Site icon Tin360

Phát minh đột phá: Thuốc xịt mũi chống Covid-19, xịt 1 lần bảo vệ 8 tiếng

Thuốc xịt pHOXWELL có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19 trong 8 giờ sau mỗi lần xịt (ảnh chụp màn hình Daily Mail).

Các nhà khoa học Anh đã phát triển thành công loại thuốc mới có thể bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mắc Covid-19 trong suốt 8 tiếng. Loại thuốc xịt mũi này được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao hiệu quả hơn.

Loại thuốc xịt có tên pHOXWELL, do công ty Raphael Labs (Anh) phát triển, được khẳng định chỉ cần 2 lần xịt vào mỗi lỗ mũi sẽ bảo vệ người dùng lên đến 8 tiếng, theo Daily Mail.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy loại thuốc xịt mũi này tiêu diệt virus SARS-CoV-2 trong 30 giây, đồng thời cũng có hiệu quả với virus gây bệnh cúm. Thuốc có thể ức chế virus SARS-CoV-2, ngăn virus lây nhiễm qua màng nhầy trong mũi.

Thuốc pHOXWELL đã được thử nghiệm trên hơn 600 nhân viên y tế chưa được tiêm chủng ở Ấn Độ. Kết quả trong 45 ngày thử nghiệm cho thấy, những người sử dụng thuốc xịt này có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 63% so với các đồng nghiệp chỉ xịt giả dược.

Bác sĩ tim mạch Rakesh Uppal, chủ tịch công ty Raphael Labs, nhận định rằng sản phẩm  này là “một bước đột phá quan trọng”, “một công cụ hiệu quả để có thể giúp chống dịch”.

pHOXWELL được kỳ vọng sẽ là một biện pháp bổ sung giúp nâng cao hiệu quả phòng dịch, ngoài các phương pháp khác như mang đồ bảo hộ và tiêm vắc xin.

“Với loại thuốc xịt mới, mọi người có thể cảm thấy an toàn hơn tại các cuộc họp mặt trong không gian kín. Tương lai việc mang bình xịt này trong túi xách sẽ phổ biến như cầm theo một viên paracetamol phòng nhức đầu”, Giáo sư Angela Russell, chuyên gia hóa học ở Đại học Oxford (Anh) và là một trong những người phát triển pHOXWELL, giải thích.

Mục tiêu của thuốc xịt pHOXWELL là giúp bảo vệ hàng triệu người chưa được tiêm chủng ở các nước đang phát triển. Thuốc được chứa trong bình xịt nhỏ, dễ vận chuyển và có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Ngoài ra, nó cũng có ích với những người người đã tiêm chủng vì trên thực tế, vắc xin vẫn không thể phòng ngừa 100% nguy cơ nhiễm bệnh, theo Daily Mail.