Giữa những phút giây tưởng chừng tuyệt vọng, anh nhìn thấy hình ảnh lạc quan của cụ bà đang được điều trị cùng phòng và cũng là động lực giúp anh vượt qua thời gian khó khăn này.
“Chàng trai chiến thắng Covid-19 ‘nhờ’ cụ bà 84 tuổi” là tiêu đề của bài viết được đăng tải trên báo VietNamNet của anh Phạm Quyết Thắng (30 tuổi, ngụ TP. HCM) trở về sau 24 ngày điều trị Covid-19.
Ngày 10/7, Thắng đến dãy trọ thu tiền phòng. Thường ngày, khi ra đường, Thắng đều đeo khẩu trang, tuân thủ quy tắc 5K. Thế nhưng hôm ấy, anh chủ quan, không chú ý phòng bệnh vì nghĩ rằng đang đến gặp những người thân quen.
Anh Thắng quên đeo khẩu trang và tiếp xúc với người nhiễm bệnh chỉ trong khoảng nửa phút rồi rời đi. Ba ngày sau, anh thấy đầu đau như búa bổ, sốt cao 38,5 – 39 độ và ngủ li bì.
Vì người anh tiếp xúc không biết bản thân nhiễm Covid-19 nên anh Thắng cũng không ngờ mình bị lây bệnh.
Nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh vì hay nằm gần quạt, anh Thắng không thông báo với nhân viên y tế. Anh kể: “Tôi uống 1 viên Panadol để hạ sốt. Hôm sau, tôi đỡ sốt nhưng đầu vẫn còn đau, hai mắt nóng như 2 hòn than”.
“Tra thông tin trên mạng, tôi thấy các triệu chứng này giống cảm cúm thông thường nên yên tâm và uống thêm 1 viên Panadol rồi ngủ tiếp. Ngày 16/7, tôi bàng hoàng khi được nhân viên y tế phường gọi điện thông báo dãy trọ của tôi có người dương tính với Sars-Cov-2. Lúc này, tôi mới xác định mình đã nhiễm Covid-19 chứ không phải cảm cúm thông thường”, anh kể thêm.
Nghe thông báo, anh Thắng hoang mang tột độ, thậm chí nghĩ đến việc mình sẽ chết. Anh nhanh chóng đến bệnh viện, tiến hành xét nghiệm và nhận kết quả dương tính. Thắng được đưa vào khu cách ly tạm thời để điều trị bệnh.
Bốn ngày sau, bệnh trở nặng, Thắng không chỉ sốt mà còn ho, đau rát họng. Anh nói, cổ họng đau đến nỗi việc ăn uống cũng trở thành cực hình. Khi nuốt bất cứ thứ gì, anh luôn có cảm giác cổ họng như bị gai nhọn đâm, xé rách toang.
Khi Thắng không còn cảm nhận được mùi vị, nhai ớt cũng không còn cảm giác cay, nhét dầu gió vào mũi cũng không bị sặc, anh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP. HCM) điều trị. Tại đây, anh bắt đầu hành trình đối đầu với Covid-19 để giành giật sự sống.
Anh Thắng nói rằng, những ngày đau tức ngực, anh không thể ngủ. Anh lo nghĩ rồi sợ. Đặc biệt, khi chứng kiến những bệnh nhân có tuổi chuyển nặng và có người gục ngã, anh càng thêm lo lắng. Thế rồi giữa những phút giây tưởng chừng tuyệt vọng, anh nhìn thấy hình ảnh lạc quan của cụ bà đang được điều trị cùng phòng.
Anh chia sẻ: “Cụ bà 84 tuổi rồi và cũng là F0 đang được điều trị như tôi. Thế nhưng, cụ không bao giờ tỏ ra mệt mỏi mà lúc nào cũng tươi vui, lạc quan. Điều này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bệnh nhân trong đó có tôi.
Tôi nghĩ rằng, cụ đã 84 tuổi mà vẫn yêu đời, vững tin vượt qua bệnh tật, những người trẻ như mình phải học tập và cố gắng để sớm khỏi bệnh. Từ đó, tôi luôn tin vào bản thân, tin vào các y bác sĩ và quyết tâm vượt qua bệnh tật”.
Ngày 4/8, sau khi đã 3 lần âm tính với Sars-Cov-2, Thắng được xuất viện về nhà để tự cách ly 14 ngày.
Sau khi bài viết được đăng tải lên báo VietNamNet nhiều độc giả đã để lại bình luận: “Tinh thần lạc quan là liều thuốc quý nhất trong mùa dịch dã thế này! Chúc mừng 2 bà cháu đã vượt qua dịch bệnh”; “Anh Thắng quá may mắn! hai bà cháu gắng nhé!”; “Chính sự lạc quan mới là liều thuốc chữa trị mọi căn bệnh”.
Báo VnExpress thông tin, sau 38 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP. HCM kéo dài đợt giãn cách thêm 1 tháng đến 15/9, với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” để phòng chống dịch.
Quyết định giãn cách được Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8, trong bối cảnh đô thị hơn 10 triệu dân trải qua 38 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 và ghi nhận 149.286 ca nhiễm. Trước đó, thành phố có 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15.