Site icon Tin360

Hà Nội: Bé trai bị bỏ ở tuần thai thứ 31 sống lại kỳ diệu

Bé trai mới sinh 30 phút, nặng 1,6kg, được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn.

Ngày 12/9, BS Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, em bé được nhóm thiện nguyện đưa vào cấp cứu lúc 20h ngày 4/7, bé mới chào được khoảng 30 phút. Bé được đặt tên là Nguyễn Bình An, theo báo VietNamNet.

Thời điểm nhập viện, trẻ chỉ nặng 1.6kg, đã ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, toàn thân tím tái, hạ thân nhiệt nặng, chỉ còn 34.8 độ C.

Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho bé thở máy, bơm thuốc hỗ trợ hô hấp vào phổi, theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, truyền kháng sinh, truyền thuốc.

Khoảng 4 tiếng sau, bé diễn biến xấu hơn, huyết áp tụt, mạch khó bắt. Các bác sĩ tiếp tục cho bé chuyển sang máy thở cao tần HFO (loại máy thở hiện đại nhất cho sơ sinh).

May mắn, bệnh nhi đáp ứng tốt, dần qua cơn nguy kịch. Sau 5 ngày thở HFO, bé chuyển thở máy thường 14 ngày trước khi được thở hỗ trợ áp lực và thở oxy. Ngày 13/8, bé được cho dừng thở oxy.

Ngoài vấn đề về hô hấp, bệnh nhi còn bị nhiễm trùng rất nặng. Các bác sĩ phải cho bé sử dụng kháng sinh liên tục để cải thiện tình trạng.

Hiện tại, bé tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú. Bệnh viện đang chờ làm các thủ tục đưa bé về trung tâm bảo trợ trẻ em.

Thông thường, trẻ sinh non được ra đời trong cơ sở y tế như Bệnh viện Phụ sản, Khoa Phụ sản hay các trạm y tế xã sẽ được hỗ trợ sau sinh bằng việc ủ ấm, hút dịch mũi họng, làm thông thoáng đường thở,…

Tuy nhiên, em bé này lại là trường hợp nạo phá thai. Người phá sẽ làm mọi cách để đưa trẻ ra ngoài, không thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo như các ca đỡ đẻ bình thường. Khi chào đời, bé cũng không được áp dụng các biện pháp hỗ trợ nên mới diễn tiến rất nặng, ngừng tim, ngừng thở chỉ sau 30 phút.

BS Giang nhận định, Bình An sống được là ngoài ý muốn, bé sống được là rất may mắn.

Ngoài ra theo BS Giang, bé thở máy, thở oxy kéo dài, có nguy cơ bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non, tăng sinh các mạch máu ở phần võng mạc sau của mắt có thể gây mù lòa, giảm thị lực. May mắn bé không có biểu hiện tổn thương mắt.

Về các ảnh hưởng sức khỏe trong tương lai, BS Giang cho hay, những em bé đẻ non dưới 2 kg dễ gặp các bệnh về mắt. Trường hợp Bình An phải thở máy, thở oxy kéo dài sau đẻ non sẽ có nguy cơ mắc bệnh võng mạc, tăng sinh các mạch máu ở phần võng mạc của mắt, có thể gây mù lòa, giảm thị lực sau này. Thế nhưng theo BS Giang, Bình An cực kỳ may mắn khi mắt không có biểu hiện tổn thương.

Chia sẻ với PV báo Vnexpress, các thành viên của nhóm thiện nguyện cứu bé Bình An cho biết, bé Bình An có một điểm đặc biệt so với những đứa trẻ bị bỏ rơi khác. Bình An rất may mắn khi phát hiện vẫn còn chút sự sống là nhờ dây rốn của bé đã được người nào đó buộc chỉ, nên không bị mất máu quá nhiều.

“Duyên của con là được làm người”, Minh Tinh, một thành viên trong nhóm thiện nguyện nói.

Được biết, nhóm thiện nguyện có 12 thành viên chính, cùng với cộng tác viên, thành lập cuối năm 2013. Minh Tinh chia sẻ, đây là nhóm tự phát, mong muốn cứu sống cuộc đời những em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Trường hợp khi phát hiện bé đã mất, anh mong muốn cho các bé có một ngôi mộ, thay vì bị người thân vứt bỏ ở bãi rác.

Sau 7 năm làm công việc này, đến nay khoảng 100 em bé sơ sinh được nhóm cứu sống, hàng tháng chôn cất 700-800 bé.