phá hủy các cơ sở mạng lưới điện về cơ bản được áp dụng như một chiến thuật để buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán, với việc Nga có thể áp đặt các điều khoản về một hiệp định đình chiến.
Giả dụ ngay cả khi hai bên đi tới một cuộc hòa đàm đình chiến, vốn được truyền thông dòng chính nhắc tới liên tục trong vài tuần qua, thì cuộc xung đột tại Ukraine cũng không thể nhanh chóng kết thúc. Bởi các điều khoản của Nga yêu cầu chấm dứt việc mở rộng NATO, đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO đã bị Mỹ và NATO bác bỏ ngay từ hồi tháng 12 năm 2021, dẫn đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hơn 2 tháng sau đó.
Vì vậy chiến dịch phá hủy hệ thống lưới điện đã vượt ra ngoài chiến tuyến phía đông sông Dnepr – nơi lực lượng Nga đang phòng thủ và bắt đầu hướng dọc theo bờ Biển Đen về phía Odessa.
Có thể nói mạng lưới điện tại 3 thành phố trọng yếu nhất của Ukraine là thủ đô Kiev, thành phố Lviv giáp biên giới Ba Lan, và thành phố cảng Odessa đã bị tên lửa đánh trúng trong suốt nhiều tuần qua.
Mục tiêu trong cuộc chiến điện năng của người Nga là gì? Đó là thiết lập một vùng đệm an toàn để bảo vệ các khu vực do Nga kiểm soát thoát khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa lực pháo binh, HIMARS hay tên lửa do NATO cung cấp cho Ukraine.
Vùng đệm này sâu bao nhiêu kilomet?
Với người Nga, có lẽ ít nhất là 300 km vì chính quyền Kiev đã yêu cầu loại pháo có tầm bắn xa như vậy.
Điều quan trọng là vào tháng 7, trong một cuộc phỏng vấn mở rộng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng nhắc đến vấn đề này như sau:
“Quá trình này tiếp tục, nhất quán và bền bỉ. Nó sẽ tiếp tục chừng nào khi phương Tây, trong cơn thịnh nộ bất lực, tuyệt vọng làm trầm trọng thêm tình hình càng nhiều càng tốt, khi tiếp tục đổ tràn ngập Ukraine ngày càng nhiều vũ khí tầm xa.
Lấy HIMARS làm ví dụ. Bộ trưởng Quốc phòng (Ukraine) Alexey Reznikov khoe rằng họ đã nhận được đạn dược 300 km. Điều này có nghĩa là các mục tiêu địa lý của chúng tôi sẽ tiến xa hơn nữa so với ranh giới hiện tại.
Chúng tôi không thể cho phép một phần Ukraine mà Zelensky, hoặc bất kỳ ai thay thế ông ta, sẽ kiểm soát có vũ khí đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ của chúng tôi hoặc các nước cộng hòa đã tuyên bố độc lập và muốn tự quyết định tương lai của họ”.
Các hàm ý trong tuyên bố của ngoại trưởng Nga là khá rõ ràng.
Trong khi Washington và NATO ngày càng “tuyệt vọng làm trầm trọng thêm tình hình” bằng cách gửi vũ khí ồ ạt cho Ukraine, thì về mặt địa kinh tế, Mỹ và EU đã ban hành hơn chục nghìn lệnh trừng phạt, khi cố gắng kiểm soát hành lang năng lượng và thiết lập giá trần dầu Nga.
Tuy nhiên mọi diễn biến thực tế cho thấy người Nga vẫn không hề nao núng, khi nước này tiếp tục mở rộng đầu tư, giao thương hướng tới châu Á; củng cố Hành lang vận tải Bắc – Nam Quốc tế (INTSC) đa phương với đối tác chính là Ấn Độ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với Ả rập Xê út để định giá năng lượng thông qua OPEC+ .
Thực tế, dòng chảy viện trợ vũ khí của Mỹ và NATO sẽ khó thuyên giảm, bởi NATO đã từng công khai tuyên bố rằng, họ không thể để thua Nga và trên hết là chống lại ”mối đe dọa hiện hữu” từ Nga.
Có thể bạn quan tâm: