Trong bối cảnh các vụ án liên quan đến “thuốc giả” ngày càng nghiêm trọng và phức tạp; việc nhận diện thuốc giả trở thành kỹ năng cần thiết với mỗi người dân. Ngoài nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng, người bệnh cần chủ động trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân.
- Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả: Cảnh báo khẩn toàn quốc
- Sở Y tế Thanh Hóa nói về thuốc giả: Phát hiện nhiều vụ, chuyển công an xử lý
- Phá đường dây sản xuất mỹ phẩm giả, tiêu thụ hơn 100.000 đơn hàng trên Shopee, TikTok
Cảnh báo thuốc giả tràn lan: Chủ động nhận diện để tự bảo vệ mình
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/5, Bộ Công an thông tin về tiến độ điều tra các vụ “sản xuất, buôn bán thuốc giả” gây xôn xao dư luận thời gian qua. Trong đó, vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác đã khiến 14 đối tượng bị khởi tố về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh”.
Ngoài ra, một vụ việc khác liên quan đến Công ty TNHH Hirbitech – nơi sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để sản xuất và đưa ra thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe – cũng khiến 4 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình hình này, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng; mà còn phải tự nâng cao cảnh giác; chủ động trang bị kỹ năng nhận diện thuốc giả để bảo vệ bản thân và người thân.
Dấu hiệu nhận diện thuốc giả: Người dân cần lưu ý
Dược sĩ CKI Phạm Ngọc Thảo Uyên – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn – nhận định; thủ đoạn làm giả thuốc ngày càng tinh vi; khiến việc phân biệt bằng mắt thường trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu quan trọng có thể giúp người bệnh nhận biết.
1. Kiểm tra bao bì và nhãn mác
Thuốc giả thường có bao bì kém chất lượng, in ấn sai chính tả, màu sắc mờ nhạt hoặc không đồng đều. Người bệnh nên chú ý đến:
- Tem chống giả dễ bong tróc, bị cào xước
- Mã vạch, QR code không thể quét được
- Thông tin nhà sản xuất thiếu chi tiết hoặc mơ hồ
- Số lô, hạn sử dụng không trùng khớp giữa bao bì và vỉ thuốc
- Dấu hiệu đã bị bóc niêm phong hoặc có vết xé
2. Quan sát đặc điểm vật lý của thuốc
Thuốc giả có thể khác thường về kích thước, hình dạng, màu sắc giữa các viên trong cùng một vỉ. Một số viên có thể xuất hiện vết đốm, lốm đốm màu hoặc dễ vỡ, bề mặt không đều.
3. Chú ý đến nguồn gốc và giá cả
Một sản phẩm thuốc được bán với giá rẻ bất thường là dấu hiệu đáng ngờ. Người dân nên mua thuốc tại các nhà thuốc có giấy phép rõ ràng; ưu tiên nhà thuốc bệnh viện, tránh các nguồn không chính thống như mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử không uy tín.
4. Theo dõi hiệu quả điều trị
Nếu một loại thuốc quen dùng bất ngờ mất tác dụng; gây dị ứng hoặc phản ứng lạ, cần nghi ngờ về chất lượng thuốc. “Thuốc giả không chỉ vô hiệu trong điều trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc; tổn thương gan, thận và làm nặng thêm bệnh lý nền”, dược sĩ Thảo Uyên cảnh báo.
5. Tra cứu số đăng ký lưu hành
Người dân có thể tra cứu thông tin thuốc hợp pháp trên Cổng dịch vụ công của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc. Việc nhập đúng tên thuốc hoặc số đăng ký giúp xác minh nhanh chóng tính hợp pháp và nguồn gốc sản phẩm.
Tham khảo chuyên gia trước khi dùng thuốc
Cuối cùng, dược sĩ Thảo Uyên nhấn mạnh: “Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe và không gây tác dụng phụ.”
Theo: Dantri