22 năm qua, Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ một lần duy nhất chụp được bức ảnh hổ hoang dã. Từ đó, dù gắn thêm hàng trăm máy ảnh, không lần nào “chúa sơn lâm” bị lọt vào ống kính.
Theo Vietnamnet, 22 năm trước, chiếc máy ảnh bằng phim đã chụp được cá thể hổ đầu tiên vào lúc 1h30p ngày 21/12/1999. Chiếc máy ảnh bằng phim này được hỗ trợ từ cộng đồng châu Âu, do Vườn Quốc gia Pù Mát phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế thực hiện.
Trong bức hình duy nhất chụp được, con hổ hoang dã đã trưởng thành, có trọng lượng ước tính từ 150-170kg. “Bức ảnh, phim và máy ảnh tự động vẫn đang được lưu trữ tại kho tư liệu đơn vị. Đây là tấm hình duy nhất ở Việt Nam được chụp tự động về loài hổ sống trong tự nhiên. Tấm hình được chụp lúc hơn 1h30p sáng, chứng tỏ ban đêm hổ vẫn đi lại để săn mồi” – giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát kể.
Chiếc máy ảnh tự động này cũng rất “có duyên” với động vật hoang dã khi nó còn chụp được một con voi khác ở vị trí cá thể hổ này đi qua. Vì lý do bảo mật, nên địa điểm cụ thể nơi chụp được cá thể hổ và voi thì lãnh đạo Vườn không tiết lộ.
Muốn có thêm tư liệu, nên từ năm 2018 đến 2020, Kiểm lâm ở Pù Mát đã đặt 617 lượt bẫy ảnh trong 200 chiếc máy chụp tự động. Trước đây, 1 tuần cán bộ kiểm lâm lại vào rừng thay pin máy ảnh một lần. Còn bây giờ, công nghệ máy ảnh hiện đại hơn nên lượng pin kéo dài lên đến 3 tháng mới phải vào rừng thay pin, chuyển đổi vị trí.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là từ đó đến nay chưa phát hiện thêm bất kỳ một cá thể hổ nào chụp lại từ máy ảnh tự động. Dù rằng người dân cho biết ở rừng Pù Mát, trong cánh rừng già vẫn còn dấu chân của hổ sinh sống, chủ yếu ở khu vực giáp ranh biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Việt Nam còn bao nhiêu con hổ hoang dã?
Theo BBC, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã cho biết, hiện hổ ở ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã bị tuyệt chủng.
Trong bài báo đăng tháng 11/2021, thì số lượng hổ hoang dã trên thế giới chỉ còn 3.900 con. Theo ông Thái, rất khó để đưa hổ đã nuôi dưỡng về tự nhiên để thành hổ hoang dã bởi nó đã mất đi các tập tính, bản năng tìm kiếm con mồi. Những con hổ nuôi được thả sẽ xu hướng quay về khu dân cư để bắt gia súc và cả con người làm thức ăn.
Một số trang trại nuôi hổ ở Việt Nam được cho là không đóng góp gì vào việc bảo tồn hổ. Hổ tại các trang trại này chủ yếu được nhập từ Lào. Sống trong môi trường chật hẹp, ăn thức ăn không phù hợp, hổ nuôi thường mắc nhiều bệnh và không thể thả về tự nhiên.
Ở Việt Nam, hổ chủ yếu được mua để lấy cao nấu xương. Giá cao hổ hiện nay rao bán trên thị trường khoảng 1000 đôla/lạng.