Chiều 20/9, tại trụ sở UBND xã Thạch Lâm cũ rất nhiều người cao tuổi đang tận dụng sân để tập thể dục. Tòa nhà hai tầng trụ sở xã này được đầu tư kiên cố nhưng do lâu ngày không sử dụng đã có dấu hiệu meo mốc.
VietNamNet cho biết, theo Nghị quyết 819 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hà Tĩnh đã hình thành 34 xã mới trên cơ sở sắp xếp 80 xã. Từ 262 xã giảm xuống còn 216 xã. Hà Tĩnh hiện có những trụ sở xã mới xây dựng, tu bổ lại nhiều tỷ đồng, nay buộc phải bỏ hoang do sáp nhập.
Tại huyện Thạch Hà, để hình thành xã mới Tân Lâm Hương, phải thực hiện sáp nhập ba xã Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương. Sau sáp nhập, trung tâm hành chính của xã mới là trụ sở xã Thạch Tân cũ, dư thừa 2 trụ sở xã Thạch Lâm, Thạch Hương cũ. Trong số này, có trụ sở xã Thạch Hương vừa xây dựng, tu bổ lại đẹp “long lanh” nhưng buộc phải bỏ hoang.
Một người dân ở xã Thạch Hương cũ cho biết trên báo VietNamNet rằng: “Từ ngày chuyển về trụ sở xã mới, chỗ này vắng người qua lại. Nhìn trụ sở xã vừa xây dựng đó đẹp long lanh nhưng buộc phải bỏ hoang, thật sự tiếc”.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Kiều – nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Hương, nay là phó chủ tịch UBND xã Tân Hương Lâm thừa nhận để đạt chuẩn nông thôn mới, từ năm 2017 – 2019 xã Thạch Hương đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây mới hội trường, nâng cấp sửa chữa hai dãy nhà làm việc. Theo ông Kiều, trong nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ vừa rồi có chủ trương xin đưa trụ sở vào khu trung tâm giải trí cho khu vực phía tây của xã nhưng chờ tỉnh quyết.
Tương tự, huyện Đức Thọ là địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước. Sau sáp nhập có 12 trụ sở xã dư thừa đang bỏ hoang. Tuy nhiên, ông Võ Công Hàm – nguyên Bí thư UBND huyện Đức Thọ tự tin trong tương lai các trụ sở xã này sẽ được giải quyết sớm.
Ông Hàm cho biết trên VietNamNet: “Việc giải quyết các trụ sở tồn đọng không phải một sớm một chiều. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở huyện có kinh nghiệm sáp nhập thôn xóm, từ 243 thôn xóm giảm xuống còn 155 thôn xóm. Hiện đã bán hết được 88 hội quán dư thừa và dùng tiền vào việc chung.
12 điểm trụ sở xã dư thừa thì có những điểm để lại đó làm cơ sở, trung tâm hoạt động cộng đồng. Có những trụ sở nếu bán được thì sẽ bán. Bây giờ nhìn vào thì thấy lãng phí, nhưng chấp nhận tạm thời bỏ hoang để được cái lâu dài”.
Cho biết về các trụ sở bỏ hoang, ông Hà Văn Trọng – giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh khẳng định trên báo Tuổi Trẻ, các trụ sở dư thừa sau khi sáp nhập các xã thì theo phương án tỉnh đã giao cho huyện, tất nhiên theo quy hoạch. ông Trọng nói: “Trụ sở nào sử dụng hay bán là do huyện phê duyệt, lập phương án trình lên tỉnh. Việc trụ sở dư thừa sau sáp nhập mà chưa bán hay sử dụng gì là do huyện chủ trì, còn sở chỉ là đơn vị tham mưu, thẩm định giá”.