Trong khi ông Lê Trung Thực khuyên ông Đoàn Ngọc Hải “hãy bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu và chơi thật lớn” thì cây bút Cường Phạm nhắn nhủ ông Hải trên VTC News rằng “cứ làm như bây giờ”.
Với những chuyến xe chở người bệnh nghèo về quê miễn phí, việc làm từ thiện của ông Đoàn Ngọc Hải thời gian qua đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trong các ý kiến, thì sự cảm phục dành cho ông Hải là đồng nhất, nhưng góp ý về “con đường hành hiệp” cho cựu Phó Chủ tịch quận 1 Sài Gòn, thì có nhiều ý kiến khác nhau.
Trong bài “Phải chơi lớn, anh Đoàn Ngọc Hải ạ” đăng trên VTC, tác giả Lê Trung Thực cho rằng “một người lo bằng kho người làm”, và ông Hải nên phát huy vai trò thủ lĩnh. “Tôi rất cảm phục khi anh trực tiếp cầm vô lăng rong ruổi từ nam chí bắc để chở bệnh nhân nghèo miễn phí. Nhưng như vậy là chính anh đang lãng phí đi một người lo việc, trong khi người làm việc thì hiện nay không hề thiếu”.
Ông Thực cũng lo cho ông Hải: “Đó là chưa kể ai cũng có gia đình. Một người đàn ông dù có làm công việc gì chăng nữa cũng không nên rời xa gia đình quanh năm suốt tháng”.
Những ngày qua, nhiều mạnh thường quân xúc động vì nghĩa cử của ông Hải đã ngỏ ý chung tay ủng hộ xe cứu thương, xăng, tiền bạc… nhưng ông Hải lại từ chối vì quá tải và sợ bị hiểu lầm, tai tiếng.
Ông Thực khuyên ông Hải “ở đời cây ngay sẽ không sợ chết đứng. Anh hãy thay đổi cách làm với suy nghĩ lớn hơn, quyết liệt hơn và hãy bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu không đúng.
Anh hãy bắt đầu chơi lớn với một dự án khả thi. Thứ nhất, lập quỹ mang tên Đoàn Ngọc Hải với tiêu chí “rõ ràng, minh bạch và vì người nghèo”. Thứ hai, anh hãy làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là giám đốc điều hành quỹ, triển khai mọi công việc và đặt văn phòng ngay tại nhà riêng của mình”.
Bài viết ông Lê Trung Thực tạo ra làn sóng ủng hộ trên mạng xã hội. Nhiều người đồng cảm, muốn ông Hải “chơi lớn”! Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ (báo Soha) viết: “Ông Hải ạ, xe có người tặng, tiền thì nếu ông mở lòng, sẽ rất nhiều người kết nối. Ông cứ làm đi, minh bạch tài chính, rồi kết nối với các bệnh viện nhờ anh em y bác sĩ hỗ trợ trong trường hợp cần. Tôi nghĩ họ sẽ sẵn lòng đồng hành với ông. Chứ có một ông Hải quận 1 và một xe cứu thương, không đủ để nắm lấy những đôi tay đang chới với cần chúng ta nắm.
Thêm nhiều ông Hải nữa đi. Tôi sẽ dành hẳn 1 tháng thu nhập của mình để ủng hộ ông, và kêu gọi người khác đồng hành cùng ông…
Hãy làm nhé ông Hải. Đừng để những thứ không đáng cản đường mình đi. Có một tổ xe tình thương dành cho bệnh nhân nghèo, đi đến đâu, chẳng phải mang hơi ấm tình người truyền năng lượng tích cực đến đó đấy thôi?”
“Anh Hải không cần chơi lớn”
Tuy nhiên, cũng có ý kiến như của tác giả Cường Phạm cho rằng, ông Hải hãy cứ làm độc lập như hiện nay.
“Tôi nghĩ, anh Đoàn Ngọc Hải không cần “chơi lớn”. Chỉ cần là việc từ thiện, cách làm nào cũng có khả năng gây ảnh hưởng riêng. Việc thiện không phân lớn nhỏ, hiệu quả của nó cũng không tính bằng số bệnh nhân nghèo được anh Hải giúp chở về là 10 người hay 10 nghìn người. Mặc dù mỗi lần anh ấy chỉ có thể chở 1 bệnh nhân thay vì nhiều người nếu làm việc có tổ chức, nhưng trên thực tế, trong những ngày này đang có hàng nghìn người cũng ra tay giúp người bệnh nghèo dưới ảnh hưởng của anh”, tác giả Cường Phạm viết.
Vẫn theo ông Cường: “Vả lại, làm việc thiện cũng nên tùy duyên, trong cái sự tùy duyên đó có cả yếu tố nguyện vọng cá nhân nữa. Có hàng vạn cách giúp đời, giúp người, mỗi người chọn lấy con đường đem lại cho mình cảm giác thanh thản nhất, thân tâm an lạc nhất. Anh Đoàn Ngọc Hải cũng vậy. Anh thấy hạnh phúc với việc tự mình chở bệnh nhân, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc của nhân sinh; cảm nhận niềm vui khi giúp được họ phần nào trong cảnh ngặt nghèo, sự hồi hộp, căng thẳng khi chạy đua với thời gian và cả nỗi day dứt khi không kịp đưa họ về nhà trước khi trút hơi thở cuối cùng, như có lần anh tâm sự. Chúng ta nên tôn trọng mong muốn của anh và cách anh làm”.
Tác giả đưa một góc nhìn khác về nội tâm ông Hải, ấy là khi làm quan chức, cựu Phó Chủ tịch quận 1 đã đảm nhận vai trò “người lo” thay cho cả “kho người làm”. Vì vậy, theo ông Cường: “Giờ anh muốn được rong ruổi một mình một ngựa, vừa giúp người vừa tìm vui cho tâm hồn mình, đừng đòi hỏi anh phải “chơi lớn”.