Một số nhà quan sát đã chỉ ra, Tổng thống Putin vẫn còn một lực lượng lớn binh sĩ chính quy và khí tài mà ông chưa triển khai tới Ukraine, và rõ ràng người Nga thực sự vẫn đang rất kiềm chế.
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu bài xã luận trên tờ Wall Street Journal với lập luận loại trừ khả năng giải quyết bằng thương lượng như sau: “Tôi không quan tâm tôi phải nói điều đó bao nhiêu lần: Chiến tranh ở Ukraine chỉ có thể kết thúc với thất bại của Vladimir Putin”.
“Thế giới không thể tiếp tục chứng kiến người Ukraine bị khủng bố bằng tên lửa và máy bay không người lái”, ông viết, “Người Ukraine có lòng dũng cảm cần thiết để thành công. Họ đã thể hiện điều đó. Họ chỉ cần trang bị”.
Ngoài ra, cựu Thủ tướng Anh không chỉ cảnh báo về cái mà ông gọi là “sự tự mãn” và “hậu quả” của việc không cung cấp vũ khí tầm xa kịp thời cho Ukraine, mà ông còn loại trừ khả năng Nga leo thang thành xung đột hạt nhân, điều mà NATO và ngay cả Tổng thống Biden cũng bày tỏ lo ngại.
Ông Johnson viết như sau :
“Tôi biết lập luận phản bác mệt mỏi rằng tăng cường cung cấp cho Ukraine có nguy cơ leo thang. Chúng tôi không dám mạo hiểm “chọc đầu gấu Nga”. May mắn thay, sau gần một năm xảy ra cuộc xung đột ghê gớm này, chúng ta có thể thấy điều này hoàn toàn vô nghĩa .
Ông Putin biết mình không thể sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Ông ấy biết hậu quả. Sự thật là ông ấy là người sợ leo thang.”
Nhưng một số nhà quan sát đã chỉ ra, Tổng thống Putin vẫn còn một lực lượng lớn binh sĩ chính quy và khí tài mà ông chưa triển khai tới Ukraine, và rõ ràng người Nga thực sự vẫn đang rất kiềm chế …
Cần lưu ý về vị trí địa lý của sông Dnepr, về cơ bản con sông này đã chia Ukraine thành 2 khu vực phía tây và phía đông. Nói một cách đơn giản, nếu mục tiêu thực sự của Điện Kremlin chỉ đơn giản là xâm lược và chiếm đóng Ukraine như truyền thông phương Tây vẫn luôn mặc định, thì các hướng hành động hợp lý mà người Nga sẽ thực hiện như sau:
Thứ nhất: Người Nga sẽ tấn công và phá hủy các cây cầu bắc qua sông Dnieper tại Kyiv, Cherkasy, Dnipro và Zaporizhzhia bằng máy bay ném bom hạng nặng TU22 và TU60 hoặc tương đương.
Thứ hai: Lực lượng Nga sẽ phá hủy các bến bãi, đường sắt tại các thành phố trọng yếu như Lviv, Kyiv, Dnipro, Poltava và Uman bằng cách sử dụng kết hợp TU22 và máy bay ném bom chiến đấu Sukhoi 34 và máy bay ném bom Tupolev 160.
Thứ ba: Về cơ bản, người Nga sẽ phá hủy các hệ thống đường cao tốc M06 và MO3 tại Kyiv, đường cao tốc M12 tại Kirovgard, MO4 tại Dnipro và M20 tại Kharkiv.
Thứ 4, các quy trình bắn phá trên không này sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các hệ thống đường sắt và đường bộ cho đến khi đạt được mục đích phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Thứ năm, Nga sẽ nhắm mục tiêu bằng tên lửa hành trình để phá hủy hoàn các trạm biến áp điện tại các thành phố trọng điểm như Lviv, Kyiv, Dnipro, Kharkiv và Zaporizhzhia.
Moscow có thể hoàn thành tất cả những điều trên trong thời gian khoảng một tuần bởi lực lượng Nga hoàn toàn nắm ưu thế trên không, bằng cách rải thảm bom hạng nặng giống như người Mỹ vẫn từng làm tại các chiến trường Iraq, Syria, Libya và Nam tư cũ. Và điều quan trọng là lực lượng Nga có máy bay ném bom và máy bay chiến đấu hạng nặng để có thể gây ra những tổn thất mà phía Ukraine khó có thể chịu đựng nếu Điện Kremlin chọn con đường xâm lược phá hủy kiểu này.
Nếu một loạt các bước như vậy được Moscow thực hiện, điều sau đây sẽ xảy ra:
Với những cây cầu và cơ sở hạ tầng giao thông khác bị phá hủy trên toàn lãnh thổ, Ukraine sẽ không thể vận chuyển nhiên liệu, thiết bị quân sự, thực phẩm hoặc hàng hóa từ tây sang đông. Điều này đồng nghĩa sẽ không có thiết bị quân sự hay quân tiếp viện nào có thể được chuyển đến các khu vực phía đông ở Donbass để tiếp viện cho lực lượng phòng thủ Ukraine. Ngoài ra thông tin liên lạc quân sự nội bộ sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Với phần phía đông của đất nước bị cắt đứt, chỉ sau một vài tuần lực lượng Ukraine trong khu vực đó sẽ bị cô lập và buộc phải đầu hàng.
Thêm nữa, việc Nga đánh phá các cây cầu, hệ thống đường bộ, đường sắt không chỉ cản trở việc di chuyển của quân đội Ukraine, mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo gần như không thể tưởng tượng được cho người dân nước này.
Tuy nhiên cần lưu ý là, kể từ khi phát động chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2, thì mãi cho đến ngày 10/10, người Nga mới chính thức tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để trả đũa vụ cầu Crimea bị tấn công bằng chất nổ.
Tuy nhiên các vụ phá hủy bằng tên lửa này của Nga cũng được lựa chọn kỹ càng nhằm tránh gây thương vong cho người dân Ukraine. Vì vậy việc loại bỏ cơ sở năng lượng của Ukraine đã được người Nga tiến hành một cách cẩn thận, nhưng vẫn bảo tồn hệ thống cơ sở hạ tầng. Mức độ đánh phá cũng không nhằm san phẳng mà chỉ tăng dần đều cường độ để nhằm buộc chính quyền Kyiv ngồi vào bàn đàm phán.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Nga lại kéo dài thời gian như vậy để làm gì và vì sao lại cần phải đàm phán?
Vũ khí chính của Nga chính là thời gian
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao trong khi lực lượng Nga đang đạt được những thành công trên chiến trường, cũng như chiếm ưu thế trong việc loại bỏ hệ thống hạ tầng năng lượng của Ukraine, Điện Kremlin vẫn luôn tuyên bố sẵn sàng đàm phán, và thậm chí còn tìm cách đàm phán với các bên rõ ràng là không có khả năng hoặc không muốn đàm phán?
Có quá nhiều câu hỏi được nêu ra, tựu chung cho rằng việc Nga đàm phán và tạm dừng xung đột chính là tạo cơ hội để chính quyền Kyiv và NATO sẽ sử dụng khoảng thời gian hòa hoãn để tái vũ trang, và chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác nhằm vào Nga. Phải chăng Điện Kremlin mù quáng đến mức không hiểu điều này?
Người Nga đã có bài học đau đớn khi tin vào thỏa thuận Minks 2, đã giúp Ukraine có khoảng thời gian 8 năm được Mỹ và NATO hậu thuẫn củng cố lại sức mạnh bằng vũ khí hiện đại và các khóa huấn luyện bài bản.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định, mục tiêu mà Moscow theo đuổi trên thực tế chính là chiến lược của Nga đối phó với phương Tây chứ không phải chỉ Ukraine. NATO trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết bởi vị thế của khối này đang bị đe dọa nếu thêm một lần thất bại nữa ở Ukraine.
Vì sao Tổng thống Putin lại lựa chọn chiến dịch quân sự đặc biệt có quy mô nhỏ ở Ukraine?
Câu trả lời là: Chiến lược tối ưu của Điện Kremlin không phải là dốc toàn bộ lực lượng quân chính quy và dự bị để giành chiến thắng chóng vánh ở Ukraine, mà là góp phần làm châu Âu suy yếu dần dần. Nếu xung đột là không thể tránh khỏi, Điện Kremlin vẫn tiếp tục cố gắng kiểm soát trong khuôn khổ hạn chế và không gây quá tốn kém cho Nga. Bởi NATO, EU vẫn giữ được sức mạnh tập thể to lớn, kích động xung đột luôn là mục tiêu truyền thống của NATO để làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.
Và cuộc chiến ở Ukraine là một minh chứng rõ rệt khi NATO đã kích động thành công Nga gây chiến.
Trong nhiều năm, NATO đã đạt được thành công trong dự án biến Ukraine thành một nhà nước chống Nga, làm bàn đạp để lôi kéo Nga sa lầy vào cuộc chiến. Theo tính toán của NATO, việc duy trì một cuộc chiến lâu dài với sự hỗ trợ của tập thể phương Tây sẽ khiến Nga kiệt quệ cả về mặt quân sự lẫn kinh tế, dẫn đến sự sụp đổ xã hội và tiến tới là sự sụp đổ nhà nước Liên bang Nga.
Vì vậy, Tổng thống Putin đã áp dụng chiến thuật quy mô nhỏ, và thực tế Nga đang một mình chống lại một cuộc chiến ủy nhiệm của tập thể NATO sử dụng Ukraine làm đại diện. Tuy nhiên Nga đã và đang dần đạt được những thành công đáng kể trong việc phi phát xít hóa, phi quân sự hóa Ukraine đến mức chính quyền Biden và NATO đang phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà sụp đổ của chính quyền Kyiv.
Bất chấp việc NATO ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, cũng như các đòn tấn công khiêu khích của chính quyền Kyiv, Tổng thống Putin vẫn từ chối các hành động quân sự mạnh mẽ để giữ cho cuộc xung đột ở dạng ít tổn thất và tốn kém nhất có thể với người Nga, mặc dù phải đánh đổi bằng thời gian kéo dài.
Trong khoảng 7 tháng, Nga vẫn tiến hành các hoạt động quân sự khá chậm chạp với một lực lượng binh sĩ hạn chế, kết quả là Nga đã cắt đứt khỏi Ukraine một lãnh thổ tuy không lớn lắm, nhưng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, do đó đã đẩy chính quyền Kyiv vào tình thế kiệt quệ và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ nước ngoài không chỉ về mặt quân sự, mà còn về mặt tài chính và kinh tế.
Đến mùa thu, Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ và NATO đã tìm ra cách đối phó với chiến dịch đặc biệt của Nga, bằng cách tập hợp các nhóm vũ trang được trang bị vũ khí hạng nặng đã phản công mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thay vì huy động tổng động viên binh sĩ, Nga vẫn nỗ lực giữ cuộc xung đột trong một khuôn khổ hạn chế, bằng cách tiến hành huy động một phần lực lượng dự bị, và quan trọng nhất, bất chấp cái giá phải trả về danh tiếng, Nga đã áp dụng chiến thuật rút lui bỏ lại một phần lãnh thổ bị chiếm đóng. Mục tiêu của Điện Kremlin khá rõ ràng rằng, Nga sẽ không bị buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực, và phải trả cái giá quá đắt cho chiến thắng.
Nhưng Nga đã bắt đầu loại bỏ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine một cách bài bản theo từng phần chứ không ồ ạt dội bom như chiến thuật của Mỹ. Hiện tại, phương Tây đang dần nhận ra rằng họ đang đặt cược rất cao và rất tốn kém vào việc Nga sẽ bị đánh bại. Các kho quân sự của NATO đang trở nên trống rỗng, và nền kinh tế châu Âu ngày càng tổn thất nặng nề.
Điều này có nghĩa là Mỹ, NATO, và EU chắc chắn sẽ phải đưa ra quyết định có nên tiếp tục đốt cháy ngày càng nhiều tài nguyên quý giá và đắt đỏ một cách vô ích vào chảo lửa Ukraine hay tạm dừng cuộc chiến?
Nói một cách dễ hiểu, người Nga đang hài lòng với lựa chọn này, bởi nguồn lực quan trọng nhất của họ lúc này là thời gian – vẫn đang phát huy tác dụng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Putin tuyên bố hôm 7/12 rằng, cuộc chiến tại Ukraine “có thể là một quá trình lâu dài”, nhưng ông cho biết hiện tại sẽ không có lệnh gọi nhập ngũ lần thứ hai.
Có thể bạn quan tâm: