Mời các bạn nghe tin dạng audio:
Châu Âu đang chìm trong nỗi lo dịch bệnh, còn Trung Quốc tự hân hoan “chống COVID -19 thành công” – Đó là những điều chúng ta sẽ bàn tới trong chương trình điểm tin dịch COVID-19 hôm nay, ngày 16/3.
Liên Hiệp Châu Âu đã soán ngôi Trung Quốc trở thành ổ dịch virus corona. Trước làn sóng dịch lan rộng ở bốn nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, nhiều nước trong EU đã đóng cửa biên giới để tránh dịch. Bruxelles quyết định hỗ trợ 37 tỉ euro để giảm bớt tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế của các nước thành viên.
Đến nay, Ý vẫn là nước có số người tử vong và bị nhiễm virus corona nhiều nhất Liên Hiệp Châu Âu, trong 24 giờ qua, có thêm 3.500 ca lây nhiễm mới, với tổng số bệnh nhân là gần 22.000 và 1.441 người tử vong.
Tây Ban Nha bất ngờ vượt qua Pháp, thành nước thứ hai trong tâm dịch châu Âu với 193 người chết, buộc chính phủ phải ban hành lệnh phong toả toàn quốc trong 2 tuần kể từ Chủ Nhật 15/03/2020 sau nhiều ngày cân nhắc.
Tất cả mọi di chuyển của người dân từ nơi này qua nơi khác cũng như các phương tiện giao thông công cộng được kiểm soát chặt chẽ. Trong thành phố, người dân Tây Ban Nha chỉ được ra khỏi nhà để đi chợ. Toàn bộ cửa hàng, cửa hiệu không cần thiết (trừ trạm xăng, hiệu thuốc, siêu thị…) tại vùng Madrid, nơi bị tác động nghiêm trọng nhất, đã được lệnh đóng cửa.
Vì sức khoẻ cộng đồng người dân không được tụ tập ở các nơi công cộng như công viên, vườn hoa.
Một cách tổng quát, việc di chuyển chỉ được cho phép trong trường hợp bất khả kháng, hoặc do yêu cầu của công việc nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan của virus corona.
Các phương tiện giao thông công cộng vẫn được duy trì nhưng số hành khách không được quá 50% số ghế, để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Tại Đức, số ca nhiễm virus corona đã vượt quá 3000 người. Mười một trên 16 vùng ở Đức bắt đầu đóng cửa trường học từ thứ Hai 16/03.
Đan Mạch thông báo có người chết đầu tiên. Chính phủ Áo kêu gọi dân chúng tự cách ly và thông báo chi 4 tỷ euro hỗ trợ các công ty chịu ảnh hưởng.
Thụy Sĩ cho biết sẽ huy động thêm lực lượng quân y để phòng chống dịch. Kể từ Chủ Nhật 15/03, hàng quán, tụ điểm giải trí ở bang Tessin, sát biên giới với Ý sẽ đóng cửa.
Điểm qua một vòng tại châu Âu để thấy rằng, tình hình dịch bệnh tại “lục địa già” quả là đáng để phải lo lắng! Vậy phần còn lại của thế giới thì sao? Không có lẽ, tất cả đều êm đềm như phía sau của tấm màn nhung trên sân khấu?
Chúng ta hãy điểm qua về tình hình Trung Quốc. Trong bài viết “Trung Quốc ‘lội ngược dòng’ chống Covid-19” đăng trên VnExpress ngày 14/3, tác giả cho hay, khi phần còn lại của thế giới đang chật vật đối phó với nCoV, thì Trung Quốc nói rằng họ đã xoay chuyển được tình thế.
Bài viết điểm lại quá trình khởi động chậm trễ đến khi việc chống dịch viêm phổi Vũ Hán ở nước này tạo ra bước ngoặt. Trải qua hành trình này, Trung Quốc dẫu tuyên bố đã đạt được thành công, nhưng nó đã khiến công chúng tức giận với chính quyền. Khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan thị sát Vũ Hán ngày 5/3, người dân thét lên qua những ô cửa sổ: “Giả dối!”.
Bài báo viết tiếp, các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc lẽ ra có thể khống chế Covid-19 dễ dàng và nhanh chóng hơn, ngăn nó tràn ra bên ngoài nếu giới chức kịp thời phản ứng vào đầu tháng một, khi số ca nhiễm ở Vũ Hán bắt đầu tăng lên, thay vì trì hoãn vài tuần rồi cuống cuồng phong tỏa thành phố vào cuối tháng, khi dịch có dấu hiệu mất kiểm soát.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ ca ngợi ông Tập là “lãnh đạo của nhân dân” đã dẫn dắt một “cuộc chiến toàn dân” đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời biến các nhân viên y tế trên tuyến đầu thành những người hùng quốc gia.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc trong những ngày qua hoạt động rầm rộ, nhấn mạnh vào con số ca nhiễm trong nước đang giảm dần, trái ngược với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng ở các nước khác. “Họ đang cố truyền đi những câu chuyện tích cực về nỗ lực xử lý tình hình của quốc gia cũng như đảng Cộng sản Trung Quốc”, vẫn theo VnExpress.
Còn ở bên ngoài, Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch ngoại giao, truyền thông và vận động cấp tập để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn thế giới, về nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của Virus Vũ Hán.
Có nhiều ý kiến trái chiều đang đưa ra, người thì nói rằng biện pháp của Trung Quốc là mạnh tay cần thiết, người thì nói chính quyền nước này chống dịch bằng cách chà đạp nhân quyền. Trong giới tinh hoa, có người lo ngại cho hậu bối. Nhà văn Diêm Liên Khoa từ Bắc Kinh nói « Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch » tại dịp khai mạc khóa sáng tác văn chương dành cho sinh viên Hồng Kông. Ông cổ vũ lớp trẻ hãy ghi nhớ những gì đang xảy ra hiện nay, dựa trên những gì mình đã trải nghiệm và chuyển giao cho thế hệ sau.
Ông còn đặt câu hỏi: Vì sao trong cuộc sống hiện tại và quá khứ, các bi kịch, thảm họa liên tục xảy ra ? Vì sao những hố sâu lịch sử luôn phải lấp đầy bằng hàng trăm ngàn xác chết ?… Những ký ức cá nhân bị kế hoạch hóa, thay thế, xóa bỏ ; nhà nước ra lệnh cho cá nhân phải nhớ những gì và nên quên những gì.
Những câu hỏi của ông Diêm rất đáng để suy ngẫm, còn cá nhân người viết thì nghĩ rằng, đây là lúc chúng ta hãy thêm yêu đời, yêu người; hãy ở bên các bậc cha mẹ và người thân già yếu; hãy làm những việc mình còn đắn đo; hãy chăm sóc và nâng niu những gì mình đã lỡ làng… và duy trì sự bình tĩnh, điềm đạm để đón nhận xử lý sự việc bằng nhận thức và hiểu biết chung, cũng như có được sự vững tin vào một mùa hè nắng đẹp đang tới.