Chỉ trong vài ngày, một nữ sinh viên năm Nhất ở Hà Nội đã bị nhóm lừa đảo thao túng tinh vi, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng. Kịch bản liên hoàn, đánh vào tâm lý hoảng loạn, niềm tin và khát vọng du học đã khiến cô sinh viên non nớt trở thành nạn nhân đau xót.
- Sắp có quy định mới về trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên từ năm học 2024-2025
- Rúng động Vĩnh Phúc: Phát hiện gần 800kg thịt lợn thối tại nhà hàng nổi tiếng
- 5 điều đặc biệt ở người phụ nữ khiến đàn ông say mê ngay lần đầu gặp mặt
Bị dọa bắt giam vì nghi án ma túy, rửa tiền
Đ.T.N (sinh năm 2006), sinh viên năm Nhất một trường đại học tại Hà Nội, đã trở thành nạn nhân trong vụ lừa đảo tinh vi mà kịch bản được dàn dựng công phu, đánh mạnh vào tâm lý sợ hãi và cả lòng tin vào tương lai học vấn.
Một người tự xưng là công an thuộc Cục phòng chống tội phạm về ma túy đã gọi điện cho N., cáo buộc cô liên quan đến một vụ rửa tiền, buôn bán ma túy. Người này đe dọa sẽ tạm giam cô 37 ngày nếu không “phối hợp điều tra”, đồng thời sẽ thông báo cho nhà trường, ảnh hưởng đến việc học và tương lai xin việc.
Để tạo niềm tin, chúng tổ chức họp trực tuyến, bật camera quay “tang vật” như ma túy, đô la, lệnh bắt giữ, và hình ảnh những người mặc quân phục công an. Sau đó, yêu cầu nữ sinh chia sẻ màn hình điện thoại và máy tính suốt quá trình điều tra.
Chuyển tiền để “chứng minh trong sạch”
Nhóm lừa đảo còn đọc “lệnh khởi tố”, yêu cầu N. chuyển 300 triệu đồng vào một tài khoản phục vụ điều tra. Lo sợ và hoang mang, N. đã gọi điện về cho bố mẹ, lấy lý do trường yêu cầu đóng học phí toàn khóa để mượn tiền và chuyển theo yêu cầu.
Tưởng chừng mọi chuyện dừng lại, thì N. lại tiếp tục rơi vào cú lừa thứ hai – cũng chính là nhát dao cuối cùng khiến gia đình lao đao.
Chiêu bài “được chọn đi du học” để chiếm thêm 600 triệu đồng
Vài ngày sau, một đối tượng khác gọi đến, tự xưng là giảng viên trong trường, thông báo N. được chọn sang Hàn Quốc trao đổi 2 tháng nhờ thành tích học tập xuất sắc. Thậm chí, chúng nắm rõ tên sinh viên cùng lớp, tạo niềm tin tuyệt đối bằng cách cho một người giả danh bạn học gọi điện rủ “cùng đi”.
Một “thông báo du học” có dấu đỏ, chữ ký hiệu trưởng và yêu cầu chứng minh năng lực tài chính cũng được gửi tới. Được thuyết phục rằng nếu chứng minh tài chính cao sẽ được cấp thêm học bổng, N. cùng gia đình tiếp tục xoay sở vay mượn thêm 600 triệu đồng.
Chỉ sau khi chuyển khoản, bố của N. bất ngờ nhận được cuộc gọi ngắn từ chính số điện thoại lừa đảo: “Con gái anh bị lừa rồi”. Lúc này, gia đình mới vỡ lẽ toàn bộ vụ việc là một cú lừa bài bản.
Bài học cảnh tỉnh: Đừng để lòng tin bị lợi dụng
Tổng cộng, N. đã bị lừa gần 1 tỷ đồng – một con số khổng lồ với bất kỳ sinh viên nào. Câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh về những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, lợi dụng danh nghĩa cơ quan chức năng, thao túng tâm lý nạn nhân qua nhiều tầng lớp kịch bản.
Chia sẻ với báo chí, N. bày tỏ mong muốn những gì mình trải qua sẽ là lời cảnh báo sâu sắc tới các bạn sinh viên và phụ huynh. “Chỉ một phút cả tin, không tỉnh táo, có thể phải trả giá bằng cả tương lai của mình và gia đình”, nữ sinh xúc động nói.
Tăng cường cảnh giác, không để bị cuốn vào “bẫy tâm lý” Các chuyên gia khuyến cáo: Không có cơ quan chức năng nào yêu cầu chuyển tiền để điều tra. Khi nhận được các cuộc gọi lạ có dấu hiệu hăm dọa, hãy giữ bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân, và báo ngay cho công an nơi gần nhất.
Bài học từ N. là minh chứng rõ ràng rằng, trong thời đại số, thao túng tâm lý và giả danh chức vụ là những công cụ nguy hiểm đang được tội phạm công nghệ cao khai thác triệt để.
Nguồn: VietNamNet