Site icon Tin360

Chính sách ‘mơ hồ chiến lược’ của Israel: bí ẩn vũ khí hạt nhân gây tranh cãi

Tiêm kích F-15 cất cánh từ căn cứ Tel Nor ở Israel ngày 1/1/2024. (Ảnh:Internet)

Israel duy trì chính sách mơ hồ chiến lược để giữ kín kho vũ khí hạt nhân trong khi phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Iran.

Bí mật hạt nhân của Israel và sự hình thành chính sách mơ hồ

Từ những năm 1950, Israel đã bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân như một biện pháp phòng thủ chiến lược trước các mối đe dọa từ khu vực Trung Đông. Dưới thời Thủ tướng David Ben-Gurion, nước này bí mật hợp tác với Pháp xây dựng lò phản ứng ở Negev, gần Dimona, và nhập khẩu nước nặng từ Na Uy.

Tuy nhiên, Israel không công khai về vũ khí hạt nhân của mình. Thay vào đó, nước này duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược”, từ chối xác nhận hay phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân – một chiến lược giúp họ né tránh các ràng buộc quốc tế như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Golda Meir năm 1969 đã chính thức “ngầm thỏa thuận” rằng Mỹ sẽ không ép buộc Israel ký NPT, đổi lại Israel giữ kín chương trình của mình.

Hệ thống tên lửa Jericho và năng lực răn đe của Israel

Theo báo cáo của SIPRI, Israel hiện sở hữu khoảng 90 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 30 quả bom trọng lực, 50 đầu đạn gắn trên tên lửa Jericho III và 10 tên lửa hành trình hạt nhân cho tàu ngầm.

Dòng tên lửa Jericho – từ Jericho I đến Jericho IV – được phát triển trong nhiều thập kỷ qua, với tầm bắn vươn tới cả Iran và Nga. Các căn cứ như Sdot Micha và Palmachim được cho là nơi thử nghiệm và lưu trữ các tên lửa này.

Ngoài ra, năm tàu ngầm lớp Dolphin, do Đức chế tạo, có khả năng mang tên lửa hạt nhân Popeye Turbo, giúp Israel duy trì năng lực tấn công hạt nhân từ biển – một yếu tố quan trọng trong chiến lược răn đe ba chiều (trên bộ, trên không và trên biển).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiểm tra tên lửa diệt hạm Gabriel V hồi năm 2018. (Ảnh: Intenet)

Mơ hồ chiến lược: lợi hay hại với khu vực?

Chiến lược mơ hồ giúp Israel duy trì ưu thế an ninh, nhưng cũng làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Việc Tel Aviv không ký NPT trong khi phản đối Iran có thể bị xem là tiêu chuẩn kép, khiến nỗ lực kiểm soát vũ khí ở Trung Đông thêm phức tạp.

Theo chuyên gia Nga Alexei Arbatov, sự thiếu minh bạch về kho vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Iran ngày càng leo thang. Sự “mập mờ” đó không chỉ là con dao hai lưỡi về ngoại giao mà còn là rủi ro chiến lược tiềm tàng.

Theo:Vnexpress