Philippines là một trong số các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Manila gần đây đã bật đèn xanh cho nước này khai thác tài nguyên năng lượng trong khu vực.
Đó là một trong số các tin tức nổi bật trên thế giới vào cuối ngày 16/10/2020:
Philippines tuyên bố ‘có quyền’ khai thác Biển Đông
Philippines hôm 16/10 tuyên bố nước này có quyền cho phép các nhà thầu khai thác năng lượng trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Nikkei trích lời Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi nói rằng Manila hy vọng Bắc Kinh “tôn trọng quyết định chủ quyền của chúng tôi”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin Philippines hôm 15/10 gỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí ở các vùng biển tranh chấp. Manila đưa ra lệnh cấm này vào năm 2014, trong bối cảnh Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông.
Duterte thay đổi lập trường của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông?
Động thái gỡ bỏ lệnh cấm là một bước tiến đáng kể trong chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte và khả năng sẽ thu hút chỉ trích từ Trung Quốc.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã gác bỏ tranh chấp Biển Đông để củng cố quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2016, ông Duterte gọi Phán quyết Biển Đông – một chiến thắng theo đơn kiện của Philippines – chỉ là “một mảnh giấy”.
4 năm sau, ông Duterte mới nêu ra Phán quyết này trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2020.
Những diễn biến thay đổi lập trường của ông Duterte xuất hiện trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên và có nguy cơ xảy ra xung đột.
2 người Thái Lan bị truy tố tội dùng vũ lực với Nữ hoàng
Theo Reuters, cảnh sát Thái Lan hôm 16/10 cho biết hai người đàn ông sẽ bị truy tố tội cố gắng sử dụng vũ lực đối với Nữ hoàng.
Vụ việc xảy ra khi đoàn xe diễu hành của Nữ hoàng Suthida đi qua một nhóm người biểu tình hôm 14/10. Một số người hét lên “tiền thuế của chúng tôi”, như một lời chỉ trích tình trạng chi tiêu sa hoa của cung điện.
Hai người đàn ông có nguy cơ lãnh án tử hình nếu bị kết án.
Triều Tiên nói đạo diễn Đan Mạch dàn dựng phim tài liệu
Triều Tiên cáo buộc một nhà làm phim Đan Mạch “dàn dựng” một loạt phim tài liệu về việc các quan chức Triều Tiên tạo điều kiện cho hoạt động bán vũ khí và ma túy.
NK News, Đại sứ quán Triều Tiên tại Stockholm nói rằng tác phẩm “The Mole” của đạo diễn Mads Brügger là “hoàn toàn trái ngược sự thật” và “vô nghĩa”. Bộ phim được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 11/10.
Nhà văn Úc có nguy cơ chịu án tù chung thân ở Trung Quốc
Nhà văn người Úc gốc Hoa Yang Hengjun có nguy cơ bị kết án tù từ 3 năm cho đến chung thân ở Trung Quốc, theo SMH ngày 16/10. Các công tố viên Trung Quốc chuẩn bị đưa người đàn ông 55 tuổi ra xét xử với tội danh làm gián điệp.
Ông Yang từng là một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc và sau đó ông dùng bút danh để viết tiểu thuyết điệp viên. Trước khi bị bắt, ông tập trung vào việc phê bình các chính sách kinh tế của Trung Quốc và nạn tham nhũng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
SMH cho biết, gần hai năm sau khi ông bị bắt lần đầu, chính quyền Trung Quốc không đưa ra chi tiết nào về bản chất của những cáo buộc mà ông Yang phải đối mặt.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne hôm 14/10 nói rằng hệ thống tư pháp Trung Quốc không đạt được “các tiêu chuẩn cơ bản của công lý”.
Mỹ bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mexico
Chính phủ Mỹ đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mexico, Tướng Salvador Cienfuegos, người từng lãnh đạo quân đội nước này trong 6 năm dưới thời cựu Tổng thống Enrique Peña Nieto.
Ông Cienfuegos bị bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Los Angeles, Mỹ, vì cáo buộc buôn bán ma túy và rửa tiền. Thông tin này do giới chức Mỹ và Mexico công bố hôm 15/10, theo USA Today.
Dưới thời Bộ trưởng Cienfuegos, quân đội Mexico thường xuyên bị buộc tội vi phạm nhân quyền. Vụ bê bối tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của ông Cienfuegos liên quan đến việc quân đội giết nghi phạm trong một nhà kho chứa ngũ cốc năm 2014.