Theo báo Dân Trí, Sở Y tế TP.HCM mới đây đã lên tiếng về việc các bệnh viện trở thành “con nợ trăm tỷ” vì kinh phí chống dịch Covid-19.
Do các bệnh viện chưa được giải ngân chi phí chống dịch, một số bệnh viện buộc phải “năn nỉ” các công ty tiếp tục cung ứng suất ăn, thuốc, vật tư điều trị,… để phục vụ các bệnh nhân Covid-19. Số tiền nợ của một bệnh viện có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, nói với phóng viên Dân Trí rằng Phòng Kế hoạch – Tài chính của Sở đang làm việc với các bệnh viện về việc giải ngân tiền chống dịch.
Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết vấn đề này hiện “hơi căng” trong tình hình hiện nay.
“Đây là vấn đề không nhỏ. Tất cả quy chế chi tiêu, thanh quyết toán thuộc về chức năng của Phòng Kế hoạch – Tài chính”, bà Mai cho biết.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Phòng sẽ nắm bắt tình hình các bệnh viện khó khăn thế nào, từ đó “tham mưu cụ thể cho ban giám đốc”.
Theo Dân Trí, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức), đơn vị hiện quản lý bệnh viện dã chiến số 3, cho biết tổng kinh phí chống dịch mà bệnh viện tiêu tốn đến nay là khoảng 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, bệnh viện mới chỉ được giải ngân 101 tỷ đồng. Bệnh viện đã trình UBND thành phố Thủ Đức và Sở Y tế TP.HCM để xin được cấp 132 tỷ đồng “trả nợ”, nhưng không biết khi nào mới được cấp tiền có.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, tính đến cuối tháng 11 năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nợ của bệnh viện 44 tỷ đồng. Bệnh viên đã chi khoảng 45 tỷ tiền chống dịch, nhưng mới chỉ được giải ngân 11 tỷ. Không có tiền, bệnh viện không biết lấy gì để lo cho 1.300 nhân viên, trong khi Tết đang đến gần, nên tình hình rất căng thẳng.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị vừa thành lập khoa Covid-19 và quản lý bệnh viện dã chiến Củ Chi. PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện, cho biết tổng số tiền chống dịch mà bệnh viện đã chi là hơn 80 tỷ đồng.
Từ khi có kế hoạch xây dựng tòa mới, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã dự trù lượng bệnh nhân sẽ giảm từ 30-50%; nên cố gắng tích lũy nguồn kinh phí, dự phòng quỹ lương mấy năm nay.
Khi bắt đầu chống dịch, do ngân sách nhà nước chưa rót kịp, bệnh viện chủ động dùng nguồn quỹ của mình để lo trước, chờ lãnh tiền sau. Nhưng dịch kéo dài, các loại quỹ của bệnh viện gần như đã cạn hết, giờ bệnh viện lâm vào tình cảnh “trắng tay”.