Cuộc bầu cử tổng thống Philippines sẽ diễn ra vào ngày mai (9/5). Kết quả của cuộc bầu cử có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á, theo CNN.
Bài báo cho biết: “Việc người dân Philippines bầu chọn ai vào ngày 9/5, sẽ có tác động vượt xa biên giới đất nước”.
Việc ai là người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte đang thu hút sự quan tâm của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc.
Tầm quan trọng của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc
Theo CNN, mối quan hệ chặt chẽ với Philippines là yếu tố quan trọng đối với chiến lược của Washington nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Philippines có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với cả (Mỹ và Trung Quốc). Trung Quốc hiện đang bị thu hút bởi các vấn đề trong nước nhưng họ cũng tiếp tục mở rộng các hoạt động ở Biển Đông“, theo ông Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York.
“Và Mỹ chắc chắn sẽ đầu tư nỗ lực đáng kể để kết giao với bất kỳ ai lãnh đạo Philippines, đơn giản vì lý do chiến lược – Philippines có tầm quan trọng chiến lược quan trọng, và cũng có những mối quan hệ chặt chẽ lâu dài như vậy”, ông nói.
Trong khi đó, Philippines là tuyến đầu của những tham vọng đó của Trung Quốc ở Biển Đông. Những năm gần đây, Manila cáo buộc Bắc Kinh cố gắng uy hiếp các tàu tuần duyên của họ và tập hợp một “lực lượng dân quân hàng hải” để trấn áp các tàu đánh cá của họ.
Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của chính phủ Philippines và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte đã coi nhẹ chiến thắng này để theo đuổi mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Ông Duterte đã phải nhượng bộ Bắc Kinh rất nhiều với hy vọng nhận được những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng tới nay, đa số các khoản đầu tư vẫn chỉ là “hứa hẹn”.
Ứng viên nào trúng cử thì cũng là chiến thắng cho Trung Quốc?
Hiện có 2 ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống. Một là ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., con trai của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos Sr. Hai là đương kim phó tổng thống Leni Robredo.
Ứng viên “thân Trung Quốc” Marcos
Trong hai ứng viên, thì ông Marcos được cho là “thân Trung Quốc” hơn. Nếu ông Marcos trúng cử, đó sẽ là chiến thắng lớn đối với Trung Quốc. Ông Marcos trong nhiều năm qua đã kêu gọi Manila giải quyết song phương với Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ. Đó là điều mà Bắc Kinh rất thích vì Trung Quốc có thể ép Philippines phải nhượng bộ.
Nhưng việc ông Marcos có thể “nghiêng về phía Trung Quốc bao xa” có thể bị hạn chế bởi công chúng, theo ông Richard Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines. Một bộ phận người dân Philippines đã chán nản với thái độ nhượng bộ của chính quyền Duterte trước Trung Quốc trong 6 năm qua.
Hơn nữa, quan hệ của ông Marcos và Washington sẽ bị hạn chế. Lý do là ông Marcos không thể đến thăm Mỹ vì có nguy cơ bị bắt giữ. Theo phán quyết của một tòa án Mỹ, gia đình ông phải bồi thường hàng trăm triệu đô cho các nạn nhân bị tra tấn trong thời cha ông nắm quyền.
Mặt khác, Mỹ không dám “hắt hủi” ông Marcos, vì điều đó sẽ chỉ càng khiến ông Marcos xích lại gần Trung Quốc, theo CNN.
Nữ ứng viên Robredo buộc phải kết giao với Trung Quốc
Bà Robredo được cho là người có lập trường bảo vệ lợi ích của Philippines ở Biển Đông hơn ông Marcos. Bà ủng hộ việc tăng cường quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ. Nhưng mặt khác, bà cũng nói rõ là sẽ kết giao với Trung Quốc trong trường hợp bà đắc cử.
“Đối với (Robredo), bà ấy cũng không thể thực thi chính sách đối đầu với Trung Quốc, bởi vì thực tế là phần lớn người dân Philippines và thậm chí là quân đội Philippines đã nhận ra những hạn chế của Philippines trong việc đứng lên chống lại Trung Quốc … ( và) rất nhiều người Philippines cũng bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ các mối quan hệ sản xuất kinh tế với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Kurlantzick cho biết.
Ông cho rằng bà Robredo cũng sẵn sàng tham gia với Trung Quốc về kinh tế, miễn là nó không xung đột với chủ quyền của Philippines.
Bà Robredo đã nói rõ trong suốt chiến dịch tranh cử của mình rằng cô ấy sẽ can dự với Trung Quốc một cách đa phương, dựa vào sức mạnh về quân số bên cạnh các quốc gia thân thiện “để giúp một quốc gia nhỏ bé như Philippines làm những gì cần thiết để sử dụng phán quyết trọng tài năm 2016 (Biển Đông) … ( hướng tới) lợi ích quốc gia”, theo phó giáo sư Charmaine Misalucha-Willoughby tại Đại học De La Salle ở Manila, Philippines.
Phó giáo sư Willoughby nói thêm: Đối với việc bà Robredo cho phép một số thỏa thuận nhất định với Trung Quốc, như thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, thì “vấn đề dừng lại”sẽ ở việc Trung Quốc có thừa nhận phán quyết của tòa án về các yêu sách của Philippines hay không.
Như vậy, dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Philippines vào ngày mai (9/5) thì Trung Quốc đều có thể yên tâm về chính sách của Manila với Bắc Kinh. Chiến thắng lớn hay nhỏ, còn tùy thuộc vào kết quả bầu cử ra sao.