Sáng 6/7: Thêm 277 ca Covid-19; Chuyên gia giải thích vì sao một số F0 có thể điều trị tại nhà; Trung Quốc huy động quân đội tới biên giới Myanmar.
Tin trong nước:
Sáng 6/7: Thêm 277 ca Covid-19
Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 19 giờ 5/7 đến 6 giờ sáng nay (6/7), Việt Nam có thêm 277 ca mắc mới.
Các BN21036-21312 xuất hiện tại: TP. Hồ Chí Minh (230); Phú Yên (18); Đồng Nai (11); An Giang (10); Hưng Yên (5); Vĩnh Long (2); Hà Nam (1).
Trong đó, có 228 ca trong khu cách ly hoặc khu phong toả.
Vì sao F0 có thể điều trị tại nhà?
Báo Zing đưa tin, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), là một trong các chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam đề xuất phương án điều trị tại nhà đối với các F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Chuyên gia cho biết việc cácy ly mọi F0 dẫn đến quá tải hệ thống điều trị. Trong khi đó, 84% số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
PGS. TS Nhung cho biết: “Người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh rất nhẹ thường không cần can thiệp y tế mà chỉ cần theo dõi diễn biến sức khỏe. F0 không nhất định điều trị tại bệnh viện mà có thể cân nhắc tự cách ly tại nhà. Thay vào đó, hệ thống y tế cần tập trung F0 triệu chứng nặng, F0 có nguy cơ chuyển nặng cao”.
Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học 2 tuần
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội hôm 5/7 có tờ trình gửi UBND thành phố về việc đề nghị cho học sinh các cấp trở lại trường trong vòng 2 tuần để hoàn thành các công việc của năm học 2020-2021. Thời gian trở lại học từ ngày 10/7 đến hết ngày 24/7.
UBND thành phố chưa có quyết định về việc có phê duyệt tờ trình trên hay không.
Tin thế giới:
Trung Quốc huy động quân đội tới gần biên giới Myanmar
CNA sáng nay (6/7) có bài bình luận cho biết quân đội Trung Quốc đang huy động lực lượng tập trung tại Jiegao, một thị trấn biên giới với Myanmar.
Các nhà quan sát cho rằng động thái này là nhằm canh gác các đường ống Kyaukpyu, một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Myanmar.
Nhiều cuộc biểu tình xảy ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội nước này lật đổ chính quyền dân dự vào tháng 2/2021. Nhiều người cho rằng Trung Quốc đứng sau cuộc đảo chính này. Các nhà máy do Trung Quốc kiểm soát trở thành mục tiêu tấn công của các cuộc biểu tình.
Khảo sát: Đa số người dân thế giới phản cảm về Trung Quốc
Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết mức độ chán ghét chính quyền Trung Quốc đã tăng cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia trong cuộc khảo sát gần đây.
Rất ít người cho rằng chính quyền của ông Tập Cận Bình đang làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề của thế giới. (Chi tiết)