Tính đến 17h ngày 20/9, bão số 5 đã khiến 6 người tử vong, 112 người bị thương, làm hỏng hơn 22.000 ngôi nhà và khiến 13 nhà sập hoàn toàn.
Số liệu trên là thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ngoài ra, bão số 5 còn làm gần 4.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 105 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại. Bão đã làm 16,5 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở, trong đó 6,2 km bờ biển ăn sâu từ 5 – 10 m…
Bão còn làm 217 cột điện bị gãy đổ; 7 trạm biến áp hư hỏng; 43 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ (tại Thừa Thiên Huế); 25 km đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng đất đá khoảng 11.000m3.
Đáng nói, bão số 5 đổ bộ vào miền Trung làm nhiều cột điện ở TP. Đà Nẵng gãy đổ, lộ ra bên trong không có cốt sắt hoặc có thì kích thước rất nhỏ. Vào 20/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã lên tiếng về vụ việc này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (thuộc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1) cho biết do có nhiều tải trọng bất lợi khác nhau, không thể dự báo trước tác động lên cột điện bê tông như: cây đổ, vật cản nặng tác dụng lên cột… Những nguyên nhân này đều có thể gây gãy, đổ cột điện.
Theo ông Hùng, trước hết, EVN cũng cần phải kiểm tra xem cột điện đổ là cột điện bê tông ứng lực trước hay bê tông thường không ứng lực trước. Cột điện bê tông ly tâm ở Việt Nam được chế tạo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN: 5847-2016, áp dụng cho các loại cột điện bê tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm. Nếu là bê tông ly tâm ứng lực trước thì khi sản xuất, cốt thép được căng trước. Khi cột điện gãy, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê-tông với độ sâu khoảng 1cm.
Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê tông. Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê-tông này cũng tương tự như vậy.