Vị trí địa lý đã giúp Thái Lan và Việt Nam giành được phần lớn dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Trung Quốc. Nhưng nó cũng tạo ra khó khăn lớn cho kế hoạch của hai quốc gia, khi nạn buôn người vẫn diễn ra, đặc biệt là cả Việt Nam và Thái Lan đều có chung đường biên giới với Campuchia, theo Nikkei Asia.
Trong báo cáo mới nhất về Nạn buôn người, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hạ cấp Việt Nam và Campuchia xuống hạng cuối và đưa Indonesia vào danh sách theo dõi. Các chính phủ Đông Nam Á lo sợ mất vốn đầu tư và viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ, nên thường cố gắng đạt được cấp 1 hoặc cấp 2 trong bảng xếp hạng.
Trước nguy cơ rơi xuống bậc thứ ba, Thái Lan trong năm qua đã dành thời gian cải thiện sự phối hợp của các cơ quan và truy tố các quan chức đồng lõa với tội phạm buôn người.
Jaruwat Jinmonca, phó chủ tịch của Immanuel Foundation, một tổ chức phi chính phủ chống buôn người có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan), cho biết: “Bất cứ khi nào Mỹ nói về điều này, chính phủ Thái Lan sẽ có phản hồi và họ muốn làm việc chăm chỉ hơn. Nếu thứ hạng quá thấp, chính phủ sẽ đẩy nhanh công việc của họ.”
Nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng vì nạn buôn người
Khi sự quan tâm của doanh nghiệp đối với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị gia tăng, các nước phát triển ngày càng chú trọng giám sát các hành vi vi phạm nhân quyền. Tại Mỹ, một đạo luật từ năm 2016 quy định cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm được làm bằng lao động cưỡng bức. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ công bố lệnh cấm tương tự trong năm nay.
Liên quan đến vấn đề này, các quốc gia có nạn buôn người tồn tại có nguy cơ bị “gạt ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo ông Susumu Tanaka, nhà kinh tế cấp cao và lãnh đạo đơn vị kinh doanh và nhân quyền của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.
Tại Thái Lan, nạn buôn người di cư từ Lào, Việt Nam và Campuchia diễn ra tràn lan trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đánh bắt cá, du lịch và giải trí.
Thái Lan đã có bước tiến lớn, đó là thực thi các quy tắc chống lao động cưỡng bức, chống buôn người. Nhưng Thái Lan không thể làm gì được khi thiếu ý chí chính trị và nguồn lực của quốc gia láng giềng đông nam Campuchia, theo Nikkei.
Địa hình rộng mở, đồi núi và sông ngòi tạo nên đường biên giới dài 817 km, rất khó tuần tra và dễ qua lại. Campuchia đã bị hạ xuống Bậc 3 trong năm nay do tình trạng tham nhũng hoành hành tiếp tục cản trở các hoạt động chống buôn người.
Trường hợp của Việt Nam
Khi hạ cấp Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người, Mỹ cho rằng Hà Nội đã không làm đủ mức để xác định và giúp đỡ các nạn nhân.
Ngược lại, Việt Nam cho rằng báo cáo của Mỹ “chứa một số thông tin không chính xác và chưa đầy đủ”, chưa phản ánh được nỗ lực ngày càng tăng của Việt Nam.
Bài viết tiếng Anh của Nikkei Asia trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Việt Nam đã và đang theo dõi tình hình buôn bán người trong nước và xuyên biên giới để đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp”.
Ở Việt Nam, các quảng cáo mời gọi người đi làm việc ở nước ngoài khá đa dạng, từ các bài đăng trên Facebook, áp phích viết tay dán ở Đà Lạt, đến các biểu ngữ in hình Nhật Bản trên một con đường ở ngoại ô Hà Nội.
Nhiều người Việt Nam bị bán ra nước ngoài
Trong bài viết sáng nay (16/8), Nikkei cho biết nhiều trường hợp người Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài và phải làm việc trong môi trường lao động cưỡng bức.
Trong số đó, có anh Nam Thuy. Vào tháng 5, vì áp lực nợ nần, anh đã quyết dịnh bán nội tạng. Anh nói với Nikkei ở TP.HCM rằng anh đã nhảy lên một chiếc xe Huyndai với những người lạ vì nghĩ rằng họ sẽ giúp anh làm thủ tục bán nội tạng. Trên đường, anh thiếp đi, vài giờ sau thấy mình đang trên đường đến Campuchia. Anh đã bị mắc kẹt ở đó trong nhiều tháng.
Anh và hàng chục người Việt Nam khác buộc phải sử dụng danh tính giả trên mạng để lừa đảo mọi người. Mỗi người bị khoán doanh số lừa đảo khoảng 4.000 đô la, anh phải tham gia các cuộc trò chuyện để kêu gọi mọi người đầu tư vào các kế hoạch làm giàu nhanh chóng, từ đó lừa lấy tiền của họ.
“Nếu bạn không đạt được mục tiêu, họ sẽ sốc điện bạn, đánh đập bạn hoặc để bạn chết đói”, anh Thuy nói và kéo khẩu trang xuống, để lộ những chiếc răng bị gẫy mất.
Campuchia kìm hãm hoạt động chống buôn người
Nikkei cho biết, tại Thái Lan, chính phủ dễ dàng xác định danh tính của các nạn nhân và truy tìm tội phạm thông qua các tài khoản ngân hàng, dữ liệu internet. Nhưng điều này khó thực hiện khi các đối tác Campuchia không được trang bị hiện đại như vậy.
Hơn nữa, tình trạng tham nhũng cũng là yếu tố cản trở hoạt động chống buôn người. Tại Campuchia, tình trạng tham nhũng diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt ở Sihanoukville, nơi có khoảng 100 sòng bạc và nhiều khu bất động sản được tài trợ và điều hành bởi các doanh nhân Trung Quốc. Các báo cáo cho biết những cơ sở này là trung tâm của các hoạt động lừa đảo trên mạng mà những người như anh Nam Thuy bị cưỡng ép làm việc.
Có thể bạn quan tâm: