Site icon Tin360

Dịch Covid-19 ngày 26/4: Chuyên gia Trung Quốc nói dịch bệnh không dừng lại cho đến năm 2022

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pixabay)

Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật tình hình COVID-19 của Tin360.tv. Bản tin hôm nay, ngày 26/4 có những nội dung sau:

Tin tại Việt Nam 

Việt Nam chỉ còn 45 ca đang điều trị, không có ca nhiễm mới

Bộ Y tế lo ngại làn sóng dịch thứ 2

2.000 máy thở chống dịch Covid-19 từ Nhật Bản tiếp sức Việt Nam

Tin thế giới:

Thủ tướng Anh quay lại làm việc vào tuần sau

Tây Ban Nha chuẩn bị cho người dân ra ngoài thể dục

Mỹ không tham gia sáng kiến phát triển thuốc và vaccine chống Covid-19 của WHO

Chuyên gia Trung Quốc: Dịch bệnh sẽ không dừng lại cho đến năm 2022

Sau đây là nội dung chi tiết:

Việt Nam chỉ còn 45 ca đang điều trị, không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật mới nhất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ 18h ngày 25/04 đến 6h sáng 26/04, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca bệnh cả nước là 270 ca, trong đó 255 ca khỏi bệnh.

Cả nước hiện còn 45 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 5 ca tái dương tính.

Bộ Y tế lo ngại làn sóng dịch thứ 2

Ngày 25/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, triệu chứng của cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua…. Hiện tại vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 đối với dịch COVID-19. Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn.”

2.000 máy thở chống dịch Covid-19 từ Nhật Bản tiếp sức Việt Nam

Các chuyên gia y tế đánh giá hai máy thở đầu tiên trong dự án 2.000 máy thở từ Nhật Bản trao Sở Y tế TP.HCM là gọn nhẹ, phù hợp điều kiện chống dịch hiện nay. Dự án do Đại học Văn Lang và một tập đoàn tài trợ kinh phí.

Công ty sản xuất máy thở MV20, ông Trần Ngọc Phúc, một người Nhật gốc Việt sáng lập, đã bàn giao hai chiếc đầu tiên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản ngày 20/4. Sau đó máy được vận chuyển đường hàng không về TP.HCM để vận hành.

Số máy còn lại sẽ chuyển giao dần cho Việt Nam từ nay đến tháng 6 để đưa về các bệnh viện.

Ngày 24/4, Sở Y tế TP HCM cho biết số máy thở được tài trợ giúp giải quyết khó khăn thường gặp tại các bệnh viện là thiếu trang thiết bị cấp cứu, hồi sức, vốn rất đắt tiền.

Tin thế giới:

Theo thống kê trang worldometers, tính đến 9 ngày 26/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 2.920.905 ca nhiễm COVID-19, 203.269 ca tử vong và 836.683 ca hồi phục. 

Thủ tướng Anh quay lại làm việc vào ngày 27/04

Reuters đưa tin, một phát ngôn viên của chính phủ Anh hôm thứ Bảy (25/4) nói rằng Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở lại làm việc vào thứ Hai (27/4) sau khi đã hồi phục bệnh viêm phổi Vũ Hán. 

Thủ tướng Anh xác nhận bị nhiễm Covid-19 vào ngày 27/03 nhưng cho biết sẽ tự cách ly và làm việc từ xa. Ông nhập viện vào ngày 07/04 và được chuyển ngay vào khoa chăm sóc đặc biệt sau khi ho và sốt liên tục 10 ngày, sau đó xuất viện vào ngày 12/04.

Tây Ban Nha chuẩn bị cho người dân ra ngoài thể dục

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 25/04 tuyên bố sẽ cho phép người dân ra ngoài thể dục từ ngày 02-05 nếu số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục giảm.

Giới quan sát nhận định Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu áp dụng biện pháp phong tỏa mạnh tay nhất vì COVID-19. Nước này đã đưa ra các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan từ ngày 14/03. Người dân chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men và làm việc quan trọng trong thời gian này.

Mỹ không tham gia sáng kiến phát triển thuốc và vaccine chống Covid-19 của WHO

Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia vào một sáng kiến toàn cầu do WHO phát động hôm 24/04 với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển, sản xuất và phân phát thuốc và vaccine chống COVID-19 nhằm phục vụ “công bằng mọi đối tượng” bất kể giàu nghèo.

Trả lời câu hỏi qua email, phát ngôn viên của phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc nói với Reuters:

“Tổ chức này sẽ không có sự tham gia chính thức của Mỹ. Chúng tôi mong chờ được biết nhiều hơn về sáng kiến này để hỗ trợ cho hợp tác quốc tế nhằm phát triển một vaccine chống COVID-19 sớm nhất có thể.”

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm ngừng cung cấp tài chính cho WHO, dẫn lý do tổ chức này quá thiên vị Trung Quốc và thất bại trong việc phòng dịch. Quan chức Washington thúc giục ông Trump chỉ nối lại trợ cấp cho WHO chừng nào tổng giám đốc cơ quan này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. Ông Tedros từ chối đề nghị này trong một cuộc họp báo gần đây.

Chuyên gia Trung Quốc: Dịch bệnh sẽ không dừng lại cho đến năm 2022

Ông Trương Bá Lễ, viện sĩ Viện Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là Hiệu trưởng Đại học Y học Cổ truyền Thiên Tân ngày 23/04 cho biết, dịch bệnh sẽ không dừng lại trước năm 2022, tương lai nó sẽ biến chứng thành một chủng bệnh thông thường cùng tồn tại trong cơ thể người.

Theo trang China News đưa tin ngày 23/04, ông Trương Bá Lễ nói rằng dịch Covid-19 rất khó ngăn chặn, giống như SARS hồi năm 2003. Theo quan sát tình hình đại dịch lây lan toàn cầu như hiện nay, rất có khả năng đợt bùng phát thứ hai sẽ rơi vào mùa thu, mùa đông năm nay, sau đó tiếp tục cho đến năm 2021, 2022.

Ông còn nói, khi hầu hết cơ thể người đều sinh ra kháng thể, căn bệnh này có thể trở thành một chủng bệnh thông thường cùng tồn tại trong cơ thể người.

Ngoài ra, ông Trương Văn Hồng, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, người từng tham gia điều trị dịch SARS và cúm gia cầm H7N9, tại Hội nghị Báo chí về phòng chống dịch bệnh thành phố Thượng Hải ngày 08/04, đã cho rằng thời gian kết thúc dịch bệnh “không ai có thể trả lời.”