Dù kinh tế Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 5,2% trong quý II nhờ xuất khẩu mạnh, hàng triệu người lao động nước này đang đối mặt với thực tế khó khăn: bị cắt giảm lương, chậm trả lương, buộc phải làm nghề tay trái và trì hoãn chi tiêu. Sự phục hồi có vẻ kiên cường của nền kinh tế đang che giấu những áp lực ngày càng tăng trong đời sống dân cư.
- Ukraine hứng mưa hỏa lực Nga sau tối hậu thư của ông Trump 14/7
- Putin không nao núng trước Trump, quyết chiến đến cùng và có thể chiếm thêm lãnh thổ Ukraine
- Tổng thống Donald Trump: Ukraine không nên tấn công Moskva, bác bỏ khả năng gửi vũ khí tầm xa
Thu nhập giảm sâu, nhiều người Trung Quốc phải làm nghề tay trái để sinh tồn
Trương Kim Minh (Zhang Jinming), một nhân viên công ty bất động sản nhà nước, chia sẻ rằng anh đã bị cắt giảm 24% lương – từ 5.500 xuống còn 4.200 nhân dân tệ/tháng. Để bù đắp, anh phải giao đồ ăn ba tiếng mỗi tối và cả cuối tuần, dù công việc này bị xem là không “đáng kính” trong môi trường làm việc nhà nước.
“Không còn cách nào khác,” Trương, 30 tuổi, nói. Anh thường làm đến 11h30 đêm, kiếm được khoảng 60–70 tệ mỗi ngày. “Việc cắt lương tạo áp lực rất lớn. Nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc, tôi phải gánh phần việc của họ.”
Trong khi nền kinh tế được hỗ trợ bằng hoạt động xuất khẩu ổn định, nhu cầu trong nước yếu đã khiến lợi nhuận giảm mạnh, dẫn đến các đợt cắt giảm chi phí và nhân sự. Chính sách ưu tiên sản xuất hơn tiêu dùng đã khiến nhiều người rơi vào cảnh lao đao.
Các ngành công nghiệp như điện tử, ô tô, và các công ty tiện ích – phần lớn có liên kết với nhà nước – đang chậm trả hợp đồng và hóa đơn. Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế do căng thẳng thương mại khiến lợi nhuận sụt giảm, buộc các doanh nghiệp cắt lương và tăng áp lực lên người lao động.
Lợi nhuận và thuế giảm kéo theo tình trạng thâm hụt ngân sách ở các đơn vị nhà nước, trong khi tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tài chính gia tăng. Chính quyền đang thúc đẩy các ngân hàng tăng cho vay, nhưng người lao động vẫn là bên gánh chịu tổn thất.
Các chuyên gia như Max Zenglein, thuộc tổ chức Conference Board of Asia, mô tả Trung Quốc là nền kinh tế “hai tốc độ” với công nghiệp mạnh nhưng tiêu dùng yếu. Việc tiếp tục mở rộng công suất sản xuất trong khi nhu cầu tiêu dùng không theo kịp đang gây áp lực giảm phát và kéo lợi nhuận xuống thấp.
Trì hoãn chi tiêu và chậm lương lan rộng, gia tăng áp lực xã hội
Tại khu vực nợ nần như Quảng Tây, giáo viên Hoàng Phong (Frank Huang), 28 tuổi, cho biết đã 2–3 tháng anh không nhận được lương do trường học phải chờ nguồn từ chính quyền. “Tôi chỉ còn biết chịu đựng, không dám nghỉ việc”, anh nói.
Một giáo viên khác ở huyện Lâm Tuyền, tỉnh An Huy, cho biết chị chỉ nhận được lương cơ bản 3.000 tệ/tháng, trong khi phần lương theo hiệu suất – chiếm khoảng 16% – bị chậm liên tục. “Sau khi trả tiền xăng, phí đỗ xe và quản lý tòa nhà, tôi không còn đủ tiền đi chợ,” chị nói.
Dữ liệu chính thức không công bố tình trạng chậm lương trong khu vực công, nhưng tại các ngành công nghiệp do nhà nước kiểm soát, số liệu cho thấy tình trạng nợ đọng tăng cao. Trong năm tính đến tháng 5, công nợ quá hạn trong ngành thiết bị điện tử và ô tô lần lượt tăng 16,6% và 11,2%, cao hơn mức trung bình 9% của toàn ngành. Lĩnh vực nước và khí đốt cũng ghi nhận nợ quá hạn tăng hơn 17%.
Áp lực tài chính này làm suy yếu triển vọng tăng trưởng dài hạn của các ngành công nghiệp chủ lực, theo chuyên gia Minxiong Liao của GlobalData.TS Lombard APAC.
Trong bối cảnh thu nhập sụt giảm, người dân buộc phải trì hoãn chi tiêu. Huang Tingting, 20 tuổi, tại tỉnh Giang Tô – một trung tâm xuất khẩu – đã phải nghỉ việc phục vụ sau khi nhà hàng cắt giảm giờ làm vì doanh thu lao dốc hồi tháng 4. Trước đây, cô dễ dàng tìm việc mới trong vài ngày, nhưng hiện đã thất nghiệp từ tháng 6.
“Thị trường việc làm năm nay còn tệ hơn năm ngoái,” cô nói.