Công an TP.Hà Nội đã bắt khẩn cấp một giám đốc người Trung Quốc và 20 người liên quan đến đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia với lãi suất hơn 2.000%/năm.
Ngày 27/5, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp Liu Dan Yang (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc; tạm trú tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ vai trò cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng qua ứng dụng điện thoại, theo Zing.
Ngoài Yang, 20 người là quản lý, nhân viên trong đường dây này cũng bị bắt để làm rõ các hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “cưỡng đoạt tài sản”.
Yang khai nhận vào năm 2017 có quen biết một người tên Li là giám đốc một công ty công nghệ tại Trung Quốc chuyên lập trình, quảng cáo các phần mềm (app) cho vay online.
Li thuê Liu Dan Yang sang Hà Nội làm Giám đốc Công ty YooPay Việt Nam (có trụ sở tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Li trả công Yang 50 triệu đồng mỗi tháng để giúp công ty công nghệ trên quản lý, điều hành, vận hành 3 phần mềm cho vay qua điện thoại ở Việt Nam gồm “cashvn”, “vaynhanhpro” và “Ovay”.
Bước đầu, Công an Hà Nội xác định trong đường dây này Nguyễn Quang Vũ (35 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) thay mặt Li để quản lý, điều hành việc cho vay, ký các giấy tờ với ngân hàng; còn Zhang Min (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc; tạm trú Q.Ba Đình, Hà Nội) điều hành bộ phận nhắc và truy thu nợ. Cả 2 đối tượng này đã bị bắt khẩn cấp, theo Thanh niên.
Dưới trướng của Yang và Vũ, một bộ máy nhân sự gồm nhân viên hành chính, tài chính kế toán, thẩm định cho vay, thu hồi nợ và phát triển thị trường được thành lập với gần 300 người.
Ngày 24/5, Công an Hà Nội đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” kể trên ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Vay 1 triệu đồng chỉ nhận được 700.000-750.000 đồng
Cơ quan điều tra làm rõ từ năm 2019 đến nay, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app này khoảng gần 1 triệu người, số tiền giải ngân cho vay mỗi tháng lên tới 100 tỉ đồng, trong 3 năm qua tổng số tiền giao dịch gần 1.000 tỷ đồng.
Theo thủ tục vay, người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và dùng danh bạ điện thoại của mình để thế chấp là có thể vay từ 2 – 30 triệu đồng. Khách vay 1 triệu đồng chỉ nhận được 700.000-750.000 đồng sau khi cắt lãi. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết, tiền lãi sẽ được nhân lên theo tháng, có thể lên tới 2.190%/năm.
Đặc biệt, người vay và người thân còn bị bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện khủng bố, đe dọa để ép trả nợ. Thậm chí, có nạn nhân còn bị cắt ghép hình ảnh cá nhân rồi đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự.