Tình cảm chân thành và bền chặt mà cụ ông độ tuổi U80 dành cho cụ bà khiến con cháu và nhiều người rơi nước mắt.
- Clip: Người phụ nữ suýt chui vào gầm ôtô tải sau cú va chạm với ‘người vận chuyển’
- Chồng nằm trên võng bên mộ của vợ đã mất 4 tuần khiến nhiều người xúc động
- Chuyến vượt cạn của cặp đôi cùng khuyết một chân: ‘Vợ chở chồng ôm giỏ đồ đi đẻ’
Đoạn clip ngắn ghi lại cảnh cụ ông 78 tuổi “khóc oà”, ôm chặt người vợ 71 tuổi của mình vừa trở về từ bệnh viện được cô cháu ngoại Phạm Huỳnh Anh Khuê (21 tuổi, quê Bình Phước) chia sẻ, khiến nhiều người cảm động tình cảm mà ông dành cho bà.
Clip cụ ông ôm chầm lấy cụ bà, “khóc huhu” khi bà bình phục trở về
Bên cạnh clip là dòng trạng thái và cũng là những cảm xúc của cô gái Anh Khuê gửi gắm đến bạn bè: “Hãy yêu thương những người bên cạnh như thể hôm nay là ngày cuối”.
Anh Khuê chia sẻ trên báo Tổ Quốc, khoảng 10 ngày trước bà ngoại cô vừa bị nhồi máu cơ tim. Ba mẹ cô sống gần ông bà, 9 giờ tối, ông ngoại gọi mẹ cô hốt hoảng “nhanh lên mẹ sắp đi rồi này!”. Ba mẹ cô đến ngay đưa bà đi cấp cứu. Mẹ Khuê kể là “lúc xuống nhà, bà đang khó thở lắm, đứng hay ngồi cũng không xong, đang ngồi ngả dựa còn ông thì ôm đỡ bà, mặt, môi bà tái đi hết cả”.
Trong những ngày bà cô nằm trong viện, ông ngoại đã rất lo lắng, sợ bà “không qua khỏi”. Ông dùng ipad gọi facetime cho cô, nói ở nhà rất buồn, “chỉ có 2 con chó mập chơi với ông”. Ông còn gọi cho dì, lo lắng bảo “chắc bả không qua khỏi”. Vì tối hôm đó diễn biến tệ quá mà!” cô cháu gái nói.
Không chỉ đợt này, mà với gia đình Anh Khuê, mọi người đều hiểu ông quan tâm đến bà như thế nào. Ai cũng nhớ lá thư mà ông viết động viên bà cách đây khoảng 7 năm. Hồi đó bà bệnh nặng và phải nằm viện mà ông không thể ở bên chăm sóc.
Trong thư có đoạn: “…Má con gái yên tâm trị bệnh, có các con luôn túc trực chăm sóc, có bác sĩ nhiệt tình, công việc nhà cửa có ba của con gái đảm đang. Mau lành bệnh về nhà, bây giờ nhà trống vắng, cô đơn, buồn lắm, mới viết vài dòng thấy lòng xúc động…”.
Theo Anh Khuê, thường ngày, ông bà ngoại cô cũng sống rất tình cảm, quan tâm chăm sóc nhau như vợ chồng son, mới cưới. Ông bà tự cắt tóc cho nhau, ông ngoại của cô luôn giành làm hết mọi việc nhà cửa, san sẻ công việc bếp núc, đi chợ để vợ không phải bận rộn quá nhiều.
Chia sẻ với phóng viên báo Thanh Niên, Khuê cho biết các anh chị em trong gia đình hay được nghe ông bà ngoại kể về chuyện tình của ông bà. Ngày xưa, ông bà cưới nhau chưa đầy 1 tuần đã phải xa nhau vì lúc đó vẫn có chiến tranh.
Tình cảm của ông bà ngày càng sâu đậm nhờ những lá thư tay và những bài thơ ông bà viết tặng nhau. Khuê cho biết người lớn trong nhà chẳng khi nào thấy ông bà cãi vã, to tiếng mà luôn dành cho nhau tình yêu thương chân thành và gắn bó không rời. Ông bà có 3 người con, nhưng quyết định sống riêng và tự chăm sóc nhau.
Sau khi được đăng tải, câu chuyện về tình cảm đặc biệt giữa hai ông bà đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo cư dân mạng. Nhiều người đã gửi lại những bình luận:
“Khâm phục tình cảm của ông bà, mặc dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi nhưng vẫn vẹn nguyên như ngày đầu”.
“Hy vọng ông bà sẽ cố gắng giữ sức khỏe để truyền cảm hứng cho con cháu con nhà và những thế hệ trẻ tụi con”.
“Câu chuyện thời này của các cụ mà như cổ tích. Yêu thương nhau trong sự trân trọng; chân thành mà không suồng sã”, một độc giả bình luận trên mạng xã hội. Người này cũng so sánh câu chuyện của các cụ với đạo nghĩa vợ chồng “tương kính như tân” của Khích Khuyết người nước Tấn thời Chu được kể lại trên Chánh Kiến.
Khích Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như hồi mới quen biết (tương kính như tân). Một ngày nọ, vợ của Khích Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho anh bằng cả hai tay, Khích Khuyết cũng không kèm phần cung kính chìa hai tay ra nhận thức ăn.
Ngay lúc đó, một vị quan triều đình tên Cửu Quý đi ngang qua và rất cảm phục khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cửu Quý liền bái kiến vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hết lời khen ngợi Khích Khuyết trước mặt nhà vua, ông còn tiến cử Khích Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia.
Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khích Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này.”
Lữ Khôn, học giả trứ danh ở triều Minh, thuyết rằng: “Một cặp vợ chồng nhìn thấy nhau mỗi ngày và hiểu quá rõ về nhau. Thế nhưng vợ chồng Khích Khuyết vẫn đối đãi với nhau bằng sự tôn kính chân thành ngay cả khi họ cùng ăn với nhau ba bữa một ngày. Một danh nhân xưa đã từng nói ‘Hôn nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự tôn trọng dành cho nhau.’ Khi gia đình xảy ra bất hòa, nguyên nhân luôn bắt nguồn từ việc không tuân theo lời răn dạy của cổ nhân, rằng vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau.”