Theo báo Người Lao Động, vào sáng 8/9, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai diễn ra phiên tòa phúc thẩm giữa ông Sỹ với Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (bị đơn).
Ông Sỹ đến tòa đúng 8h như giấy triệu tập của tòa, song ông ngồi đợi đến gần 10 giờ, phiên tòa vẫn chưa được mở. Lúc này thư ký tòa báo hoãn xử, với lý do là kiểm sát viên…bận ngồi một phiên xét xử khác.
Bức xúc vì tòa phúc thẩm hoãn quá nhiều lần, kéo dài quá lâu, ông Sỹ đã viết ngay một lá đơn khiếu nại ngay tại tòa bằng chữ viết tay, gửi trực tiếp cho Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai.
Có thể vì vậy, đến 10 giờ 30, phiên tòa tiếp tục được mở. Lúc này bất ngờ ông Sỹ tiếp tục đội đơn, quỳ xuống giữa tòa, xin được xét xử để kết thúc vụ kiện.
Tuy nhiên, một lần nữa, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tiếp tục đọc quyết định hoãn phiên tòa. Lý do là “bị đơn có đến tòa nhưng bị rối loạn tiêu hóa, không đủ sức khỏe nên đã nộp đơn xin hoãn xét xử”. Phiên xử dời đến ngày 25/9.
Việc ông Sỹ đi đến quyết định quỳ giữa tòa bởi vụ án này đã xét xử kéo dài đến… 20 năm và trong 3 tháng trở lại đây khi được “khởi động lại”, tòa đã hoãn đến… 6 lần. Điều đó gây sự bức xúc và mệt mỏi cho cụ ông gần 80 tuổi.
“Vụ án kéo dài 20 năm rồi, tôi mệt mỏi quá rồi mà vẫn chưa kết thúc nên buộc phải quỳ, xin các ông ấy để được giải quyết, nhưng phiên tòa cũng vẫn hoãn”, ông Sĩ nói với báo Thanh Niên.
Ảnh chụp màn hình hiển thị báo Người Lao Động. |
Theo hồ sơ vụ án, năm 1992 ông Sỹ ký hợp đồng thuê diện tích hồ rộng 27 ha của Trung tâm du lịch để thả cá với thời hạn 20 năm (5 triệu đồng/năm). Đến tháng 5/1995, trung tâm giải thể, diện tích hồ chuyển cho lâm trường Mã Đà thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai quản lý, giữa lâm trường và ông Sỹ tiếp tục ký hợp đồng, với nội dung như cũ, bổ sung thêm nội dung định kỳ 5 năm 2 bên phải ngồi lại để xem xét, điều chỉnh thay đổi vì lợi ích chung.
Năm 1998, lâm trường yêu cầu ông Sỹ thu hoạch thủy sản để thanh lý hợp đồng nhưng ông không chấp nhận. Giữa năm 2000, lâm trường tự ý đơn phương thanh lý hợp đồng, cho một đơn vị khác thuê lại với giá 75 triệu đồng/năm. Ông Sỹ đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường 1,273 tỉ đồng chưa tính lãi suất.
Vụ án được xét xử sơ thẩm lần 1 từ tháng 8/2003, lúc đó TAND huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai tuyên buộc lâm trường phải bồi thường cho ông Sỹ 906 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm giữa năm 2004, TAND tỉnh Đồng Nai hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại vì tư cách tham gia tố tụng của bị đơn đã thay đổi, khi lâm trường Mã Đà được chuyển thành Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu).
Đến năm 2006, TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử lại (sơ thẩm lần 2), buộc bị đơn bồi thường cho ông Sỹ 630 triệu đồng, trong khi nguyên đơn vẫn yêu cầu bồi thường 1,373 tỉ đồng chưa tính lãi suất. Tuy nhiên, một năm sau tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, HĐXX bác đơn kháng cáo của nguyên đơn và tuyên y án sơ thẩm.
Giữa năm 2010, TAND Tối cao có quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử lại. Bởi theo nhận định giám đốc thẩm của TAND Tối cao, để đầu tư nuôi trồng thủy sản rộng 27 ha với thời hạn 20 năm thì ông Sỹ phải bỏ tiền bạc, công sức đầu tư lớn là có cơ sở.
Tuy nhiên 9 năm sau, vụ việc mới được đưa ra xét xử lại. Ngày 3/10/ 2019 TAND huyện Vĩnh Cửu mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 3). Tại phiên xét xử này, tòa tuyên buộc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (trước đó là Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu) phải bồi thường cho ông Sỹ 1,231 tỉ đồng. Ông Sỹ tiếp tục kháng cáo và vụ án vẫn dây dưa đến hôm nay.