Chưa từng kết hôn nhưng ông Đinh Minh Nhật (58 tuổi, ở Gia Lai) có đến 126 đứa con đều là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi từ khi lọt lòng; cháu lớn nhất đã học xong đại học, cháu nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.
- Người nuôi gần 300 trẻ mồ côi, bất hạnh: Tôi quan điểm ‘sống khỏe, chết nhanh, không có của để dành’
- Chàng trai Tây làm cha nuôi bé gái mồ côi ở Hà Nội: Con là điều tuyệt vời nhất
Ở thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có một ngôi nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Suốt 17 năm qua, ông Đinh Minh Nhật – chủ ngôi nhà ấy, chính là người đã cưu mang, nuôi dưỡng hơn 100 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa.
Từ lần đầu bế con đi xin sữa
17 năm trôi qua, kể từ ngày ông cứu bé gái Đinh Hồng Phúc khỏi những thủ tục lạc hậu, cho đến bây giờ khi được hỏi lại ông vẫn không thể nào quên.
Hồi đó, ông Nhật từ Sài Gòn về xã Ia Hlốp nhậm chức linh mục. Một lần, gặp đám tang của người Gia Rai, ông thấy một đứa bé đỏ hỏn khóc dữ dội cạnh thi thể người phụ nữ đang chuẩn bị được mai táng. Người bạn đi cùng giải thích, mẹ cháu bé này chết, theo tục của người Gia Rai thì con mới sinh ra phải được chôn theo mẹ.
Nghe xong câu chuyện, ông Nhật lao vào giành lại đứa trẻ từ tay già làng. Sau một hồi thương thảo, già làng chấp nhận đổi đứa trẻ bằng một con heo để cúng Giàng.
“Lúc đó tôi chỉ muốn giật lại đứa trẻ để cứu nó chứ không nghĩ gì đến việc sẽ cho ai hay sẽ nuôi nó như thế nào”, ông kể lại với VnExpress.
Về nhà, người đàn ông độc thân bỡ ngỡ khi ẵm trên tay đứa trẻ hai ngày tuổi đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Ông bế đến từng nhà trong làng, hỏi thăm những phụ nữ đang cho con bú để xin sữa.
Đứa trẻ gầy gò đen nhẻm, ông Nhật chẳng biết tìm ai để cho làm con nuôi. “Quen hơi, bỗng dưng tôi thấy thương và có cảm giác gắn kết với nó”, ông kể; lúc đó ông quyết định giữ lại, đặt tên con là Đinh Hồng Phúc. Cũng vì nhận con nuôi, từ đó ông Nhật không thể tiếp tục làm linh mục.
“Từ đứa bé mà mình nghĩ rằng là cần phải giúp đỡ những đứa trẻ khác, phải cố gắng nuôi nấng để các cháu thành người”, Ông Nhật tâm sự. Cũng từ lần cứu bé Hồng Phúc, cái duyên của ông Nhật với những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ đã “bén”. Ví như chuyện xảy ra 3 năm sau đó, khi ông nghe người làng nói ở huyện Chư Pưh có hai vợ chồng người Gia Rai vừa qua đời để lại 5 đứa con, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tháng. Chạy xe máy hơn 40 km đường rừng, ông chứng kiến cảnh 5 đứa nhỏ đói chẳng có gì ăn, một tuần liền vào rừng mót mủ cao su đổi lấy bánh ăn, ông quyết định dẫn về bọn trẻ về nhà.
Một mình chốn núi rừng, để nuôi được bọn trẻ, ông Nhật trồng cà phê, rồi làm thêm đủ thứ nghề. Khi đám trẻ đông lên, ông xin vào chăm người già ở bệnh viện vào ban đêm. Cứ tối đến, ông khóa cửa để những đứa lớn ở nhà, địu những đứa nhỏ đến viện, trải chiếu ở hành lang cho chúng ngồi chơi. Công việc chăm người bệnh không hề nhẹ nhàng, thậm chí thường xuyên bị quát tháo và mắng chửi thậm tệ. Thương cha chịu khổ, chịu tủi nhục, những đứa trẻ níu áo khóc lóc nói: “Thầy ơi đừng làm nữa, mình về đi”.
Dành tình yêu thương trọn vẹn cho từng đứa bé
Trong chương trình chuyện tử tế: “Người cha” của trẻ mồ côi trên kênh Truyền hình Vĩnh Long, ông Lê Văn Châu một hàng xóm của thầy Nhật chia sẻ: “Thầy chăm sóc những đứa trẻ như là con thầy, bế bồng trên tay nuôi nấng như là cha là mẹ, xung quanh làng xóm ai cũng mến thương thầy”.
Đối với ông Nhật, việc cứu giúp những đứa trẻ như là sứ mệnh của ông khi đến làm người, dù việc làm này khiến ông phải chịu bao nhiêu vất vả cực khổ. “Con người ta, một đứa bé sinh ra có nào là ông bà nội, ông bà ngoại, cô dì chú bác, anh chị em vây quanh nó với biết bao nhiêu tình thương; nhưng mà đây tụi nhỏ không có một chút nào hết cho nên mình cứ cố gắng hết sức, mình phải dành tình yêu trọn vẹn cho đứa bé”, ông Nhật hiền từ nói.
Những đứa trẻ khi đến tuổi đều được ông đưa đến trường học hành, hiểu được hoàn cảnh của mình nên các bé ở đây luôn ngoan ngoãn yêu thương đùm bọc nhau. Đứa lớn chăm đứa nhỏ phụ thầy khiến ông cũng thấy vui trong lòng.
Khi chúng lớn hơn, ông Nhật dẫn đàn con lên rẫy. Hết làm cho nhà mình lại đi làm thuê cho những nhà khác. “Dẫn theo để tụi nhỏ biết quý trọng lao động thôi, chứ chúng còn trông nhau, làm được bao nhiêu”, ông hiền từ chia sẻ.
Năm 2019, một đứa con của ông tốt nghiệp đại học. Vừa đón nhận niềm vui ấy, thì ông phát hiện mình bị bệnh u não ác tính.
Khi những lần ngất xỉu của ông Nhật đến thường xuyên hơn, những đứa lớn bắt đầu thấy lo lắng. H’Ra, 18 tuổi nói trên VnExpress: “Em học xong lớp 12 rồi sẽ đi học nghề. Em không học đại học vì sợ tốn nhiều tiền, tiền đó để thầy mua sữa cho các em nhỏ”.
Những đứa trẻ không quen ngủ trưa, sau giờ cơm, chúng rủ nhau ngồi tụm năm tụm ba ngây ngô rỉ tai nhau rằng: “Bệnh của thầy không chữa được”. Bọn trẻ không biết làm gì hơn ngoài việc bảo nhau xoa đầu để cơn đau của thầy có thể vơi bớt phần nào.