Trong ngày cả Sài Gòn vội vã chuẩn bị đợt giãn mới, chị Lâm Kim Trang (27 tuổi) gặp nạn giữa đường nhưng may mắn được cứu gúp bởi những người xa lạ.
“Nếu mình không làm chuyện đó thì ai làm”
Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 7/7, sau khi nhận được thông tin TP. HCM áp dụng chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, chị Trang chạy xe máy đi mua thực phẩm. Đến đường Tạ Quang Bửu, quận 8 thì bất ngờ chị kiệt sức, ngồi bất động trên xe.
Trước đó, chị đã nhịn đói suốt một ngày. “Tôi chỉ nghe loáng thoáng giọng của một phụ nữ và một bạn trai, nói là đỡ dậy đi, đưa vào ghế, giờ còn sợ gì nữa, cứu người trước đã”, chị Kim Trang kể lại.
Lúc này, Phan Chấn Phong (21 tuổi) đang trông coi quán chè của gia đình thì phát hiện điều bất thường khi thấy chị Trang ngồi gục mặt trên đầu xe máy một lúc lâu không cử động. Sau đó, Phong cùng một người phụ nữ từ trong vỉa hè chạy ra để trợ giúp.
“Ban đầu tôi thấy chị ấy dừng xe lại nhưng vì chị vẫn ngồi trên xe, tôi lại đeo tai nghe và đang nói chuyện với bạn nên không để ý. Tôi tưởng chị đang đợi ai đó. Một lúc lâu sau tôi thấy hơi lạ, sao chị ấy ngồi lâu thế, quay ra thì vừa hay đầu chị ấy gục xuống. Cô bán nước gần đó nói cùng chạy ra xem coi người ta bị gì, còn sợ gì nữa, cứu nó đã, bế nó vô”, Phong chia sẻ.
Lúc Phong chạy ra, chị Trang đã không nhận thức được gì xung quanh. “Cô bán nước thì hối thúc tôi mau chóng bế chị đó vô. Thú thật tôi cũng sợ. Mặt chị Trang lúc ấy tái mét, nhìn như biểu hiện của người bị tai biến, đột quỵ nên tôi không dám chạm vào vì sợ tác động mạnh lên cơ thể sẽ gây nguy hiểm” – Phong kể và cho biết ông nội mình từng bị đột quỵ nên Phong cũng biết được một số kinh nghiệm.
Anh kể tiếp: “Tới khi chị ấy nhận thức được một chút, tôi đỡ chị vào ngồi trong quán. Một lúc sau chị tỉnh hơn và nói có lẽ do chị đói. Tôi chạy đi mua bánh mì, rồi gọi thêm cho chị ly nước mía uống. Chị ấy ăn nhanh lắm, ăn nhanh hơn tôi nữa. Sau đó chị hồng hào rồi khỏe hơn”.
“Tôi chỉ nghĩ nếu mình không làm chuyện đó thì ai làm lúc đó? Nếu xui, mình bị Covid-19 thì dù sao cũng còn trẻ khỏe, nó cũng sẽ đỡ hơn. Còn chị đó, nếu lỡ như chậm trễ 5, 10 phút, có gì đó xấu xảy ra thì còn tiếc hơn. Tôi cũng chỉ làm một việc ai trong tình huống đó cũng sẽ làm thôi”, anh chia sẻ.
Về phía chị Trang, sau khi ăn ổ bánh mì và trở về nhà, chị nhắn tin cảm ơn anh Phong và chị bán nước mía, đồng thời cho biết mình đã xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính để mọi người yên tâm.
“Đúng là Sài Gòn sẽ không bao giờ để mình đói. Thời điểm như này mà vẫn còn được giúp đỡ như thế thì tôi thật sự rất may mắn”, chị Kim Trang xúc động chia sẻ.
Và chuyện cứu người không quen biết trên đường Hà Nội
Tương tự như câu chuyện của chị Kim Trang, hồi tháng 1/2021, báo Soha đưa tin về một sự việc gây xúc động trên đường phố Hà Nội. Câu chuyện xảy ra khiến chị T.Q cảm thấy thật may mắn và ấm lòng.
Chị T.Q kể, vào một ngày cuối tháng 1, khi đang chạy xe máy trên đường về nhà vào khoảng gần 7 giờ tối thì chị bỗng cảm thấy đầu óc choáng váng vì bị tụt huyết áp. Sau đó, chị không may bị ngất xỉu, ngã xe xuống đường.
“Lúc đấy, có một bạn nam chạy ra nâng xe lên giúp mình, tháo mũ bảo hiểm, kéo khẩu trang với cởi bớt áo ngoài cho mình thở, miệng gọi: “Chị ơi, chị ơi!” xong ấn nhân trung cho cô tỉnh. Cậu ấy còn cẩn thận rút chìa khóa xe dúi vào tay mình nữa”, chị T.Q kể.
Không chỉ được nam thanh niên kể trên giúp đỡ, chị T.Q kể chị còn được nhiều người khác – dù chỉ là người lạ qua đường, chạy đến giúp.
“Chị thì bấm huyệt tay, cô thì pha trà gừng từ bên nhà đem ra cho mình uống. Cô sờ tay mình kêu: “Tay bạn này lạnh quá, chắc tụt đường huyết đây mà”, rồi cô hỏi: “Uống trà gừng nhé, cô pha”.
Cô còn hướng dẫn chị bên cạnh cách bấm huyệt, rồi dặn là đừng dùng dầu gió. Mình mới nhờ chị là:
– “Chị ơi, trong túi áo em có điện thoại”
– “Gọi về cho người nhà hả?”
– “Vâng.”
– “Chị gọi về cho mẹ em nhé?”. Chị gọi về nhà giúp xong thì chị đi mất luôn, mình còn chưa kịp nói lời cảm ơn.
Một chị khác đang đợi bus cũng ra đỡ mình ngồi dậy uống trà gừng, xoa xoa vỗ vỗ người mình nữa. Chị hỏi: “Bạn có đứng dậy được không, mình đỡ bạn vào trong kia ngồi nghỉ nhé, chỗ này ven đường hơi nguy hiểm.”
Nói xong dìu mình vào phía trong luôn. Mà điều mình để ý là bạn nam khi nãy vẫn đứng sau lưng mình để quan sát. Thế là bạn ấy dắt xe mình lên vỉa hè. Hai chị em ngồi xong xuôi rồi bạn ấy mới ra đợi bus tiếp”, chị T. Q kể về câu chuyên mình được những người không quen cứu giúp.