Nhiều người Trung Quốc đã bị chính những người đồng hương của mình lừa sang Campuchia qua đường Việt Nam trong những năm gần đây. Tại Campuchia, họ buộc phải tham gia các công ty chuyên lừa đảo người Hoa trên internet. Một số người trong cuộc đã chia sẻ với The Epoch Times về vấn đề này.

Luo Ding (người này dùng bút danh để bảo vệ danh tính của mình) là một trong những người chạy thoát khỏi mạng lưới lừa đảo của người Trung Quốc ở Campuchia.

Theo một báo cáo ngày 17/2 của tờ Southern Weekly (Trung Quốc), một trong những “đồng hương” của Luo đã thúc giục anh sang Campuchia làm đầu bếp vào cuối tháng 12 năm ngoái. Anh ta nói với Luo rằng mức lương cơ bản hàng tháng sẽ là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng Việt Nam), chưa kể hoa hồng nếu công việc kinh doanh thuận lợi.

Khi đó, Luo gặp khó khăn về mặt tài chính, nên đã chấp nhận lời đề nghị.

Hành trình vượt biên từ Trung Quốc, qua Việt Nam sang Campuchia

Để tránh sự kiểm tra của hải quan, gã “đồng hương” đã đưa lậu Luo và 4 người khác qua vượt biên qua 2 nước. Họ bắt đầu từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sang Việt Nam; sau đó đi qua các con đường núi để đến TP.HCM; và cuối cùng bắt ô tô đến Campuchia.

Sau khi đến Sihanoukville, “người đồng hương” đã đưa Luo đến một công ty đầu tư internet ở khu Royal Paradise. Hóa ra, công việc đầu bếp lại là “người xúc tiến đầu tư internet”. Lúc đó, Luo nhận ra mình đã bị lừa dối. Nhưng anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận công việc.

Thủ đoạn của các công ty lừa đảo

Cái gọi là công ty đầu tư internet thực chất là một công ty lừa đảo trên internet. Công việc “người xúc tiến đầu tư internet” thực chất là sử dụng các chiến thuật khác nhau trên mạng xã hội để thu hút những người Hoa khác trên khắp thế giới đầu tư tiền vào các dự án giả mạo, hoặc đánh bạc trên các trang web trò chơi trực tuyến.

Trong giai đoạn đầu, “người xúc tiến đầu tư” yêu cầu khách hàng mục tiêu bỏ một số tiền nhỏ, chẳng hạn như 500 nhân dân tệ hoặc 1.000 nhân dân tệ (khoảng 2-3,6 triệu đồng). Sau đó, khách hàng được trả lãi kịp thời, khiến nạn nhân cảm thấy phấn khởi và tin tưởng.

Khi có được lòng tin, “người xúc tiến” sẽ mời khách hàng đầu tư một khoản tiền lớn. Sau nhận được tiền, “người xúc tiến” cắt đứt liên lạc với khách hàng. Họ gọi thủ đoạn lừa đảo này là “giết lợn”.

Mỗi “nhân viên xúc tiến” trong nhóm của Luo được giao 10 điện thoại di động. Mỗi điện thoại có 1 tài khoản. Những người thực hiện tốt thì có 20 điện thoại. Để ngăn cảnh sát theo dõi họ, công ty đã mua một số lượng lớn thẻ điện thoại di động với chi phí thấp và thay đổi số điện thoại vài ngày một lần.

Các “nhân viên xúc tiến” phải trò chuyện trực tuyến cả ngày. Trên Internet, đàn ông có thể giả làm phụ nữ và phụ nữ có thể đóng giả nam giới. Luo nói anh bị giao chỉ tiêu là phải chào đón 50 người mỗi ngày và có thêm từ 5 đến 10 người bạn mới.

Các “nhân viên lừa đảo” bị ông chủ ngược đãi

Các “nhân viên xúc tiến đầu tư” đi lừa đảo người Hoa trên khắp thế giới. Nhưng chính bản thân họ thì bị các ông chủ ngược đãi.

Vào ngày đầu tiên đi làm của Luo, anh đã chứng kiến ​​người giám sát mắng mỏ hơn một chục nhân viên mới. Họ nói: “Các anh có hiểu các quy tắc không? Đã đến đây thì phải tuân lệnh, nếu không sẽ bị còng tay và bị giật điện”.

Khi vào trong khu nhà, Luo mất tất cả quyền tự do cá nhân và không được phép rời đi. Điện thoại của anh thì bị kiểm tra định kỳ.

Các nhân viên phải tối thiểu 12 giờ một ngày và được yêu cầu gửi ảnh chụp màn hình các công việc đang thực hiện. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, họ buộc phải làm thêm giờ. Một số người chỉ được ngủ ba đến bốn giờ mỗi đêm.

Lúc đầu, Luo được phân vào “nhóm Châu Âu và Châu Mỹ”, nhắm mục tiêu đến những người Trung Quốc sống ở Châu Âu và Châu Mỹ. Họ cũng có thiết bị dịch trong trường hợp gặp “khách hàng” nói tiếng Anh.

Chạy trốn

Vì Luo đánh máy chậm và không quen với máy tính, anh ta nhanh chóng bị chuyển sang một công việc khác. Đó là lừa đảo qua điện thoại. Vào những ngày bận rộn nhất của mình, anh đã gọi khoảng 1.000 cuộc điện thoại, và đã lừa được một số người.

Nhưng ông chủ vẫn không hài lòng với công việc của Luo. Sau đó, ông ta đã bán anh cho một công ty lừa đảo khác ở địa phương có tên là Old Peak.

Khi bị bán sang công ty khác, Luo đã tìm cơ hội để trốn thoát. Vào ngày 31/1, trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, anh đã có cơ hội chạy trốn. Luo thức đến khoảng 5 giờ sáng. Sau khi những người bạn cùng phòng ngủ say, anh vượt qua camera giám sát và chạy xuống con hẻm phía sau trụ sở công ty, vượt qua hàng rào thép gay và chạy lên sườn đồi.

Anh chạy mãi cho đến khi nhìn thấy một chiếc taxi ở cuối đường. Đến lúc đó anh mới cảm thấy chắc chắn rằng mình đã trốn thoát. Đó là “cơ hội duy nhất”, Luo nói.

Hoạt động lừa đảo chuyên nghiệp

Những kẻ lừa đảo ngày nay không còn là những tên côn đồ đường phố nữa. Họ nằm trong các công ty có tổ chức, quy mô lớn, có cơ sở vật chất được trang bị tốt và phân cấp rõ ràng.

Theo Zhao Song, người vẫn đang làm việc tại một công ty đầu tư internet, những công ty này có cấu trúc hoàn chỉnh, bao gồm các bộ phận kinh doanh, quản trị, dịch vụ khách hàng, hậu cần, v.v.

Cái gọi là bộ phận kinh doanh thực chất là cốt lõi của hoạt động lừa đảo. Nó thường được quản lý bởi một nhóm, với một người giám sát, trưởng nhóm và những người xúc tiến. Có thể có 3-5 người trong một nhóm; hoặc 8-10 trong một nhóm lớn hơn. Người giám sát báo cáo trực tiếp với sếp.

Các công ty lừa đảo như vậy hoạt động công khai ở Campuchia. Chúng nằm bên trong các khu công nghiệp, mà người dân địa phương gọi là “khu đầu tư Internet.

Chủ sở hữu và điều hành của các công ty này hầu hết là người Trung Quốc. Quy mô của các công ty từ 12 đến gần 200 người.

Bị thúc đẩy bởi lợi nhuận khổng lồ, các công ty này công khai thông tin để thu hút thêm lao động. Họ cũng mua nhân viên với giá 20.000 đến 30.000 đô la mỗi người.

Người Trung Quốc lừa bán đồng hương cho các công ty lừa đảo

Vì cám dỗ của đồng tiền, nhiều người trung gian đã lừa người hoặc bắt cóc người Trung Quốc, đưa họ vượt biên sang Campuchia để bán cho các công ty lừa đảo. Nạn nhân có thể là bạn bè, người quen, thậm chí cả người thân của họ.

Li Kai Xiang (bút danh), người đã trốn thoát sau khi bị bắt cóc ở Campuchia, nói với tờ Southern Weekend, một tuần báo của Trung Quốc, rằng anh ta sống trong một ký túc xá có rèm đen, cửa sổ và cửa ra vào ban công được bảo vệ bằng các thanh thép. Đèn của ký túc xá được bật sáng cả ngày lẫn đêm, nhưng nhìn từ bên ngoài, không ai có thể biết được rằng mọi người đang sống bên trong.

Những công nhân không đáp ứng tiêu chuẩn thực hiện hoặc tuân thủ các quy tắc thì bị đánh đập, điện giật và tiếp đất. Những người phụ nữ thậm chí còn bị đe dọa bán dâm.

Li Yayuan, một người đàn ông Trung Quốc khác mới trốn thoát, nói rằng anh không chịu hợp tác với công ty lừa đảo, nên cứ khoảng 6 tuần, anh lại bị hút 1.500 ml. Anh đã bị hút máu 7 lần. Lần cuối cùng trước khi trốn thoát, anh suýt chết vì bị hút quá nhiều máu.

Tuy nhiên, có báo cáo cho biết những người hợp tác với các công ty lừa đảo thì kiếm được rất nhiều tiền. Một số người bị lừa sang Campuchia, nhưng sau đó tự nguyện ở lại làm việc cho công ty lừa đảo, vì họ có thu nhập hàng tháng rất lớn.

Số lượng các vụ bắt cóc và lừa đảo ngày càng tăng ở Campuchia đã thu hút sự chú ý của những người Trung Quốc địa phương có ý thức về công lý.

Vào tháng 11 năm 2020, doanh nhân người Campuchia gốc Hoa Chan Poh Wing lần đầu tiên biết đến vấn đề này, sau khi ba người Trung Quốc nhờ ông giúp đỡ.

Ông Chan đã rất sốc trước những gì mình nghe được và ông đã bắt đầu một chiến dịch giải cứu. Cho đến nay, ông Chan và đội tình nguyện viên đã giải cứu hơn 300 người Trung Quốc khỏi Campuchia.