Hoa không chỉ đẹp mà còn có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt nhiều loài hoa còn giúp chị em phụ nữ trở nên xinh tươi hơn.
Loài hoa cúc: Thanh nhiệt, mát gan
Hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận. Công dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả. Chữa được các chứng huyết áp, đau đầu, mờ mắt. Hãm với nước chè uống thường xuyên giúp tăng tuổi thọ, lâu bạc râu tóc. Trẻ em không tiêu, đầy bụng, hoặc sốt cao dùng hoa cúc hãm với nước sôi uống mau khỏi.
Chữa tăng huyết áp:
Hoa cúc 10g, hoa hoè 6g, thảo quyết minh 10g. Cho vào 500ml sắc kỹ chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân (đậu phộng) 3g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày liền.
Loài hoa hồng: Hoạt huyết, lý khí, giải uất
Tính bình, trị nhiều bệnh như tim, thận, rối loạn thần kinh, ung thư,bệnh ho, chứng rối loạn nguyệt san… Ngoài ra hoa hồng còn là một dược liệu tốt trong việc làm đẹp của phụ nữ. Chữa các bệnh về da, tăng độ đàn hồi, chữa thâm… và giúp da sáng, mịn.
Chữa ho cho trẻ nhỏ:
Dùng cánh hoa hồng trắng chưng với đường phèn, cho trẻ uống ít một sẽ khỏi. Giã chúng với mật ong sẽ chữa được bệnh miệng lưỡi lở loét. Ngoài ra, tinh dầu hoa hồng còn dùng để chữa bệnh đau mắt, đau dạ dày. Gần đây, khoa học đã chiết xuất được từ hoa hồng hợp chất có tác dụng ngăn cơn hen.
Loài hoa sứ (hoa đại): Hạ huyết áp
Hoa đại có tác dụng thông phế khí, tiêu đàm, thanh nhiệt, giải độc… Hoa đại phơi khô dùng làm thuốc chữa ho, kiết lị, đi lỏng, cao huyết áp…
Chữa cao huyết áp:
Sử dụng 12 – 20g hoa đại khô, sắc lấy nước uống hàng ngày.
Lá hoa đại giã nhỏ đắp vào chỗ đau, chữa chứng bong gân sẽ rất dễ chịu và khỏi dần.
Hoa khế: Thanh nhiệt, tiêu đờm và nhuận phế
Vị chua, chát, tính bình. Có công dụng bổ thận, sinh tinh, nhuận phế tiêu đờm.
Chữa chứng ho khan, ho có đờm, kiết lị
Lấy hoa khế tẩm nước gừng, sao rồi sắc uống.
Hạ huyết áp
Lấy 100g hoa khế (loại khế chua), một quả tim lợn 100 – 200g bổ đôi, cho hoa khế vào đầy quả tim rồi buộc lại bằng lạt tre. Lấy thêm hoa khế phủ kín ngoài quả tim, đem đun cách thủy cho tới khi quả tim chín. Ăn tất cả tim, hoa khế một lần vào lúc đói. Sau ba ngày ăn lại một quả như trên. Sáu tháng lại ăn tiếp một đợt hai quả như đợt một… Cho đến khi huyết áp xuống bình thường và ổn định mới thôi.
Loài hoa atisô: Thảo dược quý
Chứa protein, lipid, glucid (chủ yếu là inulaza rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường). Ngoài ra còn có mangan, sắt, các vitamin A, B1, B2 và vitamin C… Giúp ăn ngon, bổ tâm can, lọc máu giải độc. Dùng hoa atisô cắt nhỏ, hầm với xương, thịt heo hoặc thịt bò bồi bổ sức khỏe.
Tăng cường chức năng gan:
Hoa atiso ngâm rửa rồi giã nhỏ ép lấy 100ml nước. Gan rửa sạch cắt miếng vừa ăn. Đun sôi nước atiso sau đó cho gan vào đun sôi 20 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Món này có thể ăn kèm với cơm, bún. Ăn liên tục trong 10 ngày là bạn đã giúp lá gan lọc bỏ đi khá nhiều độc tố.
Giảm cholesterol trong máu:
Hoa atiso, cà rốt, khoai tây rửa sạch cắt miếng nhỏ. Xương chặt khúc rửa sạch đem hầm 45 phút. Khi xương mềm cho cà rốt, khoai tây, atiso vào nấu cùng rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Ăn liên tục trong 5 ngày.
Loài hoa gạo (mộc miên): Tiêu viêm, giải độc…
Vị đắng chát, hơi ngọt, tính mát. Tác dụng làm se, tiêu viêm, giải độc, sát khuẩn, thông huyết…
Trị ho khạc nhiều đờm:
Lấy 15g hoa gạo, rau diếp cá 15g, tang bạch bì 10g, sắc uống.
Trẻ em sốt cao:
Lấy 6g hoa gạo, sắc kỹ, chế thêm chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.
Chữa mụn nhọt sưng tấy:
Lấy hoa gạo tươi, giã nát đắp ngày 1 – 2 lần sẽ đỡ đau nhức, chóng khỏi.
Chữa tiêu chảy, kiết lị:
Dùng 20 – 30g hoa gạo thái mỏng, sao vàng, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang, chia 2 lần.
Bồ công anh: Thanh nhiệt, giải độc, hóa thấp…
Bồ công anh có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Bồ công anh chứa nhiều chất dinh dưỡng, tinh bột, chất béo, vitamin A, B, C… Cùng các nguyên tố magie, canxi, sắt… Điều trị các bệnh như mắt đau sưng đỏ, mụn nhọt, viêm họng, đau dạ dày, viêm phổi phế quản, viêm gan,…
Trị đau dạ dày
Lá bồ công anh khô 25g, khôi tía khô 20g, khổ sâm khô 15g. Đun nhỏ lửa, 1 lít nước, cạn còn khoảng 300ml thì lọc lấy nước uống trong ngày. Sắc uống liên tục 10 ngày, nghỉ 3 ngày, kiên trì đến khi khỏi.
Chữa tắc tia sữa:
Lấy 20g lá bồ công anh khô đun nước uống hàng ngày. Hoặc lấy 40g lá bồ công anh tươi thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống. Còn phần bã dùng để đắp lên nơi vú sưng đau. Dùng 2-3 lần là sẽ khỏi ngay.
Hỗ trợ điều trị ung thư:
Dùng rễ bồ công anh 25g, lá bồ công anh 25g, cây xạ đen 45g sắc với 1 lít nước. Dùng để uống hàng ngày, mỗi ngày 2 lần.
Loài hoa sen: Thanh tâm khứ nhiệt
Hoa sen vị đắng pha ngọt, tính mát, không độc, chủ thanh tâm, mát máu, giải nhiệt độc.
Nhiều món ăn bài thuốc được chế biến từ sen có hiệu nghiệm. Ví dụ như: cảm cúm, mất ngủ, mụn nhọt…
Trị mất ngủ, giải nhiệt:
Dùng 6g – 12g tâm sen rang vàng sắc với 2 bát nước còn 1 bát, uống thay nước chè.
Người nóng, nổi nhọt:
Hoa sen tươi 50g hoặc 30g loại khô, đường phèn 20g đem sắc uống thay trà thường xuyên.
Hoa sen có nhiều tác dụng trong làm đẹp và tăng cường sức khỏe. Hoa sen giúp thư giãn tinh thần, tẩy tế bào chết, giúp máu lưu thông hiệu quả,…
Trị tàn nhang:
Để hạn chế những vết sạm nám trên da bạn dùng đều đặn nước ép ngó sen. Làn da sẽ được cải thiện và sáng dần lên.
Kim ngân: Thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt
Hoà một vài giọt tinh dầu hoa kim ngân với nước và súc miệng giảm đau họng. Loại hoa này còn được xem là giải pháp chữa trị hiệu quả đối với viêm nhiễm. Lá và thân của hoa kim ngân còn được dùng để chữa bệnh viêm khớp, sốt xuất huyết.
Chữa sốt xuất huyết:
Kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm khớp dạng thấp:
Kim ngân hoa 20g, thạch cao 40g, tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g; thương truật 8g; quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.
Loài hoa mận: Hoạt huyết, tán ứ, lợi thuỷ
Không chỉ được dùng làm thuốc trị ho, tiêu chảy, nhiễm trùng phổi mà còn được sử dụng như một loại mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ.
Chữa nhiễm trùng phổi
Dùng một nhúm hoa mận tươi (lượng tùy ý) và đun cùng nước nóng. Sau đó dùng một chiếc chăn trùm kín người cùng nồi nước hoa mận để xông. Đây là cách chữa bệnh nhiễm trùng phổi khá đơn giản nhưng hiệu quả.
Dưỡng da, trị nám, tàn nhang:
Hoa mận, hoa lê, hoa sen trắng, hoa sen đỏ mỗi thứ 18g; hoa đào, hoa đu đủ, đinh hương, trầm hương, mộc hương, hoạt thạch, mỗi thứ 9g; bột trân châu 6g; bột đậu nành 35g. Tất cả sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần
Loài hoa hướng dương: Hạ huyết áp, giảm đau
Loại nước được pha từ cây hoa hướng dương có tác dụng làm giảm các cơn đau bụng kinh. Giảm bớt các khối u, vết loét trên cơ thể. Súc miệng bằng nước ép hoa hướng dương cũng giúp làm dịu sưng, viêm họng. Đây còn được xem là một cách trị những vết thương do bệnh ung thư gây ra.
Chữa tăng huyết áp:
Hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Hoa hướng dương và râu ngô cho cùng nước sắc lấy 200ml. Cho đường vào quấy đều chia làm ba lần uống trong ngày. Uống 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày, giữa các đợt cần nghỉ 5 ngày.
Chữa sốt:
Hoa hướng dương 60g, hà thủ ô 50g, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần.
Loài hoa dừa cạn: Hoạt huyết, thông tiểu
Là loại hoa dân giã, mộc mạc. Hoa dừa cạn điều trị được một số bệnh nội khoa như đái tháo đường, tiểu tiện ra máu. Ngoài ra hoa dừa cạn còn chống được sự gia tăng các tế bào ung thư. Hoa còn chống viêm, hạ áp, chữa được các bệnh như bệnh trĩ, tăng huyết áp, vàng da,…
Dùng cho bệnh nhân ung thư:
Dừa cạn 15g, cây xạ đen 30g. Sắc với 1 lít nước, sắc cạn còn 700ml chia 3 lần uống sau bữa ăn 30 phút.
Trị bệnh bạch cầu lymphô cấp:
Dùng 15g dừa cạn sắc nước uống. Ta đã chiết được vinblastin từ lá Dừa cạn và dưới dạng thuốc tiêm vinblastin sulfat để chữa bệnh này.
Trị huyết áp cao:
Hoa dừa cạn 12g, Hy thiêm 9g, Thảo quyết minh 6g và Bạch cúc 6g, sắc uống.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:
Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn, tán vụn trộn đều (bảo quản trong hộp kín tránh ẩm).Ngày dùng 40g. Hãm với 1 lít nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Dùng uống thay nước trong ngày.
Loài hoa ngọc lan: Tiêu đờm, ích phế hòa khí
Có vị cay, tính ôn. Chủ trị: ho, đau bụng kinh, chữa viêm xoang,… Còn dùng để pha trà với mục đích giúp cơ thể thanh nhiệt, giải khát. Hoa ngọc lan cũng có công hiệu giúp da trắng và mịn hơn.
Hỗ trợ điều trị viêm phế quản:
Hoa ngọc lan 7 cái, hoa hồng bạch 5 hoa, mật ong 15ml. Cho tất cả vào bát hấp cách thủy, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống 7-10 ngày.
Nhuận da, kích thích tiêu hóa:
Hoa ngọc lan 6g, 1 thìa trà xanh. Hoa ngọc lan rửa sạch bằng nước muối, vẩy cho ráo nước, để vào bát. Rót nước sôi vào bát, sau đó cho trà xanh vào. Hãm uống thay trà trong ngày
Loài hoa đào: Hoạt huyết, nhuận tràng
Hoa đào có vị đắng, tính bình và hoàn toàn lành tính. Các chất có trong hoa đào dễ dàng đi vào ba đường kinh Tâm, Can, Vị. Công dụng lợi thuỷ, thông tiện, hoạt huyết. Đông y dùng chữa những căn bệnh như thuỷ thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, sỏi thận, kinh bế, tâm phúc thống… Hoa đào còn được xem là một loại thần dược cho sắc đẹp. Một số bài thuốc từ hoa đào còn có thể chữa các bệnh như đau tim, rụng tóc, hói đầu, chữa các vết sạm, nám, giảm cân,…
Trị thủy thũng:
Hoa đào lượng vừa đủ, nghiền bột mỗi lần lấy 6g cho vào nước cháo loãng, uống lúc đói. Ngày 3 lần hoặc nấu cháo hoa đào ăn.
Trị bế kinh:
Hoa đào 25g ngâm vào 250ml rượu trong 1 tuần. Mỗi lần uống 10ml hòa với nước ấm.
Hoa đào 10g cho vào cơm rượu 50g trộn đều, chưng cách thủy cho nhừ. Ăn cả cơm và hoa, dùng 1 lần trong ngày, liền 1 tuần.
Trị sỏi thận:
Hoa đào, hổ phách lượng bằng nhau. Nghiền hoa đào trộn đều với hổ phách mỗi lần 6g cho vào 1 tô lớn nước, nấu trong nửa giờ, lọc lấy nước uống ngày 2 lần.
Loài hoa thiên lý: Thanh nhiệt, giải độc
Chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể như vitamin C, B1, B2, canxi, sắt, kẽm,… Hoa thiên lý có tác dụng giúp trẻ mau phát triển, người già tăng cường sức khỏe và tăng độ dẻo dai cho cơ thể. Bên cạnh đó, hoa thiên lý còn trị các bệnh như mất ngủ, rôm sảy, đau nhức xương cốt…
Chữa mất ngủ:
Thiên lý kết hợp lá vông nem, mỗi loại 30 – 50g, rửa sạch nấu canh. Dùng liên tục trong vòng 1 tuần. Có thể cho thêm thịt lợn hoặc cá diếc ăn để bồi bổ sức khỏe, giúp an thần chống mất ngủ.
Hỗ trợ giảm cân:
Hoa thiên lý rất tốt cho việc giảm cân. Trong thành phần hoa thiên lý chứa nhiều chất xơ, chất diệp lục và rất ít calo. Món ăn chế biến từ hoa thiên lý hạn chế khả năng hấp thụ chất béo, giảm cân rất hiệu quả.
Loài hoa sữa: Thanh nhiệt, giải độc
Có vị đắng, tính lạnh, giúp thanh nhiệt giải độc. Chủ trị các bệnh như bệnh suyễn, chữa đau răng, nôn mửa, thiếu máu do hóa trị liệu,… Hoa sữa cũng giúp cơ thể phục hồi và có tác dụng bồi bổ cho người gầy, thiếu máu, ăn kém,…
Nước sắc đặc vỏ cây sữa dùng ngâm chữa đau răng, đắp lở loét.
Chữa bạch huyết cấp – kèm ho hen:
Vỏ sữa 15g, tử thảo 15g, ngũ vị tử 15g, anh túc xác 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Nôn mửa, thiếu máu do hóa trị liệu:
Lá sữa 20g sao vàng sắc uống