Site icon Tin360

Giao tranh bước sang ngày thứ ba, Campuchia lần đầu công bố thương vong

Binh lính Thái Lan trên xe bọc thép ở tỉnh Chachoengsao vào ngày 24/7 (Ảnh: Báo Dân Trí)

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Thái Lan và Campuchia tiếp tục nổ ra ngày 26/7, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột leo thang, Campuchia công bố số thương vong chính thức, trong khi Thái Lan cũng ghi nhận hàng loạt tổn thất và triển khai thiết quân luật ở nhiều khu vực biên giới.

Campuchia: Lần đầu xác nhận thương vong, 13 người thiệt mạng

Theo báo Khmer Times, Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận 13 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công xuyên biên giới của quân đội Thái Lan vào sáng 26/7 tại tỉnh Pursat. Trong số này, có 5 binh sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia và 8 dân thường.

Tại cuộc họp báo ở Phnom Penh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, bà Maly Socheata, cho biết thêm 21 binh sĩ bị thương, cùng ít nhất 50 dân thường bị thương với các mức độ khác nhau. Campuchia cáo buộc phía Thái Lan đã nã pháo hạng nặng vào làng Ekphap, xã Thmar Da, huyện Veal Veng, dẫn đến thương vong lớn.

Để bảo vệ người dân, chính phủ Campuchia đã sơ tán hơn 35.800 người khỏi các khu vực có nguy cơ cao, bao gồm các tỉnh Preah Vihear, Oddar Meanchey và Pursat.

Bộ Quốc phòng Campuchia cũng lên án Thái Lan vi phạm luật nhân đạo quốc tế và Công ước Geneva, đồng thời tố cáo việc Thái Lan tăng cường quân đội mà không có dấu hiệu giảm căng thẳng. Phía Campuchia khẳng định tiếp tục đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, đồng thời tái khẳng định lập trường giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao, dù vẫn giữ quyền tự vệ.

Thái Lan: Giao tranh lan rộng, thiết quân luật được áp dụng

Tờ The Nation đưa tin, các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới đã kéo dài sang ngày thứ ba. Thái Lan cáo buộc quân đội Campuchia mở rộng phạm vi tấn công sang khu vực Ban Chamrak, tỉnh Trat vào lúc 5h10 sáng 26/7.

Đáp trả, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Biên giới Chanthaburi – Trat đã phản công. Hải quân Thái Lan cũng triển khai chiến dịch mang tên “Trat Pikhat Pairee 1” nhằm đẩy lùi lực lượng Campuchia tại ba vị trí chiến lược dọc biên giới. Đến 5h40, phía Thái Lan tuyên bố đã tái kiểm soát các khu vực bị tấn công.

Tình hình tại Phu Ma Kua (tỉnh Si Sa Ket) tiếp tục căng thẳng. Sau khi giành lại quyền kiểm soát khu vực này lúc 18h50 ngày 25/7, Thái Lan cáo buộc Campuchia mở thêm một đợt tấn công lúc 3h30 sáng 26/7. Đến 8h45, quân đội Thái Lan xác nhận vẫn giữ vững vị trí.

Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, giao tranh trên dải biên giới dài hơn 800 km đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường. Hơn 130.000 người đã được sơ tán khỏi các tỉnh biên giới phía đông bắc. Nhiều bệnh viện gần biên giới phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần do đạn pháo và lo ngại an ninh.

Bộ chỉ huy biên phòng Thái Lan cho biết thiết quân luật đã được áp dụng tại 7 huyện ở tỉnh Chanthaburi và 1 huyện ở tỉnh Trat từ ngày 25/7. Chính phủ Thái Lan khẳng định việc triển khai quân là cần thiết để “bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Hai bên tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn nhưng chưa có đột phá

Dù giao tranh leo thang, cả hai nước vẫn tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng ngừng bắn. Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/7, Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc, ông Chhea Keo, kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời thúc giục giải quyết bằng con đường hòa bình.

Phía Thái Lan cũng bày tỏ thiện chí. Bộ Ngoại giao nước này cùng ngày tuyên bố đồng ý về nguyên tắc với đề xuất ngừng bắn của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và sẽ tiến hành xem xét cụ thể.

Theo: Báo Dân Trí