Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác khẳng định chính quyền Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu tiên. Các tài liệu thông tin mật rò rỉ cho thấy chính quyền Trung Quốc có đội ngũ dư luận viên hùng hậu; chuyên kiểm duyệt, định hướng dư luận và tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Hacker tiết lộ thông tin mật của Trung Quốc về Covid-19” được ProPublica công bố. Đây là một tòa báo phi lợi nhuận chuyên điều tra các vụ lạm dụng quyền lực. Báo cáo của ProPublica cho biết, những tài liệu rò rỉ được cung cấp bởi một nhóm hacker tự xưng là CCP Unmasked (tạm dịch: Lột mặt nạ của ĐCSTQ).
Các tài liệu thông tin mật gồm có 3.200 chỉ thị và 1.800 bản ghi nhớ. Trong đó có các tệp tin của Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC), ở phía đông thành phố Hàng Châu. Còn có các tệp tin nội bộ và mã máy tính của công ty Urun Big Data Services – công ty sản xuất phần mềm được chính quyền Trung Quốc sử dụng để kiểm duyệt internet và quản lý nhóm dư luận viên trên mạng (còn được gọi là “đội quân 50 xu” hay “ngũ mao”).
Thông tin mật từ Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC)
CAC – Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc được thành lập năm 2014. Đây là cơ quan tập trung quản lý hoạt động tuyên truyền và kiểm duyệt internet. Cơ quan này báo cáo trực tiếp cho Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nó đối với chính quyền Trung Quốc.
Các tài liệu thông tin mật được tiết lộ cho thấy CAC đã đưa ra nhiều chỉ thị kiểm duyệt thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh bắt đầu vào đầu tháng 1/2020, trước cả khi loại virus corona mới này được xác định rõ ràng. Khi các vụ lây nhiễm bắt đầu lây lan nhanh chóng vài tuần sau đó, họ kiểm duyệt bất cứ thông tin gì về dịch bệnh ở Trung Quốc.
Ví dụ, CAC ra lệnh cho các trang mạng xã hội chỉ sử dụng tin tức do truyền thông nhà nước đưa tin và không được chỉ ra bất kể điểm tương đồng nào với đợt bùng phát dịch SARS chết người ở Trung Quốc và các nơi khác vào năm 2002; ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra có những điểm tương đồng.
Vào đầu tháng 2/2020, một cuộc họp cấp cao do ông Tập Cận Bình chủ trì đã ra lệnh kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa các phương tiện truyền thông mạng. Ví như một chỉ thị gửi cho tỉnh Chiết Giang, cho thấy CAC không chỉ kiểm soát thông tin bên trong Trung Quốc, mà còn tìm cách “tác động đến dư luận quốc tế”.
Theo chỉ thị của Đảng, CAC kiểm duyệt nghiêm ngặt nội dung và giọng điệu đưa tin của các phương tiện truyền thông; đồng thời chỉ đạo “ngũ mao đảng” kiểm soát dư luận và triển khai lực lượng an ninh để bịt miệng những tiếng nói bất đồng.
Mặc dù Trung Quốc luôn kiểm duyệt phong tỏa tin tức, nhưng qua các tài liệu mà ProPublica tiết lộ đã cho thấy rõ quy mô của nó như thế nào. Theo ProPublica, hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc là một bộ máy quan liêu khổng lồ, với sự tham gia của rất nhiều người, sử dụng công nghệ chuyên biệt do các công ty tư nhân tạo ra, giám sát liên tục đối với các hãng truyền thông cũng như mạng xã hội; và chắc hẳn nó phải tiêu tốn rất nhiều tiền.
Kiểm duyệt sự thật bằng thông tin giả
Vào ngày 7/2, đội quân dư luận viên hùng hậu của Trung Quốc cảm thấy mất kiểm soát trước thông tin về cái chết do COVID-19 của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông là một bác sĩ đã cảnh báo về đợt bùng phát virus lạ ở Vũ Hán; nhưng chính ông bị cảnh sát đe dọa và bị cáo buộc là phao tin đồn. Cái chết của ông đã gây ra sự đau buồn và giận dữ trên khắp mạng xã hội Trung Quốc và quốc tế.
Theo thông tin mật của CAC gửi tới các chi nhánh địa phương và các hãng truyền thông, chính quyền Trung Quốc quyết định tăng gấp đôi số lượng nhóm “ngũ mao”. Chỉ thị cũng cảnh báo về “thách thức chưa từng có” và “hiệu ứng cánh bướm”, nghĩa là từ mối bất bình này có thể bùng phát sang mối bất bình khác. Chỉ thị yêu cầu các quan chức phải ngăn chặn, thu hồi, và xóa bỏ những tin tức bất lợi.
CAC ra lệnh cho các trang web tin tức không được đưa tin về cái chết của bác sĩ Lý. Họ yêu cầu các nền tảng xã hội xóa dần tên của anh ấy khỏi các trang chủ đề thịnh hành. Và chỉ thị nhóm “ngũ mao đảng” đánh lạc hướng dư luận, họ phải che giấu danh tính của mình bằng những tên giả.
Những chỉ thị thông tin mật hướng dẫn sau cái chết của bác sĩ Lý
.
Ngoài ra, vài chỉ thị khác như: Nếu tài khoản mạng xã hội của ai chia sẻ rộng thông tin về sự thật, tài khoản đó sẽ bị xử lý “nghiêm khắc”. Hay “Đặc biệt phải chú ý đến các bài đăng có hình ảnh ngọn nến, những người đeo mặt nạ đen hoặc các nỗ lực khác nhằm leo thang hoặc cường điệu sự việc”… Sau đó số lượng lớn hơn các đài tưởng niệm trên mạng bắt đầu biến mất. Cảnh sát đã bắt giữ một số người thành lập nhóm để lưu trữ các bài đăng đã bị xóa.
Nhóm “ngũ mao” nhận các chỉ thị chỉ định những liên kết nào, tin tức nào họ phải quảng bá để làm nổi bật trên màn hình chính của các kênh truyền thông xã hội; và thậm chí những tiêu đề nào sẽ xuất hiện bằng chữ in đậm. Như: “những nỗ lực của các nhân viên y tế tới Vũ Hán”, hay “những đóng góp của các đảng viên Đảng Cộng sản”…
Hơn nữa, các tin tức bị coi là “tiêu cực” về virus sẽ không được quảng bá. Các tiêu đề tránh cũng cần phải tránh các từ như “không thể chữa khỏi” và “gây tử vong”, “phong tỏa”…
Thông tin mật cho thấy CAC đã ra lệnh không đưa tin về việc quyên góp và thu mua vật tư y tế từ nước ngoài. Để “Tránh gây ấn tượng sai lầm rằng chúng ta chống lại dịch bệnh dựa vào sự tài trợ của nước ngoài,” một chỉ thị cho biết.
Họ đã gắn cờ để xóa bỏ một số video, trong đó có các video cho thấy những thi thể ở nơi công cộng; cảnh mọi người la hét giận dữ bên trong bệnh viện; hay một nhân viên an ninh lôi một thi thể ra khỏi căn hộ và một đứa trẻ bị cách ly khóc đòi mẹ…
CAC chỉ thị đánh lạc hướng dư luận bằng những nội dung “vui vẻ tại nhà”,“hài hước dí dỏm”.. để “giảm bớt sự lo lắng của người dùng mạng xã hội”…
Trong đó còn có những tổng kết như: Những bình luận của họ có hơn 40.000 lượt xem; “loại bỏ hiệu quả sự hoảng sợ của cư dân thành phố”. Ở một địa phương khác đã khoe về “cuộc chấn áp mạnh mẽ” của họ đối với những gì họ gọi là tin đồn: 16 người đã bị cảnh sát điều tra, 14 người bị cảnh cáo và 2 người bị giam giữ. Hay một quận khác cho biết họ có 1.500 “giám sát viên” để giám sát các nhóm trò chuyện kín trên WeChat, ứng dụng xã hội phổ biến.
Các nhà nghiên cứu đã ước tính có hàng trăm nghìn người ở Trung Quốc làm việc bán thời gian với tư cách là “dư luận viên”. Nhiều người trong số họ là nhân viên cấp thấp tại các cơ quan chính phủ và tổ chức đảng; học sinh, sinh viên và giáo viên… Chính quyền địa phương cũng tổ chức các buổi đào tạo cho họ.
Dùng phần mềm để kiểm duyệt thông tin và đào tạo, quản lý dư luận viên
Các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc có nhiều phần mềm chuyên dụng để định hướng những gì công chúng nhìn thấy trực tuyến.
Công ty Urun là một trong những nhà sản xuất như vậy. Họ đã giành được ít nhất hai chục hợp đồng với các cơ quan địa phương và doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2016. Theo phân tích mã máy tính và tài liệu từ Urun, các sản phẩm của công ty có thể theo dõi xu hướng trực tuyến, điều phối hoạt động kiểm duyệt và quản lý các tài khoản mạng xã hội giả mạo để đăng bình luận.
Hệ thống phần mềm One Urun cung cấp cho người dùng một giao diện đẹp mắt, dễ sử dụng để nhanh chóng thêm lượt thích vào bài đăng. Người quản lý có thể sử dụng hệ thống để giao nhiệm vụ cụ thể cho dư luận viên. Phần mềm cũng có thể theo dõi số lượng nhiệm vụ mà dư luận viên đã hoàn thành và số tiền người đó nhận được.
Theo một tài liệu mô tả phần mềm, những dư luận viên ở phía nam thành phố Quảng Châu được trả 25 đô la cho một bài đăng dài hơn 400 ký tự; gắn cờ một bình luận tiêu cực để xóa sẽ kiếm được 40 xu; đăng lại bài có được một xu.
Urun tạo ra một ứng dụng điện thoại thông minh giúp các dư luận viên sắp xếp công việc của họ. Họ nhận nhiệm vụ trong ứng dụng, đăng nhận xét cần thiết từ tài khoản mạng xã hội cá nhân của họ, sau đó tải lên ảnh chụp màn hình, để chứng nhận rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Các tài liệu cho thấy công ty Urun cũng tạo ra phần mềm giống trò chơi điện tử giúp đào tạo dư luận viên. Phần mềm này chia một nhóm người dùng thành hai nhóm, một đỏ và một xanh, và phân chia họ với nhau để xem nhóm nào có thể tạo ra các bài đăng phổ biến hơn.
Mã Urun khác được thiết kế để theo dõi “thông tin có hại” trên mạng xã hội Trung Quốc. Người dùng có thể sử dụng từ khóa để tìm các bài đăng đề cập đến các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như “sự cố liên quan đến lãnh đạo” hoặc “các vấn đề chính trị quốc gia”. Họ cũng có thể gắn thẻ các bài đăng theo cách thủ công để xem xét thêm.