Các đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc tăng xả khiến nước sông Mekong tăng 20-30% so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, mực nước thực đo cao nhất ngày 21/4 tại trạm Tân Châu (sông Tiền) là 1,45 m cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,4 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 m. Tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) là 1,65 m, cao hơn cùng kỳ 0,5 m và cao hơn trung bình nhiều năm 0,7 m.
Trước mắt, lượng nước này giúp giảm hạn mặn cho các tỉnh miền Tây, song để lại những tác động tiêu cực lâu dài, VnExpress dẫn nhận định từ các chuyên gia nghiên cứu sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, việc xả lũ vào mùa khô sẽ khiến dòng chảy mùa lũ (tháng 7, 8, 9) yếu đi, khiến cát, phù sa – vốn đã bị các đập chặn lại một lượng đáng kể nay càng ít về Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thiếu phù sa, cát làm tăng nguy cơ sạt lở ở miền Tây. Lũ biến mất bên cạnh đất đai bạc màu, nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ sẽ càng khan hiếm. Ngoài ra, xả lũ trong mùa khô từng đợt khiến mực nước biến động bất thường, hệ sinh thái bị rối loạn.
Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc và các quốc gia thượng nguồn sông Mekong ồ ạt xây thủy điện đã khiến dòng chảy khi về đồng bằng sông Cửu Long rất cực đoan. Miền Tây luôn đối mặt với hai thái cực là khô hạn nặng hoặc nước dồn trái mùa, gây hại đến hệ sinh thái và sinh kế hàng triệu người dân.
Trong một nhận định chung đưa ra công luận tháng 2/2022, Ủy hội sông Mekong – một tổ chức liên chính phủ gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, 11 con đập mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong là một trong những nguyên nhân gây ra các đợt lũ lụt, hạn hán lịch sử, làm sụt giảm mực nước con sông. Tuy nhiên, luận điểm này đã bị phía Trung Quốc bác bỏ.
Theo tờ NBC, vấn đề sông Mekong đã thành một điểm nóng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2020, chính quyền của tổng thống Trump đã tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.