Giới chức Trung Quốc thông báo với người dân lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp từ ngày 17 tới ngày 18/7 mạnh nhất khoảng 55.000 m3/giây, nhưng lưu lượng thực tế lên tới 61.000 m3/giây.
Tân Văn xã – hãng tin của nhà nước Trung Quốc – thừa nhận lưu lượng đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp ngày 18/7 ở mức 61.000 m3/giây, cao hơn nhiều so với đỉnh lũ số 1 hồi đầu tháng 7, có lưu lượng 53.000 m3/giây.
Phía truyền thông Trung Quốc nói, mưa lớn liên tục, mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp đã đạt 160,17 mét, vượt quá cảnh báo lũ hơn 15 mét. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các nguồn tin quốc tế kiểm chứng thông báo này. Theo giới quan sát, tình hình lũ thực tế tại Trung Quốc đang căng hơn nhiều so với những gì phía chính quyền Trung Quốc cho công bố chính thức.
Tới đây, Trung Quốc có khả năng đối mặt lũ chồng lũ liên tiếp. Phía Tập đoàn đập Tam Hiệp dự đoán, một đợt lũ khác sẽ đổ về vào ngày 21/7.
Số phận của Vũ Hán đang mong manh. Theo tờ Vision Times, giới chức phụ trách thủy lợi của Ủy ban sông Dương Tử và Văn phòng tỉnh đội Hồ Bắc nói, lũ sẽ ập về Vũ Hán trong 3-4 ngày tới. Dương Tử giờ đúng là dòng sông treo trên đầu Vũ Hán có thể mang đến thảm họa bất cứ lúc nào.
Tính đến sáng 18/7, tại Trùng Khánh có 11 người đã thiệt mạng do mưa lũ, hơn 20.000 người đã được sơ tán và 1.031 ngôi nhà bị phá hủy, nhiều cửa hàng bị ngập trong nước, theo tin từ báo Tuổi Trẻ.
Đê tại các sông hồ lớn đang trong giai đoạn bục vỡ mạnh hơn. Hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, xuất hiện vết nứt dài gần 200m, phía Bắc Kinh nói “đã cho binh sĩ vá lại”. Trước đó, nước tràn bờ Bà Dương, làm 15 ngôi làng và các cánh đồng đã bị ngập lụt, khiến hơn 14.000 người phải sơ tán.
Tại Hợp Phì (tỉnh An Huy), nươc dâng cao nhấn chìm nhiều khu vực thành thị và nông thôn. Các khu vực nuôi cá tại đây bị ngập nước, vỡ đê bao khiến cá tràn vào thành thị. Nhiều video ghi lại cảnh người dân thành thị bơi ra phố bắt cá, bất chấp nguy hiểm.