Site icon Tin360

Úc cử máy bay giám sát tới Biển Đông ngay sau sự cố nguy hiểm với Trung Quốc

Máy bay P-8 (bên trái) của Úc bị máy bay J-16 của Trung Quốc chặn đường, phát pháo sáng và thả vật nhọn trên Biển Đông vào tháng 5/2022 (ảnh chụp màn hình).

Máy bay P-8 (bên trái) của Úc bị máy bay J-16 của Trung Quốc chặn đường, phát pháo sáng và thả vật nhọn trên Biển Đông vào tháng 5/2022 (ảnh chụp màn hình).

Hãng tin ABC (Úc) sáng nay (23/6) đã tiết lộ thông tin mới về vụ Trung Quốc quấy nhiễu một máy bay quân sự Úc ở Biển Đông.

Vụ việc xảy ra gần một tháng trước, vào ngày 26/5. Khi đó một máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) đang làm nhiệm vụ giám sát hàng hải ở Biển Đông. Chiếc máy bay P-8 Poseidon xuất phát từ Căn cứ Không quân Clark ở Philippines và bay lên không phận quốc tế ở Biển Đông.

Sau đó, không quân Trung Quốc đã cử máy bay chiến đấu J-16 tới thực hiện một “vụ ngăn chặn nguy hiểm” đối với máy bay P-8 của Úc.

Đến đầu tháng 6, Bộ Quốc phòng Úc mới công bố vụ việc này. Thông báo cho biết máy bay P-8 Poseidon bị “một máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc ngăn chặn” khi đang “giám sát hàng hải thường lệ” trong không phận quốc tế ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles mô tả chiếc J-16 đã bay sát sườn máy bay P-8 Poseidon, trong khi thả pháo sáng, sau đó “tăng tốc và bay chắn ngang” phía trước của máy bay Úc.

Một chiếc chiến cơ J-16 của Trung Quốc thả pháo sáng (ảnh: The Drive).

Ông Marles cho biết: “Ngay lúc đó, máy bay Trung Quốc đã thả một gói các mảnh nhôm nhỏ, một số mảnh nhôm bị cuốn vào động cơ của máy bay P-8″.

Bộ Quốc phòng Úc từ chối thảo luận thêm về vụ việc. Tuy nhiên, theo ABC, dữ liệu chuyến bay mà hãng tin này thu thập được đã tiết lộ các tình tiết mới về sự cố trên.

Thông tin từ báo Úc về vụ Trung Quốc ngăn chặn máy bay giám sát Úc ở Biển Đông

Dữ liệu giám sát phụ thuộc tự động (ADS-B) cho thấy máy bay P-8 Poseidon mang số hiệu A47-008, đã rời căn cứ không quân Clark vào khoảng 11 giờ 23 phút sáng 26/5 theo giờ Canberra, thủ đô nước Úc.

Máy bay P-8 ban đầu bay hướng về phía tây nam Philippines tới Biển Đông, sau đó bay ra khỏi phạm vi theo dõi. Hơn ba giờ sau, chiếc P-8 bay quay trở lại sau cuộc chạm trán “nguy hiểm” với máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy máy bay P-8 của Úc rời căn cứ Clark ở Philippines, bay tới Biển Đông, và trở về sau sự cố với Trung Quốc (ảnh chụp màn hình ABC).

Dữ liệu ADS-B do nhà nghiên cứu người Canada Steffan Watkins tổng hợp cho thấy tổng thời lượng của P-8 là khoảng 5 giờ, trong đó có 3 giờ nằm “ngoài phạm vi” ở Biển Đông. Ông Watkins lưu ý rằng máy bay P-8 đã “không sử dụng 7700 [mã khẩn cấp] khi trở về, không có trường hợp khẩn cấp nào được tuyên bố”.

Dữ liệu ADS-B không theo dõi chính xác vị trí máy bay P-8 khi ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh tuyên bố máy bay Úc “gây nguy hiểm” cho chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc khi “tăng cường trinh sát cận cảnh không phận quần đảo Hoàng Sa”.

Một chiếc máy bay P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc (ảnh: Bộ Quốc phòng Úc).

Sau vụ chạm trán với máy bay Trung Quốc, máy bay A47-008 đã không thực hiện nhiệm vụ giám sát nào cho đến ngày 2/6. Nhưng Úc đã cử một chiếc P-8 Poseidon khác, mang số hiệu A47-007, để thực hiện nhiệm vụ giám sát ở Biển Đông vào ngày hôm sau.

Đến ngày 2/6, chiếc máy bay gặp sự cố (A47-008) đã trở lại hoạt động. Máy bay đã thực hiện hoạt động giám sát chung với Ấn Độ trên không phận của nước này.