Site icon Tin360

Bán trái phép hơn 2,5 hecta rừng phòng hộ trước khi sáp nhập

Rừng phòng hộ ven biển ở thôn An Lộc bị chặt hạ. (Ảnh VnExpress))

Chỉ một tháng trước khi xã Quảng Công (Thừa Thiên Huế) sáp nhập vào phường mới, chính quyền cũ đã tự ý bán trái phép 3,1 ha rừng keo, trong đó có hơn 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển – khu vực từng là điểm nóng về sạt lở. Vụ việc đang bị kiểm lâm điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Tự ý thanh lý rừng phòng hộ giá chỉ 20 triệu đồng

Ngày 11/7, Chi cục Kiểm lâm TP Huế phối hợp với Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc đã làm việc với UBND phường Phong Quảng (được sáp nhập từ xã Quảng Công cũ) về việc hơn 2,5 ha rừng phòng hộ tại thôn An Lộc bị cưa hạ không phép.

Ông Nguyễn Đình Thông – Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng, nguyên Chủ tịch xã Quảng Công – xác nhận: Ban Thường vụ xã Quảng Công cũ đã thống nhất bán 3,1 ha rừng keo lưỡi liềm tại đồi cát ven biển, trong đó có 2,5 ha là rừng phòng hộ. Việc bán diễn ra cuối tháng 4, đầu tháng 5/2025 với giá chỉ 20 triệu đồng, ngay trước thời điểm sáp nhập xã.

“Nhầm lẫn rừng sản xuất”: Lý do xã cũ đưa ra

Ông Thông cho biết, khu vực rừng nói trên từng được giao cho dân chăm sóc, sau đó xã quản lý. Sau mùa mưa bão 2024, nhiều cây gãy đổ, xã kiểm đếm rồi xin huyện Quảng Điền cũ cho thanh lý để trồng lại. Toàn bộ số tiền bán gỗ được dùng để trả công chăm sóc và mua giống cây.

Vị này lý giải: “Chúng tôi cứ nghĩ đó là rừng sản xuất chứ không biết là rừng phòng hộ. Không có mốc giới hay biển báo gì rõ ràng. Nếu Hạt Kiểm lâm bàn giao cụ thể, xã đã không làm như vậy”.

Kiểm lâm: Xã được yêu cầu bảo vệ, không có phép chặt hạ

Trái với lời phân trần của ông Thông, đại diện Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc TP Huế cho biết, cuối tháng 4/2025, đơn vị đã cùng xã Quảng Công và đại diện phòng chuyên môn kiểm tra thực địa một số lô rừng phòng hộ, trong đó có lô 152 tại tiểu khu 89. Biên bản kiểm tra nêu rõ: “Yêu cầu tăng cường giám sát, chưa phát hiện khai thác” – tức không có chuyện cho phép thanh lý.

Tuy nhiên, đầu tháng 7, lực lượng kiểm lâm quay lại và phát hiện hàng loạt cây keo tại các lô 152, 161 (khoảnh 1) đã bị cưa sát gốc. Gỗ đã được vận chuyển đi, chỉ còn lại cành khô, cây sâu bệnh.

Rừng phòng hộ ven biển ở thôn An Lộc trơ trọi cây. (Ảnh VnExpress))

Hơn 1.400 cây bị đốn, sát khu dân cư tái định cư

Tổng diện tích rừng bị chặt là 3,1 ha, trong đó rừng phòng hộ chiếm hơn 2,5 ha, còn lại là rừng sản xuất. Qua kiểm đếm, 1.461 cây keo bị cưa hạ, đường kính từ 6 – 30 cm. Vị trí rừng nằm gần khu tái định cư mới của người dân thôn An Lộc – nơi từng di dời vì sạt lở nghiêm trọng.

Điều đáng nói, sau khi dân được bố trí tái định cư, chính quyền xã Quảng Công cũ lại cho phép xây dựng homestay, nhà hàng trên khu đất vốn sạt lở. Mặc dù huyện Quảng Điền yêu cầu ngừng hoạt động, một số cơ sở vẫn tiếp tục mở rộng.

Điều tra mở rộng, xác định sai phạm

Chi cục trưởng Kiểm lâm TP Huế – ông Lê Ngọc Tuấn – khẳng định: Việc tự ý thanh lý rừng, dù nghèo, cũng phải có hồ sơ trình cấp có thẩm quyền, đấu giá công khai. Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ danh sách các cá nhân liên quan đến quyết định sai phạm này.

Theo: VnExpress