Sau khi bước đầu kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, Cộng hòa Séc, Italy, New Zealand, Đan Mạch, và sắp tới là Đức là những quốc gia phương tây đầu tiên nới lỏng lệnh hạn chế đối với các hoạt động thường nhật của người dân.
Ngày 20/4, Chính phủ cộng hòa Séc đã cho người dân ở đây có thể đến mua sắm tại các cửa hàng, chơi tennis và bơi lội, trong khi người dân nước Italy có thể tới tiệm sách, tiệm giặt là.
Ngày 20/4, sinh viên tại Na Uy cũng đã trở lại trường học, trong khi sinh viên Đan Mạch sẽ đến trường vào ngày 22/4.
Theo đó, trong một thông báo của thủ tướng Angela Merkel ngày 15/04, nước Đức – vốn đã bước vào suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ cho mở lại nhiều công ty và cơ sở không thiết yếu kể từ ngày 20/4, và các trường đến cấp trung học sẽ bắt đầu mở lại từ ngày 4/5.
Nhưng thủ tướng Merkel cảnh báo ngay là chiến thắng tạm thời của Đức trước COVID-19 còn rất “mỏng manh”, cho nên bà quyết định tiếp tục vẫn cấm các cuộc tụ tập đông người, cũng như các cuộc thi thể thao và các buổi trình diễn ca nhạc.
New Zealand theo đuổi chiến lược “sớm và quyết liệt”, đã tiến hành đóng cửa biên giới và phong toả đất nước ngay từ khi số ca nhiễm còn ở mức thấp. Kết quả là tỷ lệ lây nhiễm ở nước này giờ chỉ là 0,48 (1 người lây cho 0,48 người khác), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 2,5 trên toàn thế giới.
Ngày 20/4, New Zealand loan báo kế hoạch bắt đầu hoạt động trở lại sau một tháng đóng cửa từ ngày 27/4. Thủ tướng Jacida Ardern nói một số hạn chế sẽ được nới lỏng trong hai tuần lễ, đồng thời chính phủ của bà sẽ lượng giá tình hình và quyết định có cho phép thêm những sinh hoạt nữa hay không.
Trả lời phỏng vấn kênh CNN, Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia y tế toàn cầu làm việc tại Đại học Kinh tế Oxford Saïd chỉ ra rằng, các quốc gia chuẩn bị nới lỏng hạn chế đều có một điểm chung: Đây là những quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp dụng các lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cũng như nhanh chóng đẩy mạnh quy mô xét nghiệm COVID-19.
“Họ đều có những điểm chung này và kết quả là họ đã qua được đỉnh dịch. Số người tử vong liên quan đến COVID-19 tại những quốc gia này chỉ là hàng chục, hàng trăm thay vì hàng nghìn. Họ ở một vị trí tốt hơn nhờ sự chủ động của chính mình”, chuyên gia Peter lý giải.
Theo ông Peter, kế hoạch nới lỏng hạn chế từ từ mà các quốc gia nói trên thông báo “có vẻ hợp lý và thông minh”. Ông Peter nhận định “ Các nước nới lỏng lệnh phong tỏa là một quy trình diễn ra từ từ và họ sẽ phải học từng bước một. Họ phải theo dõi những ca mắc lệnh mới. Song nếu như nới lỏng quá và các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng vọt, họ có thể siết lại một chút. Đây là phương thức mà mỗi quốc gia phải làm khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế”.
Đối với những quốc gia còn lại, họ sẽ phải có đủ 3 điều kiện chung để tránh làn sóng COVID-19 thứ hai rồi mới có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa hay các biện pháp hạn chế. Đầu tiên, họ cần phải “làm phẳng đường cong” và số liệu cho thấy số ca mắc mới giảm dần. Thứ hai, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân của các nước cần có khả năng đối phó mà không cần dùng đến các biện pháp khủng hoảng như bệnh viện dã chiến. Thứ ba, họ cần có hệ thống xét nghiệm hàng loạt, theo dõi và cách ly người bệnh sớm trước khi họ lây nhiễm cho người khác.
Theo một nghiên cứu về dịch bệnh đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet, các tác giả khuyến cáo không nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn cầu cho đến khi tìm ra vaccine điều trị COVID-19.