Cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn châu Âu đặc biệt là cường quốc Đức. Nước Đức đã trở thành một vệ tinh kinh tế trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mới của Mỹ với Nga, và phần còn lại của hai lục địa Âu-Á.
Với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt dành cho Nga, thì Mỹ, Đức và các nước NATO/EU khác được cho là đang tự áp đặt các biện pháp trừng phạt chính họ, và sẽ còn kéo dài lâu hơn nhiều so với cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine.
Tổng thống Joe Biden và các quan chức trong Bộ Ngoại giao của ông đã nhiều lần hàm ý rằng, Ukraine chỉ là sân chơi mở đầu trong một động lực rộng lớn hơn nhiều đang chia cắt thế giới thành hai nhóm liên minh kinh tế đối lập. Đó là EU/NATO lấy Mỹ làm trung tâm và liên minh Á-Âu mới nổi đứng đầu là Nga-Trung.
Cần lưu ý là, sản phẩm phụ của Chiến tranh Lạnh Mới của chính quyền Joe Biden là thúc đẩy kế hoạch Năng lượng Xanh, nhưng ẩn sâu chính là chấm dứt bất kỳ kế hoạch quốc tế nào nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Nền tảng của chính sách ngoại giao kinh tế của chính quyền Biden là để các công ty dầu mỏ của Mỹ và của các đồng minh NATO kiểm soát nguồn cung cấp dầu và khí đốt của thế giới, tức là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà Nga và Ả rập Xê út là 2 ông lớn trong lĩnh vực này.
Đó là những gì cuộc chiến của NATO ở Iraq, Libya, Syria, Afghanistan và Ukraine được tiến hành. Mục tiêu là gây bất ổn cho các quốc gia khác, bằng cách làm gián đoạn khả năng tiếp cận nguồn năng lượng, mà ai cũng hiểu An ninh năng lượng chính là chìa khóa cho sự độc lập và tự chủ chiến lược của một quốc gia.
Đó là bối cảnh cho cuộc chiến ngày nay ở Ukraine, vốn chỉ đơn thuần là bước đầu tiên trong cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ nhằm ngăn thế giới trở thành đa cực. Quá trình này sẽ khiến Đức – một cường quốc của châu Âu ngày càng phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp LNG của Mỹ.
Sự đứt gãy toàn cầu này hứa hẹn sẽ là một cuộc đấu tranh kéo dài để xác định xem nền kinh tế thế giới tương lai sẽ là một nền kinh tế đô la hóa đơn cực lấy Mỹ làm trung tâm, hay một thế giới đa cực, đa tiền tệ tập trung vào trung tâm Á- Âvới các nền kinh tế công/tư hỗn hợp.
Đức là nước chịu thiệt hại nhiều nhất trong đợt đứt gãy toàn cầu này
Là nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất của châu Âu, Đức đã phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt, dầu và kim loại của Nga, từ nhôm cho đến titan và paladi để duy trì nền công nghiệp sản xuất ra nhiều mặt hàng như thủy tinh, thép, hóa chất, máy móc, ô tô và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Mặc dù hai đường ống Nord Stream được xây dựng để cung cấp năng lượng giá rẻ cho Đức, nhưng chính phủ nước này dưới áp lực của Mỹ đã buộc phải cắt bỏ khí đốt của Nga và tự tay khai tử nền công nghiệp của chính mình.
Thực chất, các biện pháp trừng phạt chống Nga trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mới này còn có thêm một mục tiêu nữa: Đó chính là tiêu diệt nước Đức.
Khi đường ống Nord Stream 1 và 2 bị phá hủy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã sốt sắng khi nói rằng, Đức nên thay thế đường ống dẫn khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí đốt LNG giá cao của Mỹ.
Để nhập khẩu LNG của Mỹ, Đức sẽ phải chi hàng tỷ đô la xây dựng các cảng để tiếp nhận các tàu chở LNG. Hệ quả là làm cho ngành công nghiệp của Đức không có khả năng cạnh tranh, dẫn đến tình trạng phá sản, thất nghiệp tràn lan… Và đây chính là hồi chuông báo tử cho nước Đức.
Tóm lại, sự phá hủy đường ống Nord Stream đã làm đảo lộn các động lực. Trong gần một thập kỷ qua, Nhà Trắng liên tục yêu cầu Đức phải từ chối sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên những yêu cầu này đã bị hai đời Thủ tướng Gerhard Schroeder và Angela Merkel phản đối mạnh mẽ, khi cả hai thẳng thắn chỉ ra logic kinh tế của việc trao đổi phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành sản xuất của Đức và nguyên liệu thô của Nga.
Vấn đề của Mỹ là làm thế nào để ngăn Đức sử dụng đường ống Nord Stream 2? Tổng thống Joe Biden, Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland, và các chính trị gia cánh tả khác đã chứng minh rằng, chỉ có cách kích động lòng căm thù nước Nga. Và Chiến tranh Lạnh Mới đã được đóng khung như một cuộc Thập tự chinh mới dựa trên kế hoạch này.
Cuộc đảo chính năm 2014 ở thủ đô Kyiv do chính quyền Obama bảo trợ, đã tạo ra một chế độ bù nhìn thân Mỹ tại Ukraine. Trong suốt 8 năm, từ 2014 đến đầu năm 2022, chính quyền Kyiv đã ném bom, đàn áp các tỉnh miền Đông Donbass, nơi có những người nói tiếng Nga sinh sống.
Trong khi ấy, NATO có nhiệm vụ kích động phản ứng quân sự của Nga, bằng cách mở rộng biên giới liên minh khối quân sự này ngay trước cửa ngõ của Nga là Ukraine.
Rõ ràng, cuộc kích động của NATO đã thành công và phản ứng quân sự của Nga vào ngày 24/2 được coi là hành động xâm lược tàn bạo vô cớ Ukraine. Từ đây chiến dịch tẩy chay, hủy bỏ người Nga diễn ra rộng khắp châu Âu, cho thấy kế hoạch kích động chứng sợ Nga và lòng căm thù người Nga của chính quyền Biden đã thành công.
Tất nhiên, việc Nga tấn công một quốc gia có chủ quyền là khó có thể biện minh dù với bất cứ lý do nào, và phần thua thiệt về cả lý và lẽ đều thuộc về Nga.
Kết quả là thế giới đang chia thành hai phe: NATO lấy Mỹ làm trung tâm và liên minh Á-Âu mới nổi. Vì vậy là một đồng minh của NATO và EU, nước Đức không thể theo đuổi chính sách kinh tế cùng có lợi với Nga.
Thêm nữa, một mâu thuẫn cơ bản đã xuất hiện khi “các lệnh trừng phạt từ địa ngục” của chính quyền Joe Biden áp đặt lên Nga, đã ảnh hưởng đến chính châu Âu, và đẩy châu lục này vào suy thoái. Đức đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, và đang nhìn chằm chằm vào sự sụp đổ toàn bộ các lĩnh vực trong ngành công nghiệp của mình.
Phép màu của nền công nghiệp Đức chính là dựa trên sự sẵn có của nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ, không giới hạn và đảm bảo từ Nga. Bất cứ sự gián đoạn nguồn cung nào sẽ tạo ra sự tàn phá khủng khiếp và thực tế đã chứng minh điều đó. Trên hết, vụ phá hoại đường ống Nord Stream còn có khả năng dẫn đến sự hồi sinh mối quan hệ năng lượng giữa Đức và Nga, điều mà dư luận Đức ủng hộ.
Thụy Điển và Đan Mạch đã mở cuộc điều tra vụ phá hủy đường ống, nhưng cả hai quốc gia bên bị hại là Đức và Nga đều không được chia sẻ dữ liệu.
Với tất cả những dữ liệu thu thập điều tra riêng của mình, nước Đức đã nhận thức rõ về tác động địa chính trị, địa kinh tế mà đồng minh Mỹ đã tạo ra cho mình. Tuy nhiên, Đức lại phụ thuộc Mỹ về an ninh quân sự, nên chính phủ yếu nhược của Thủ tướng Scholz đã chọn cách im lặng, chấp nhận cay đắng bẽ bàng khi phải mua LNG đắt đỏ gấp 3-4 lần từ các công ty Mỹ để thay thế khí đốt của Nga.
Để thoát khỏi viễn cảnh sụp đổ, lựa chọn duy nhất còn lại đối với Đức lúc này là tiếp cận với Trung Quốc trong nỗ lực tuyệt vọng để phục hồi nền kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ của Thủ tướng Scholz chủ yếu nhằm vào việc chuyển các cơ sở sản xuất của tập đoàn hóa chất đa quốc gia của Đức là BASF sang Trung Quốc thay vì Mỹ, để các sản phẩm của Đức vẫn có tính cạnh tranh.
Nhưng trớ trêu là, chính sách này lại mâu thuẫn với một bộ phận chính trị gia cánh tả trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz, mà Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thuộc thành viên Đảng Xanh ủng hộ chính sách chống Nga điên cuồng là một ví dụ.
Để tự bảo vệ mình trước những chỉ trích ngày càng gia tăng trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Scholz đã có bài viết trên tờ Politico như sau: “Khi tôi tới Bắc Kinh với tư cách là thủ tướng Đức “Vậy thì tôi cũng làm như vậy với tư cách là một người châu Âu”. Tất cả là để nhằm cho thấy, chuyến đi của ông không làm tổn hại đến mặt trận thống nhất của EU.
Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Chính ở đây, các trung tâm quyền lực mới đang xuất hiện trong một thế giới đa cực, và chúng tôi đặt mục tiêu thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với tất cả họ”.
Có thể bạn quan tâm: