10.223 ca Covid-19, 139 người tử vong, F0 tại TP. HCM; Hàng trăm hộ dân bị cấm qua sông thu hoạch nông sản là những nội dung chi tiết bản tin tối nay 18/11.
- Hà Tĩnh: Trẻ mầm non tử vong do nuốt đinh vít
- Video: Sau tiếng nổ, một quả đồi đổ sập xuống, người dân la hét tháo chạy
- Quảng Nam: 25 học sinh là F0, một trường THPT thành điểm cách ly tập trung
Thêm 10.223 ca Covid-19
Trong 10.223 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 18/11 có 10.209 ca ở 60 tỉnh thành, tăng 370 ca so với hôm qua; 139 ca tử vong; 6.723 người khỏi.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (272), Tây Ninh (256), Hà Giang (101).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 90 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 23.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.065.469 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150 (bình quân cứ 1 triệu người có 10.812 ca nhiễm).
Hà Nội có thêm ổ dịch mới tại Chương Mỹ
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội tối 18/11, thành phố vừa xác định được 277 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 114 ca cộng đồng, 137 trường hợp ở khu cách ly và 26 người sống tại vùng phong tỏa.
Trong ngày thành phố có thêm ổ dịch mới tại thôn Mới, Tốt Động, Chương Mỹ. Từ ngày 17/11, ổ dịch này đã có tổng cộng 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, Hà Nội cũng ghi nhận số ca cộng đồng cao kỷ lục trong đợt dịch thứ 4, xem chi tiết báo Zing.
TP. HCM dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar
Chính quyền TP. HCM yêu cầu ngưng hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage sau 2 ngày cho phép mở ở các “vùng xanh” (cấp 1).
Quyết định trên được Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức nêu trong công văn gửi sở ngành và quận huyện ngày 18/11. Như vậy, tính đến nay, các dịch vụ karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage đã phải dừng hoạt động gần 7 tháng để phòng dịch, xem chi tiết báo VnExpress.
Hàng trăm hộ dân bị cấm qua sông thu hoạch nông sản
Sáng 18/11, hàng chục sà lan – phương tiện đưa người dân 2 xã Ia Khai và Ia Krái (huyện Ia Grai, Gia Lai) vượt hơn một km đường sông qua xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, Kon Tum) chăm sóc vườn rẫy, nằm im lìm bên bờ Sê San.
Lúa đã chín rộ, cỏ dại mọc um tùm trên rẫy, song người dân không thể chăm nom, thu hoạch. Nguyên do gần đây, chốt kiểm soát ở xã Ia Tơi siết chặt phòng dịch, cấm công dân từ Gia Lai sang địa bàn canh tác bằng đường sông.
Ông Ksor Hlêu (50 tuổi, làng Yom, xã Ia Khai) cho biết, một ha lúa đã chín rộ nhưng nhiều ngày qua gia đình ông phải ở nhà. Muốn sang Kon Tum thu hoạch, ông phải đi đường bộ qua chốt quốc lộ 14C, xa hơn 120 km, phải cách ly.
“Nếu không thu hoạch kịp, lúa bị con chim, con chuột ăn mất… Cả năm mới làm được một vụ lúa, nếu mất trắng lấy gì mà ăn”, ông Hlêu nói.
Để người dân đi lại thông suốt, từ tháng 9/2021 đến nay xã Ia Khai đã có 3-4 văn bản đề nghị chính quyền xã Ia Tơi và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) tạo điều kiện và nới lỏng khâu kiểm soát, song đến nay chưa được chấp thuận, xem chi tiết báo VnExpress.
Sau tiếng nổ, một quả đồi đổ sập xuống, người dân la hét tháo chạy
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, khoảng 8h sáng 18/11, một vụ sạt lở kèm theo tiếng nổ lớn đã xảy ra tại tổ Trung Thị, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.
Tại hiện trường một khối lượng lớn đất đá vùi lấp ngôi nhà anh Trần Hữu Phước (tổ Trung Thị). Anh Phước bị thương ở vùng mặt, được người dân đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, trụ điện trung thế 35kV ở đây cũng đổ sập vào nhà dân.
Ngoài ra, do mưa lớn nhiều ngày khiến nhiều tuyến đường dẫn vào khu vực xã Trà Leng, huyện Nam Trà My bị sạt lở, giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn. Hiện khoảng 597 hộ với hơn 2.800 khẩu đang bị cô lập…