Bài thơ ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ đang gây ra phản ứng 2 chiều: Người khen bài thơ chân thành xúc động, người chê nói bài thơ ‘ngang, ngô nghê’.
Ngày 9/4, báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ trên Báo Văn Nghệ 2019-2020 với 2 giải B (không có A) cho các tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên). Đáng chú ý, bài thơ ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ nằm trong chùm 3 bài thơ đạt giải B của tác giả Tòng Văn Hân gây dư luận 2 chiều.
Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm
(Tác giả Tòng Văn Hân)
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.
Giữa lằn ranh khen – chê
Theo báo Người Lao Động, lý giải việc trao giải cho tác phẩm này, Hội đồng chung khảo cuộc thi cho rằng bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ là bài hay nhất trong cuộc thi thơ này, một bài thơ rất độc đáo. Theo ông bài thơ rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. Và sự “nôm na” mà mọi người nói là giọng thơ của một người dân tộc sống ở miền núi.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng bào thơ thể hiện được cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm và so sánh ẩn dụ thú vị của người miền núi. “Ở bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm, nếu là người miền xuôi mà chửi đứa trộm gà, bắt chó thì thôi rồi, có trường hợp còn đánh chết”, ông Kỷ so sánh.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét về bài thơ: “Ý tưởng ‘phúc đức tại mẫu’ rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô.
Theo ông Nhơn: ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca.
Có những ý kiến phản đối bài thơ mạnh mẽ. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng cuộc thi đã trao giải cao cho bài thơ ‘dở nhất nước’.
‘Có người bảo đó không phải là thơ’
Tác giả Tong Văn Hân chia sẻ với phóng viên Vietnamnet rằng, ông làm thơ chủ yếu để ghi chép lại những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của bản thân, gia đình, bản làng để phục vụ cho chính cộng đồng của mình. Nếu viết cho dân bản mà hàn lâm, cao siêu, hoa mỹ quá sẽ không phù hợp với họ.
“Tôi thấy có người thích những bài thơ của tôi vì sự mới lạ, sự trong sáng thậm chí là ngô nghê. Có người quen với những bài thơ niêm luật chặt chẽ rồi nên khi đọc thơ tôi lại cảm thấy lạ lẫm và chưa quen. Có người bảo đó không phải là thơ. Có người cảm cái hồn cốt của bài thơ chứ không phải bắt bẻ câu từ để soi tính nghệ thuật. Tôi nhấn mạnh là tôi sáng tác thơ chủ yếu để phục vụ bà con đồng bào mình. Khen hay chê là tuỳ thuộc cảm nhận của mỗi người”.
Về nội dung bài thơ gây tranh cãi, tác giả giải thích:
“Cách sống và quan niệm sống của người dân tộc Thái chúng tôi mang tính cộng đồng rất cao. Người Thái tuyệt đối không chửi bới mỗi khi mất trộm vì họ quan niệm bộ phận nào trên cơ thể con người cũng có hồn vía, mình chửi thì miệng lưỡi của mình sẽ ô uế. Và khi đã ô uế thì sẽ bị ốm đau, làm ăn không tốt, nuôi con cái không lớn và buôn bán không may mắn.
Người ta giải quyết theo hướng vừa giữ thể diện cho người trộm, vừa an ủi người bị mất trộm. Sau khi hai bên hoà giải xong, nếu người ăn trộm còn nhỏ (chưa ra ở riêng) thì bố mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con. Gia đình người ăn trộm sẽ nấu bữa cơm ấm cúng, thết đãi những người sang họp bàn để thay cho lời xin lỗi. Trong bữa cơm, mọi người sẽ chúc cho người ăn trộm làm ăn may mắn. Tôi lấy hình ảnh đó viết thành bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, tác giả chia sẻ.