Site icon Tin360

Tin quốc tế tổng hợp sáng ngày 08/05/2025

Tổng thống Trump cho biết đã đến lúc đưa ra quyết định về hòa giải Ukraine, cảnh báo có thể ngừng đàm phán nếu xung đột tiếp tục kéo dài.

Tổng thống Trump: Đã đến lúc đưa ra quyết định về hòa giải Ukraine

Theo hãng tin TASS (Nga) ngày 8/5, khi được hỏi về nhận xét của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance rằng Moskva đang đưa ra quá nhiều yêu sách trong đàm phán hòa bình Ukraine, Tổng thống Trump đáp: “Có thể ông ấy đúng”.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thời điểm để đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến hòa giải Ukraine đang đến gần. Ông cho biết không cảm thấy hài lòng khi phải lựa chọn giữa các kịch bản có thể dẫn đến tiếp diễn xung đột, và cảnh báo rằng nếu tình hình không cải thiện, ông có thể dừng đàm phán: ““Sẽ đến lúc tôi nói: ’OK, cứ tiếp tục đi. Cứ tiếp tục ngu ngốc và tiếp tục đánh nhau đi’”

Ông Trump cũng nhắc lại những bình luận trước đó về việc Moskva có thể đang đòi hỏi quá nhiều trong các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, ông từ chối nêu rõ bên nào đang cho thấy thiện chí, chỉ khẳng định Mỹ “đang gần đạt được tiến triển hơn” với một phía.

Trong khi chính quyền Trump gần đây mềm mỏng hơn với Ukraine sau thỏa thuận về tiếp cận khoáng sản đất hiếm, thì lập trường với Nga lại cứng rắn hơn. Tổng thống Trump đã công khai cáo buộc Tổng thống Putin cố tình kéo dài chiến sự bằng các cuộc tấn công vào khu dân cư, đồng thời đe dọa trừng phạt tài chính.

Dù vậy, phía Nga – thông qua các tuyên bố của ông Putin – tiếp tục khẳng định sẵn sàng đàm phán hòa bình vô điều kiện, với điều kiện phải tính đến lợi ích an ninh của Moskva. Tổng thống Nga cho rằng chỉ khi giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, một nền hòa bình lâu dài mới có thể đạt được.

Ấn Độ – Pakistan không kích lẫn nhau, căng thẳng leo thang, quốc tế đồng loạt kêu gọi kiềm chế

Đêm 7/5/2025, căng thẳng bùng phát dữ dội giữa Ấn Độ và Pakistan sau khi New Delhi thực hiện các cuộc oanh kích nhằm vào “9 địa điểm khủng bố” tại Pakistan, nhằm trả đũa vụ tấn công khủng bố ở Kashmir khiến 26 người thiệt mạng. Pakistan lập tức phản ứng, lên án hành động vi phạm chủ quyền và cáo buộc Ấn Độ tấn công cả công trình dân sự, trong đó có một đền thờ Hồi giáo khiến hai bé gái thiệt mạng. Đáp trả, Islamabad pháo kích dọc Đường kiểm soát và tuyên bố bắn hạ năm máy bay, bao gồm cả tiêm kích Rafale của Ấn Độ.

Theo thống kê sơ bộ, đã có ít nhất 36 người chết ở cả hai bên. Một số khu vực như Bahawalpur, Muridke, Muzaffarabad và Kotli bị trúng bom dù không có căn cứ quân sự nào gần đó. Trong khi Ấn Độ khẳng định chỉ nhắm vào “các mục tiêu khủng bố”, Pakistan tố cáo đây là hành động tấn công dân thường có chủ đích.

Trước tình hình leo thang, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng lên tiếng. Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh đồng loạt kêu gọi hai nước kiềm chế, nối lại đối thoại để tránh nguy cơ xung đột mở rộng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh mới tại Nam Á, trong khi Mỹ, Trung Quốc và Anh đề xuất đóng vai trò trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Tổng thống Trump: Đã đến lúc đưa ra quyết định về hòa giải Ukraine; Ấn Độ – Pakistan không kích lẫn nhau, căng thẳng leo thang, quốc tế đồng loạt kêu gọi kiềm chế; Thành phố Mexico chuẩn bị đón hàng triệu du khách dự World Cup 2026; Vatican khai mạc Mật nghị Hồng y, bắt đầu bầu chọn tân giáo hoàng (Ảnh ghép: Internet).

Thành phố Mexico chuẩn bị đón hàng triệu du khách dự World Cup 2026

Thành phố Mexico (AFP) – Thành phố Mexico đang tích cực chuẩn bị để đón hơn 5 triệu du khách nhân dịp World Cup 2026, với trận khai mạc sẽ được tổ chức tại đô thị khổng lồ này, theo thông báo của chính quyền địa phương hôm thứ Tư.

Giải vô địch bóng đá lớn nhất thế giới sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại ba quốc gia: Mexico, Hoa Kỳ và Canada.

Mexico sẽ có ba trong tổng số 16 sân vận động đăng cai, bao gồm thủ đô Mexico City, thành phố Guadalajara ở miền trung và Monterrey – trung tâm công nghiệp phía bắc.

Mười một sân khác nằm tại Hoa Kỳ, còn lại hai sân được tổ chức tại Canada.

Chính phủ Mexico cùng chính quyền thành phố đang phối hợp nhằm “đảm bảo trải nghiệm an toàn và suôn sẻ” cho du khách, Bộ trưởng Nội vụ Rosa Icela Rodriguez cho biết trong buổi họp báo.

“Bên cạnh dân số khoảng 9 triệu người, thành phố Mexico dự kiến sẽ đón hơn 5 triệu người đến tham dự các trận đấu,” bà cho biết thêm. Thành phố này nằm ở độ cao hơn 2.200 mét so với mực nước biển.

Sân vận động Azteca – nơi từng đăng cai hai trận chung kết World Cup – đang được cải tạo và sẽ sẵn sàng cho trận mở màn vào ngày 11/6, theo ban tổ chức.

Giám đốc sân vận động, ông Felix Aguirre, cho biết hơn 100 triệu USD đang được đầu tư để nâng cấp công trình này và cam kết “sân sẽ hoàn tất đúng hạn”.

Việc đổi tên sân sau ngân hàng tài trợ đã gây tranh cãi, dẫn đến yêu cầu của FIFA rằng sân phải được gọi là “Sân vận động Thành phố Mexico” theo quy định thương hiệu.

Trước những lo ngại an ninh tại quốc gia còn đối mặt với bạo lực hình sự, Thị trưởng Mexico City Clara Brugada tuyên bố sẽ trang bị thêm 40.000 camera an ninh, nâng tổng số lên 123.000 chiếc.

“Chúng tôi sẽ trở thành thành phố được giám sát bằng video nhiều nhất châu Mỹ,” bà nhấn mạnh.

Ban tổ chức cũng kêu gọi một kỳ World Cup không có phân biệt đối xử, kỳ thị đồng tính hay vi phạm quyền tự do dân sự.

FIFA đã nhiều lần xử phạt Mexico do các cổ động viên hô khẩu hiệu kỳ thị đồng tính trong sân vận động.

Mỹ – Trung chuẩn bị họp thương mại, lần đầu sau căng thẳng thuế quan

Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp thương mại tại Thụy Sĩ vào ngày 10–11/5 nhằm tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng sau khi đôi bên áp thuế trả đũa lẫn nhau ở mức kỷ lục. Đây là lần đầu tiên hai nước đồng ý đối thoại kể từ khi Washington đánh thuế 145% và Bắc Kinh đáp trả bằng mức 125%. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Scott Bessent khẳng định mong muốn có trao đổi xây dựng với Bắc Kinh. Ngược lại, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ lập trường cứng rắn và cho biết cuộc họp được tổ chức theo đề nghị từ Washington.

Trước thềm đối thoại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ nền kinh tế chịu tác động từ xung đột thương mại. Trong khi đó, FED dự kiến giữ nguyên lãi suất chỉ đạo và tiếp tục theo dõi các hệ quả từ chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Vatican khai mạc Mật nghị Hồng y, bắt đầu bầu chọn tân giáo hoàng

Ngày 7/5/2025, 133 hồng y đã bước vào Mật nghị tại nhà nguyện Sistina, Vatican để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Phanxicô – người qua đời hôm 21/4. Trong ngày họp đầu tiên, các hồng y chỉ tiến hành một lượt bỏ phiếu mang tính biểu tượng. Những ngày tới có thể có tối đa bốn lần bỏ phiếu mỗi ngày, trong điều kiện hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài.

Trước giờ Mật nghị bắt đầu, Hồng y Giovanni Battista Re kêu gọi các cử tri gác lại lợi ích cá nhân và hướng đến lợi ích chung của Giáo hội. Bên ngoài Quảng trường Thánh Phêrô, hàng ngàn tín đồ và du khách tập trung chờ đợi làn khói trắng – tín hiệu cho thấy đã chọn được tân giáo hoàng.

Người hành hương từ nhiều quốc gia bày tỏ kỳ vọng vị giáo hoàng mới sẽ giản dị, gần gũi, có khả năng dẫn dắt Giáo hội vượt qua thách thức thời đại. Nhiều người cũng cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine, Trung Đông và các điểm nóng khác trên thế giới.

Theo: RFI