Site icon Tin360

Mỹ duyệt thêm gói cứu trợ, tổng cộng gần 3.000 tỷ USD

Ảnh minh họa

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã quyết định phê duyệt gói cứu trợ 484 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện, nâng tổng ngân sách ứng phó Covid-19 lên gần 3.000 tỷ USD.

Vào ngày 23/04, dự luật cứu trợ chống Covid-19 lần thứ tư với trị giá lên đến 484 tỷ USD đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ, với 388 phiếu thuận và 5 phiếu chống. 

Quá trình bỏ phiếu kéo dài lâu hơn bình thường để các nghị sĩ có thể duy trì khoảng cách theo khuyến cáo của giới chức y tế. Đây cũng là lần đầu tiên các nghị sĩ họp tại Hạ viện trong nhiều tuần qua do Covid-19.

Trước đó, ngày 21/4, dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua bằng cuộc bỏ phiếu miệng. Tổng thống Donald Trump cũng đã tuyên bố ủng hộ và sẽ ký dự luật thành luật.

Theo Hãng tin Reuters, tính đến thời điểm hiện tại lưỡng viện Mỹ đã thông qua tổng cộng 4 dự luật ngân sách bổ sung nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. Một số nhà lập pháp thì thẳng thắn hơn khi gọi đây là những gói “cứu trợ” với tổng giá trị lên tới 3 ngàn tỷ USD.

Các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện gặp khó khăn trong đại dịch sẽ được tiếp cận gói cứu trợ này. Quốc hội Mỹ tháng trước thông qua 3 gói cứu trợ với tổng trị giá hơn 2.000 tỷ USD để giúp đỡ nhiều nhóm đối tượng trong xã hội gặp khó khăn vì Covid-19.

Ảnh chụp màn hình báo VOA

Cũng trong phiên họp hôm 23/04, Hạ viện đã phê duyệt thành lập một ủy ban lựa chọn để giám sát chính quyền Trump chi tiêu các gói cứu trợ kinh tế. Ủy ban này sẽ có quyền ban hành trát điều trần để điều tra cách chính phủ ứng phó với đại dịch virus corona.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết ủy ban điều tra sẽ bảo đảm ngân sách và các gói cứu trợ được phân bổ đến những nơi thực sự cần, ngăn chặn nguy cơ lừa đảo trục lợi. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho rằng ủy ban không cần thiết vì đã có những cơ quan giám sát, gọi đây là nỗ lực tốn kém nhằm đối phó Trump.

Do Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện nên cuối cùng ủy ban mới vẫn được các Dân biểu thông qua với số phiếu 212-182.

Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,7 triệu người nhiễm và hơn 190.000 người tử vong. Mỹ ghi nhận hơn 873.000 ca nhiễm và gần 50.000 người chết, có khoảng 26 triệu người Mỹ đã bị thất nghiệp chỉ trong hai tháng qua.