“Đau đớn quá. Nó chết rồi. Chết ở nước ngoài. Tôi lại không có tiền xuất ngoại để đem nó về. Có nỗi đau nào hơn khi biết tin con chết ở nước ngoài mà mình bất lực, để người ta chôn nó nơi xứ người. Nghèo quá, phải chạy ăn từng bữa, tôi không có tiền xuất ngoại nhận xác con”, ông Xuân nói rồi khóc nức nở.
- Được CSGT nói ‘Lấy gương ra đây anh gắn cho’, hơn 1 năm sau cô gái cưới luôn anh cảnh sát
- Bố đơn thân vượt bão xin sữa cho đứa con nhỏ chưa một lần được bú mẹ
- Chồng bắt tôi sinh bằng được con trai, anh bảo đi siêu âm con gái thì bỏ
Ngày 26/11, tin từ sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau được báo Người Đưa Tin đăng tải, đơn vị đã có báo cáo nhanh về trường hợp chị Vũ Thị Cẩm H., 33 tuổi, ngụ ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, đi làm việc nước ngoài bị tử vong tại Ả-Rập-Xê-Út do nhiễm Covid-19.
Chị H. làm công việc giúp việc gia đình tại Ả-Rập-Xê-Út từ đầu tháng 3/2017 do công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt (gọi tắt là công ty Nam Việt) tuyển dụng cung ứng theo quy định.
Đến tháng 11/2020, chị H. có biểu hiện nhiễm bệnh Covid-19 nên được chủ gia đình – nơi chị này làm việc đưa tới bệnh viện Đa khoa khu vực Dawadmi (thuộc TP.Riyadh, Ả-Rập-Xê-Út) để thăm khám.
Tại đây, chị H. được kết luận đã dương tính với Covid-19 nên được cách ly tập trung để điều trị.
Mặc dù, chị H. được đội ngũ y bác sĩ địa phương cứu chữa, nhưng do bệnh tình tiến triển nhanh và nặng nên chị đã chút hơi thở cuối cùng vào lúc 21h5 ngày 16/11 vừa qua.
Theo quy định hiện hành về an ninh, y tế tại Ả-Rập-Xê-Út, đối với những trường hợp lao động nước ngoài tử vong do nhiễm bệnh thì trong vòng 72h nếu không hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa thi hài về nước thì chính quyền nước sở tại sẽ xử lý việc chôn cất theo phong tục của địa phương.
Ngày 19/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-Rập-Xê-Út có Công điện báo về cục Lãnh sự – bộ Ngoại giao và cục Quản lý lao động ngoài nước (Việt Nam).
Tại buổi làm việc, đại diện công ty Nam Việt giải thích rõ các quy định của Ả-Rập-Xê-Út về các vấn đề lao động tử vong và chôn cất đối với những người bị chết do nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn gia đình làm các giấy tờ có liên quan đến việc chôn cất lao động tại Ả-Rập-Xê-Út và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động và gia đình.
Ngoài ra, công ty Nam Việt còn hỗ trợ cho gia đình chị H. 10 triệu đồng và cam kết phối hợp với các bên liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và gia đình.
Đại diện công ty Nam Việt cũng hứa sẽ hỗ trợ chăm lo cho 2 con của chị H. tiếp tục được đi học là 1 triệu/tháng trong 10 năm.
Nỗi đau khôn thấu của người cha già
Trong ngôi nhà thuê trống hoác, người đàn ông thân hình ốm yếu ngồi vò võ trên chiếc giường cũ nứt. Ông hướng mắt về phía chiếc bàn thờ lập vội, nghi ngút khói nhang rồi khóc một mình.
Đã nhiều ngày qua, sau khi nhận được tin con gái tử vong vì nhiễm Covid-19 tại nước ngoài, ông Vũ Hồng Xuân (71 tuổi) cứ bần thần như thế. Nỗi đau mất con đã đánh gục chút sức lực ít ỏi còn lại của ông.
Báo VietNamNet dẫn lời ông Xuân: “Đau đớn quá. Nó chết rồi. Chết ở nước ngoài. Tôi lại không có tiền xuất ngoại để đem nó về. Có nỗi đau nào hơn khi biết tin con chết ở nước ngoài mà mình bất lực, để người ta chôn nó nơi xứ người. Nghèo quá, phải chạy ăn từng bữa, tôi không có tiền xuất ngoại nhận xác con”.
Trong tiếng kinh cầu siêu phát ra từ chiếc radio cũ kỹ, ông Xuân kể, chị H. là người con duy nhất của ông và vợ. Nhưng gia đình khó khăn, ông bà cũng không lo nổi cho con có cuộc sống đủ đầy.
Quê nghèo, không có việc làm ổn định, năm 2017, H. giã từ cha, quyết xuất khẩu lao động, nuôi mộng đổi đời. “Nó nói đi làm ở nước ngoài vài năm để đổi đời vì ở quê nghèo quá. Thế mà, đổi đời đâu không thấy, giờ chỉ thấy nó phải bỏ xác nơi xứ người”, ông Xuân nói trong tiếng nấc nghẹn.
Nói xong, ông lại hướng mắt về di ảnh của con. Chỉ có nơi đây, ông mới có thể tìm lại nụ cười trong trẻo của đứa con gái xấu số. Ông kể rằng, đời ông chỉ toàn đau khổ, nghiệt ngã.
10 năm trước, vợ ông mất vì bạo bệnh. Bây giờ, ông tiếp tục mất đứa con gái duy nhất cũng vì loại bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, lần này, ông đau đớn gấp bội phần. Ông Xuân nói: “Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh đã đau đớn lắm rồi. Thế mà tôi còn không được nhìn mặt con lần cuối”.
Người dân địa phương cho biết, ông Xuân có hoàn cảnh khó khăn. Dù đã cao tuổi, hằng ngày ông vẫn phải mò cua, bắt ốc để mưu sinh. Lúc khỏe, ông đi làm từ tờ mờ sáng đến tận chiều tối mới về. Thế nhưng, ngày “trúng” lắm, ông cũng chỉ thu về 60.000 – 70.000 đồng.
Con gái mất, tương lai của 2 đứa cháu của ông cũng mờ mịt theo. Ông nói: “Bây giờ với thân già bệnh tật này, tôi không biết mình cầm cự được bao lâu nữa. Nếu một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay, cháu tôi không biết sẽ như thế nào, tương lai của chúng sẽ ra sao”.